• Zalo

Amip ăn não người: Chưa biết lần tìm từ đầu mối nào

Sức khỏeThứ Tư, 05/09/2012 06:00:00 +07:00Google News

(VTC News) – Chuyên gia Y tế đang tỏ ra hết sức bối rối chưa biết lần tìm nguồn gốc amip ăn não người tại Việt Nam từ đâu.

(VTC News) – Chuyên gia Y tế đang tỏ ra hết sức bối rối chưa biết lần tìm nguồn gốc amip ăn não người tại Việt Nam từ đâu.





Trao đổi với PV VTC News về vấn đề này, TS. Nguyễn Văn Bình -  Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết Bộ đang vào cuộc tìm hiểu nguồn gốc, cơ chế tấn công amip ăn não người đối với bệnh nhân đầu tiên tại Việt Nam.

Để tìm hiểu sâu sắc hơn về việc truy tìm nguồn gốc amip ăn não người ở Phú Yên, phóng viên liên hệ với bác sĩ Huỳnh Hồng Quang, Trưởng khoa nghiên cứu lâm sàng và điều trị bệnh nhiệt đới (Viện Sốt rét ký sinh trùng, côn trùng Quy Nhơn).

Amip ăn não dưới kính hiển vi.
Bác sĩ cho biết: “Khả năng bệnh nhân P.V.T. bị nhiễm amip ăn não người ở Phú Yên vì trong bệnh sử, bệnh nhân hoặc người thân bệnh nhân này khai: Trước thời gian xuất hiện triệu chứng bệnh có lội xuống nguồn nước tại ao gần nhà.

Dù tỷ lệ mắc bệnh rất hiếm, nhưng tỷ lệ tử vong do tác nhân này lại rất cao, trong khi thuốc đặc hiệu không phải sẵn có, nên việc khuyến cáo cũng như đưa ra các biện pháp phòng bệnh là quan trọng.

Để làm được điều đó, nếu muốn biết thêm chi tiết về nguồn nhiễm loại amip ăn não gây tử vong cho anh T. các nhà chuyên môn cần tiến hành điều tra một số yếu tố liên quan đến dịch tễ học, thu thập mẫu xét nghiệm và phân tích các chỉ số liên quan tai các vùng có nguy cơ cao nhiễm mầm bệnh xung quanh vùng nước mà anh T. đã từng phơi nhiễm trong thời gian gần đây”.

Việc điều tra các yếu tố dịch tễ học sẽ là cần thiết và khả năng kết quả sẽ giúp ích trong việc nhận định xu hướng phát triển bệnh cũng như có cơ sở đưa ra các bước tiếp cận phòng bệnh hiệu quả cho cộng đồng.

Phát triển thế nào?

Sơ đồ phát triển của Naegleria fowleri ở các nhiệt độ khác nhau.
Phân tích về amip này, bác sĩ Quang nói: Nhìn vào sơ đồ trên, chúng ta có thể nhìn thấy loại amip Naegleria fowleri ưa và phát triển nhanh ở môi trường ấm.

Mặc dù thể tư dưỡng (trophozoites), amip này bị tiêu diệt nhanh chóng trong điều kiện lạnh, song bào nang (cyst) có thể sống sót từ vài tuần đến vài tháng ở nhiệt độ lạnh.

Naegleria fowleri có thể phát triển mạnh ở nhiệt độ cao hơn đến 46 độ C.

Ở nhiệt độ 50-65 độ C, dù amip Naegleria fowleri không thể phát triển tốt, song Naegleria fowleri có thể tồn tại ở điều kiện nhiệt độ cao hơn trong một thời gian ngắn. Thể tư dưỡng và bào nang có thể sống sót từ vài phút đến vài giờ.

 

Một trong những thách thức lớn trong việc xác định amip ăn não người hiện nay là chưa minh chứng được các mối liên quan Nguồn nước - Sự tồn tại amip Naegleria fowlerie – Khả năng nhiễm bệnh ở người.
Bác sĩ Huỳnh Hồng Quang

Ông Quang chia sẻ: Lý do được đưa ra là đây là một bệnh hiếm gặp trên toàn cầu và là ca bệnh đầu tiên của Việt Nam, nên chưa xác định chính xác vị trí có mặt của amip này.

Hơn nữa, sự có mặt, vị trí và số lượng của Naegleria fowlerie là thường xuyên, hoặc có thể thay đổi theo thời gian (lệ thuộc vào nhiệt độ) tại một vùng sông, hồ nhất định, nhưng tại sao sự nhiễm trùng lại xảy ra rất hiếm?

Nguồn bệnh của Naegleria fowleri thay đổi theo theo thời gian tại cùng một địa điểm ao hồ vì khả năng tồn tại và hoạt động của các thể tư dưỡng và bào nang lệ thuộc vào điều kiện nhiệt độ tối ưu với chúng.

Thậm chí, có thể nhiều ao hồ có Naegleria fowleri nhưng không phải ai cũng có nguy cơ nhiễm, điều này cũng nên là lý do để các nhà khoa học nghiên cứu tiếp.

Hiện chưa có một xét nghiệm “chuẩn và nhanh” nào để phát hiện và định lượng Naegleria fowleri trong môi trường nước. Ngoài ra, điều kiện xâm nhập vào cơ thể người có phải dễ dàng không? Tại sao từ trước đến nay không xuất hiện hay được báo cáo?

Vị bác sĩ này cho biết: Khi có triệu chứng, có thể chẩn đoán dễ nhầm với bệnh viêm não màng não do vi khuẩn hoặc virus.

Vì vậy, việc chẩn đoán liên quan đến amip ăn não cần thực hiện các thao tác như xét nghiệm dịch não tủy, sinh thiết các mẫu mô bệnh phẩm lấy từ bệnh nhân; Xét nghiệm PCR tìm tác nhân trong dịch não tủy và bệnh phẩm; Phương pháp phát hiện kháng nguyên trong dịch não tủy và mẫu bệnh phẩm...

 Bệnh nhân P.V.T. (25 tuổi, ngụ Phú Yên) tạm trú tại Q.Bình Thạnh, TP. HCM, đã tử vong sau một ngày nhập viện. Kết quả xét nghiệm tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM cho thấy, anh T. mắc phải loại “amip ăn não người”.

Giữa tháng Bảy, trong lúc về quê để dự đám cưới người thân, anh P.V.T. đã cùng bạn bè lặn bắt trai ở một cái bàu (một dạng ao, hồ rộng lớn) gần nhà.

Sau khi trở lại TP.HCM, anh T. bỗng lên cơn sốt, nhức đầu, tự mua thuốc uống nhưng không khỏi. Lúc 22g40 cùng ngày, bệnh nhân (BN) nhập viện tại BV Nhân dân Gia Định với biểu hiện nhức đầu, lơ mơ.  Anh T. được chuyển gấp qua BV Bệnh Nhiệt đới điều trị.

Tại BV Bệnh Nhiệt đới, bệnh nhân sốt 39 độ C, lơ mơ, cổ cứng, thở nhanh 30 lần/phút. Kết quả xét nghiệm soi dịch não tủy không thấy có vi trùng lao hay vi nấm gây viêm màng não nhưng lại có sự hiện diện của một loại amip.

Sau đó, bệnh nhân vẫn sốt cao, 40 - 41 độ C, suy hô hấp, xuất huyết tiêu hóa và rơi vào tình trạng hôn mê sâu. Đến 23g ngày 31/7, BN nhiều lần bị ngưng tim đột ngột, tử vong.

Sau khi anh T. tử vong, BV Bệnh Nhiệt đới tiếp tục làm nhiều xét nghiệm và kết quả xét nghiệm sinh học phân tử PCR cho thấy anh tử vong do “amip ăn não người” tấn công.

Nguyễn Tâm

Bình luận
vtcnews.vn