Đằng sau lời kêu gọi cải tổ VFF, người ta đang cảm nhận thấy một cuộc đua tranh giành quyền lực mới trong ngôi nhà bóng đá, có thể đẩy bóng đá Việt Nam tiếp tục lâm vào một giai đoạn rối ren mới.
Đi lên sau khủng hoảng
AFF Cup 2010, không đạt được mục tiêu bảo vệ chức vô địch cách đấy 2 năm, HLV Calisto chia tay Việt Nam, chuyển qua dẫn dắt CLB Muangthong United (Thái Lan). Kể từ thời điểm trên, bóng đá Việt Nam lâm vào một cuộc khủng hoảng toàn diện, ở tất cả các cấp độ. ĐTQG bị loại ngay từ vòng bảng AFF Cup 2012. Tuyển U23 cũng thua thảm ở SEA Games 2013. Trong nước, giải VĐQG V-League luôn thấp thỏm với các trận đấu đầy nghi vấn tiêu cực.
Nhiệm kỳ VII VFF diễn ra trong bối cảnh tất cả chờ đợi một luồng sinh khí mới đến từ các doanh nhân giàu nhiệt huyết, nổi bật là Chủ tịch Lê Hùng Dũng và Phó chủ tịch Đoàn Nguyên Đức. Trên thực tế, xét cả về góc độ thành tích và phát triển bền vững, bóng đá Việt Nam 2 năm trở lại đây đang có những tín hiệu dần trở lại quỹ đạo ổn định.
Ở cấp độ ĐTQG, tuyển Việt Nam vào tới bán kết AFF Cup 2014, với lối chơi đầy cống hiến. SEA Games 2015 cũng là lần đầu tiên sau 2 kỳ liên tiếp thất bại, U23 Việt Nam đoạt HCĐ.
Tuy nhiên, điểm đáng mừng hơn là việc hệ thống đào tạo trẻ của Việt Nam được quan tâm, đầu tư mạnh, thể hiện qua một loạt thành tích ở các cấp độ trẻ: U23 lần đầu tiên giành vé dự VCK châu Á 2016, tuyển Olympic vào tới Tứ kết ASIAD 2014 (Incheon, Hàn Quốc), các đội U16, U17, U19…đều giành được những kết quả nổi bật.
Trong nước, lần đầu tiên trong lịch sử V-League chứng kiến các vụ tiêu cực được phanh phui, gồm vụ cá độ ở CLB Ninh Bình và Đồng Nai. VFF đã cho thấy sự quyết liệt thực sự đối với vấn nạn tiêu cực, thay vì chỉ hô hào khẩu hiệu như trước đây.
Dĩ nhiên, cũng cần thừa nhận rằng giải VĐQG còn khá nhiều vấn đề chưa giải quyết triệt để, như tình trạng sai sót của trọng tài, hay nhiều trận đấu khởi phát bạo lực, rồi câu chuyện khán giả chán bóng đá ở V-League 2016.
Ông Chủ tịch ốm và cuộc đua quyền lực
Năm 2015, Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng sức khoẻ không tốt. Ông Dũng ít trực tiếp tham gia vào các công việc chung ở VFF và cả của nền bóng đá, và phải cậy nhiều hơn vào Phó chủ tịch thường trực Trần Quốc Tuấn cùng hệ thống phía dưới. Cũng từ đây, bắt đầu xuất hiện những thông tin nhắm trực diện vào 2 lãnh đạo cao nhất ở VFF.
Dư luận lắm lúc xoay như chong chóng trước những thông tin nội bộ VFF bị tuồn ra ngoài. Thậm chí có lúc, tin nhắn trao đổi riêng của lãnh đạo VFF với nhau cũng bị đưa ra công luận.
Chủ tịch Lê Hùng Dũng và Phó chủ tịch Trần Quốc Tuấn trong năm 2015 từng trở thành đối tượng của lá đơn tố cáo “nhận hối lộ” từ một cán bộ dưới quyền. Chỉ đến khi cơ quan điều tra vao cuộc, với kết luận không có việc trên, bóng đá Việt Nam mới tạm lắng trở lại.
Nhưng cùng với nhưng tín hiệu tích cực hơn về sức khoẻ của ông Dũng thời gian gần đây, người trong cuộc lại đang chứng kiến một làn sóng “tấn công” mới, dưới lời kêu gọi “cải tổ” VFF.
Cải tổ, thì ắt có người phải xuống, và kẻ khác được đưa lên. Phó chủ tịch Trần Quốc Tuấn, người đang được xem là một trong những ứng viên nặng ký nhất cho ghế Chủ tịch VFF, trở thành mục tiêu “lĩnh đạn” đầu tiên.
Công luận ngơ ngác không hiểu chuyện gì đang diễn ra, nhưng người trong cuộc thì hiểu rằng đằng sau những nhận xét tiêu cực về bóng đá Việt Nam là 1 cuộc đua mới đang manh nha. Người hâm mộ bóng đá Việt Nam có lẽ không biết, ngay từ thời điểm này đã có khá nhiều cái tên được “ướm” cho chiếc ghế Chủ tịch VFF tương lai, khi ông Lê Hùng Dũng chính thức nghỉ.
Bóng đá Việt Nam còn kém phát triển, đấy là thực tế khó phủ nhận trong bối cảnh chúng ta thua xa nhiều quốc gia trong khu vực cả về con người, cơ sở vật chất cũng như điều kiện kinh tế.
Chiếc ghế Chủ tịch VFF vốn “quyền rơm, vạ đá” như lời Chủ tịch Lê Hùng Dũng trước đây, đang trở thành mục tiêu nhiều người hướng đến. Một quyết định không tỉnh táo vào lúc này có thể đẩy bóng đá Việt Nam, vốn đang dần ổn định trở lại, có thể rơi vào giai đoạn bất ổn mới.
Bình luận