Những món ăn vặt như chân gà ngâm sả tắc, hay chân gà nướng không chỉ rất ngon mà còn tốt cho sức khỏe. Bạn hãy cùng tìm hiểu các tác dụng của chân gà để có thêm nhiều món ngon tốt cho cả nhà nhé.
Ăn chân gà có tốt không?
Chân gà cung cấp collagen
Báo Lao Động dẫn một nghiên cứu được thực hiện bởi khoa Thú y, Đại học Chung-Hsing, Đài Loan (Trung Quốc) chỉ ra rằng, một phần tác dụng của chân gà đối với sức khỏe là nhờ lượng collagen dồi dào. Mức độ collagen tự nhiên trong chân gà cũng tương tự lượng collagen trong rau xanh và trái cây. Chất này mang đến một số lợi ích như:
- Hỗ trợ da tạo tế bào mới thay cho những tế bào chết, từ đó duy trì sức khỏe và độ đàn hồi của làn da. Bạn cần hiểu rõ tầm quan trọng của collagen đối với làn da để kéo dài nét tươi trẻ.
- Tăng khả năng hấp thụ canxi và protein tốt hơn.
- Giúp cơ thể sản xuất nhiều tế bào hồng cầu hơn.
- Tăng cường tốc độ chuyển hóa chất béo của cơ thể và hỗ trợ giảm cân.
Chân gà giúp giảm nguy cơ gãy xương
Người lớn tuổi thường gặp các bệnh về xương khớp do xương giảm khả năng hấp thụ canxi. Bạn có thể ngăn ngừa các bệnh này từ sớm bằng cách ăn thêm chân gà.
Món ăn này bao gồm da, gân, xương giàu protein, canxi cũng như collagen dễ hấp thụ. Lượng dinh dưỡng này rất quan trọng trong việc tăng cường cấu trúc xương và phòng ngừa loãng xương từ sớm.
Chân gà hỗ trợ chữa lành chấn thương
Trên web hellobacsi, bác sĩ Nguyễn Thường Hanh, Nội khoa - Nội tổng quát, Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh cho biết, chân gà mang lại khả năng chữa lành các chấn thương nhờ chứa các chất dinh dưỡng như protein và canxi.
Đây là hai chất dinh dưỡng cực kỳ quan trọng giúp tái tạo các dây thần kinh, cơ bắp và xương trong cơ thể.
Chân gà duy trì sức khỏe móng
Nước dùng hay các món ăn khác từ chân gà có thể cung cấp một số axit amin, collagen, glycine, hidroksipolin và proline giúp duy trì móng khỏe đẹp.
Hơn nữa, chân gà nấu chín thường chứa gelatin giúp cơ thể xử lý canxi móng hấp thụ được.
Chân gà cải thiện hệ miễn dịch
Chân gà không chỉ chứa collagen hay chất tạo gelatin mà còn chứa các loại khoáng chất khác như kẽm, đồng, magie, canxi và phốt pho. Đây là những khoáng chất cần thiết giúp cơ thể tăng cường hệ miễn dịch để đối phó với nhiều loại bệnh.
Lưu ý khi ăn chân gà
DS.Trần Xuân Thuyết chia sẻ với Báo Sức khỏe & Đời sống về một số lưu ý khi sử dụng chân gà tốt nhất cho sức khỏe.
Cách chế biến chân gà làm thuốc
- Cẳng chân gà làm sạch (bỏ hết da cứng, móng chân). Dùng dao sắc khía sâu dọc cẳng chân 3-4 đường, bàn chân 3-4 đường, giã nát gừng tươi bóp kỹ với từng cái chân gà (10g gừng tươi cho 100g chân gà) ướp trong 30 phút để tạo điều kiện cho men Zingibain phân giải protein được tốt, rồi thêm muối, bột canh cho vừa miệng.
- Lạc nhân (chọn bỏ hạt thối, mốc) rửa sạch, ngâm nước 14 giờ, vớt ra, cho lên trên chân gà (30g lạc nhân/100g chân gà). Cho chân gà và các thứ đã ướp vào nồi áp suất, đổ nước cho ngập chân gà. Đun sôi hạ lửa, giữ nhiệt độ sôi trong 45 phút là đủ nhừ. Tắt lửa để 15 phút rồi mới xả van.
Liều dùng
Ngày ăn 2 lần, ngay trước bữa ăn, mỗi lần một đôi chân gà cùng lạc nhân và collagen (nước hầm chân gà đã loại mỡ) để bồi bổ cơ thể cho người mới ốm dậy, nhất là người bệnh đau xương khớp, yếu chân tay.
Bạn cũng có thể phối hợp uống thuốc bổ thận trước khi ăn chân gà (tùy thực trạng mỗi người dùng bổ thận âm hay bổ thận dương).
Bài thuốc
Chữa chứng đau lưng, đau cổ, đau quanh khớp vai, thoát vị đĩa đệm, đau thần kinh tọa do thoái hóa cột sống: Chân gà hầm như trên 3 đôi, sắc với các vị thuốc đỗ trọng bắc 10g, ngưu tất 10g, táo tàu 10g (ngâm ngưu tất, đỗ trọng đã làm thành mảnh vụn trong 500ml nước nóng 80 độ C giữ ấm trong 5 giờ, sau đó đun sôi nhỏ lửa 30 phút.
Bạn gạn lấy nước, bỏ bã, cho chân gà hầm và collagen cùng với táo tàu đã cắt nhỏ vào sắc tiếp 30 phút là được) chia làm 2 lần ăn trong ngày. Liệu trình 30 ngày, nếu chuyển biến tốt thì dùng tiếp đến khi khỏi.
Thận trọng: Người có bệnh mỡ máu cao không nên ăn nhiều chân gà công nghiệp. Người đang bị tiêu chảy không dùng thuốc chân gà.
Bình luận