"Biện pháp phân biệt đối xử nhằm vào một số ứng dụng có nguồn gốc từ Trung Quốc của Ấn Độ dựa trên cơ sở mơ hồ và không thực tế. Nước này lạm dụng các ngoại lệ an ninh quốc gia và vi phạm các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)", Ji Rong, phát ngôn viên của Đại sứ quán Trung Quốc ở New Delhi, cho biết hôm 30/6.
Bên cạnh đó, người phát ngôn của Đại sứ quán Trung Quốc ở New Delhi cho biết, lệnh cấm sẽ ảnh hưởng đến việc làm của Ấn Độ và kêu gọi New Delhi đối xử bình đẳng với tất cả các nhà cung cấp dịch vụ, đồng thời tạo ra môi trường kinh doanh cởi mở và công bằng.
TikTok đã bị chặn trên các cửa hàng ứng dụng của Google và Apple ở Ấn Độ, sau khi New Delhi tuyên bố ứng dụng này nằm trong số 59 ứng dụng được cho là "mối đe dọa đối với chủ quyền và tính toàn vẹn lãnh thổ" của Ấn Độ.
Với hơn 600 triệu lượt tải, Ấn Độ chiếm 30% trong số 2 tỷ lượt tải của TikTok trên toàn thế giới. Năm ngoái, công ty ByteDance đã thuê một số giám đốc điều hành cấp cao và đặt ra kế hoạch đầu tư 1 tỷ USD vào Ấn Độ - thị trường tăng trưởng hàng đầu của công ty này.
Người đứng đầu TikTok Ấn Độ Nikhil Gandhi vừa đưa ra một tuyên bố hôm 30/6, cho biết công ty đã "không chia sẻ bất kỳ thông tin nào của người dùng của chúng tôi ở Ấn Độ với bất kỳ chính phủ nước ngoài nào, kể cả chính phủ Trung Quốc".
Ông Nikhil Gandhi cho rằng "hàng trăm triệu người dùng, nghệ sĩ, nhà giáo dục và người biểu diễn ... phụ thuộc vào ứng dụng vào ứng dụng TikTok để kiếm sống”. Nhiều người dùng TikTok đã đăng video bày tỏ sự không hài lòng trước khi ứng dụng ngừng hiển thị nội dung vào hôm 30/6.
Động thái này diễn ra sau vụ ẩu đả đẫm máu ở khu vực biên giới 2 nước Trung - Ấn, khiến ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng. Ấn Độ cáo buộc Trung Quốc xâm phạm chủ quyền quốc gia khi di chuyển hàng nghìn binh sĩ và pháo binh, cũng như xây dựng cơ sở hạ tầng ở Ladakh.
Cuộc đụng độ hai tuần trước là xung đột tồi tệ nhất giữa Ấn Độ và Trung Quốc trong 60 năm qua, và mặc dù hai bên cam kết giảm leo thang, các cảnh quay vệ tinh gần đây dường như cho thấy Trung Quốc đang củng cố sự hiện diện của họ dọc theo biên giới.
Kể từ khi quân đội Trung Quốc đụng độ dữ dội với Ấn Độ ở biên giới, ngày càng có nhiều lời kêu gọi tẩy chay hàng hóa và các khoản đầu tư của Trung Quốc.
Chính phủ Ấn đã công bố kế hoạch áp đặt các rào cản thương mại và tăng thuế nhập khẩu đối với khoảng 300 sản phẩm từ Trung Quốc, cũng như cấm các công ty Trung Quốc đấu thầu các dự án viễn thông ở Ấn Độ.
Bình luận