Cùng với diễn biến nóng ở Afghanistan khi chính quyền Kabul nhanh chóng sụp đổ sau khi Mỹ và đồng minh rút quân, việc Taliban lên nắm quyền sẽ có nhiều tác động đến tình hình địa chính trị trong khu vực cũng như đất nước Afghanistan trong tương lai.
Trả lời PV VTC News, Đại tá Lê Thế Mẫu, nguyên Trưởng Phòng thông tin Khoa học Quân sự, Viện Chiến lược Quốc phòng cho rằng sự sụp đổ của chính quyền thân Mỹ ở Kabul đã được dự báo từ trước. Một khi Mỹ và đồng minh rút đi, sức chiến đấu của họ cũng ngay lập tức tiêu tan.
- Theo ông, nhìn từ chiến thắng chóng vánh của Taliban có thể thấy được điều gì? Tại sao chính quyền Afghanistan phản ứng yếu ớt và mất quyền kiểm soát đất nước sau thời gian ngắn?
Chiến thắng chóng vánh của Taliban trước quân đội và lực lượng an ninh của Afghanistan chứng tỏ nhiều điều:
Một là, quân đội và lực lượng an ninh Afghanistan được xây dựng theo mô hình quân đội Mỹ và các nước phương Tây, hoàn toàn không phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội, chính trị và văn hóa của Afghanistan.
Chính quyền Kabul chỉ có thể tồn tại trên vũ khí và tiền bạc của Mỹ
Đại tá Lê Thế Mẫu
Hai là, quân đội và lực lượng an ninh của Afghanistan không có định hướng chính trị rõ ràng, nên không thể có sức chiến đấu cao. Nhiều người trong số đó không sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ chính quyền tham nhũng ở Kabul. Ngoài ra, theo công bố chính thức, lực lượng vũ trang Afghanistan có khoảng 300.000 binh sỹ nhưng trên thực tế phần đông trong số họ là những người đàn ông ở lứa tuổi lao động bị thất nghiệp muốn được nhận vào lính để được nhận tiền phụ cấp cao có thể nuôi sống gia đình từ viện trợ của Mỹ.
Trong khi đó, chính quyền Kabul không trả lương cho nhiều binh sỹ và cảnh sát Afghanistan trong nhiều tháng. Nhiều người lính được điều ra mặt trận mà không có đủ thức ăn và nước uống. Những người này hoàn toàn không có ý chí chiến đấu. Đó là chưa kể các chỉ huy quân sự của Afghanistan còn lập ra “danh sách các binh sỹ ma” không có trong thực tế để nhận tiền từ ngân sách nhà nước.
Ba là, quân đội và lực lượng an ninh của Afghanistan là một tổ chức chỉ tồn tại trên vũ khí và tiền bạc của Mỹ và nước ngoài. Một khi Mỹ và đồng minh rút đi, sức chiến đấu của họ cũng ngay lập tức tiêu tan.
Bốn là, nghệ thuật chiến tranh của quân đội và lực lượng an ninh của Afghanistan không tương thích với điều kiện cuộc chiến chống khủng bố. Trong khi đó, Taliban là lực lượng rất thông thạo địa hình, rất thiện chiến do đã từng đối đầu thành công với liên quân của hơn 30 quốc gia do Mỹ và NATO đứng đầu. Họ chiến đấu vì mục đích rất rõ ràng là đánh đuổi xâm lược và các lực lượng đi theo xâm lược.
Trước thế tấn công “như chẻ tre” của Taliban, chính phủ thân Mỹ của Afghanistan phản ứng yếu ớt và mất quyền kiểm soát đất nước chỉ sau thời gian ngắn. Lý do là, Chính quyền Kabul hoạt động như một tổ chức tham nhũng và thối nát từ gốc rễ, có liên quan tới hoạt động sản xuất ma túy. Kể từ khi Mỹ tiến vào Afghanistan, quốc gia này từ chỗ không có ma túy dưới thời Taliban trở thành “thiên đường” của hoạt động sản xuất và xuất khẩu lậu ma túy lớn nhất thế giới. Trong khi đó, lực lượng bảo vệ họ là quân đội và lực lượng an ninh không sẵn sàng chiến đấu trước những thách thức và sức ép khốc liệt của Taliban.
- Tương lai của Afghanistan sẽ ra sao khi Taliban trở lại nắm quyền ở Kabul? Taliban có áp dụng trở lại các đạo luật Hồi giáo hà khắc như trước đây?
Theo tuyên bố của quyền Bộ trưởng Bộ Nội vụ Afghanistan Abdul Sattar Mirzakwal, việc chuyển giao quyền lực ở Kabul diễn ra trong hòa bình. Taliban hứa sẽ ân xá cho các quân nhân và các quan chức trong chính quyền Kabul và sẽ bảo đảm an ninh tại các địa phương.
Nếu Taliban nghiêm túc thực hiện cam kết trong thỏa thuận hòa bình ký với Mỹ ngày 29/2/2020 thì Afghanistan sẽ được hưởng tương lai hòa bình và phát triển ổn định. Theo đó, Taliban chấm dứt quan hệ với mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda và các tổ chức khủng bố quốc tế khác, và sẽ hợp tác với Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố; sẽ cùng với chính quyền Kabul và các lực lượng khác tiến hành đối thoại về tiến trình chính trị để hóa giải cuộc xung đột và thiết lập ổn định ở Afghanistan.
Theo người phát ngôn của Taliban, ông Zabihullah Mujahid, sau khi kiểm soát quyền lực ở Kabul, Taliban sẽ xây dựng nhà nước Hồi giáo nhưng sẽ không áp dụng các đạo luật hà khắc như trước đây và sẽ đưa Afghanistan hội nhập với thế giới, trước hết là với các nước láng giềng.
Một trong những thủ lĩnh của Taliban là Sirajuddin Haqqani cho biết, họ sẽ tìm cách xây dựng một hệ thống chính trị theo Đạo Hồi ở Afghanistan, trong đó tất cả các công dân, trước hết là phụ nữ, đều có quyền bình đẳng như quyền được học tập, chăm sóc y tế và lao động. Afghanistan sẽ cam kết tuân thủ tất cả các công ước quốc tế nếu những điều luật đó tương thích với các nguyên tắc Hồi giáo.
Tuy nhiên, đến thời điểm này chưa thấy rõ các dấu hiệu nào cho thấy trật tự tại các khu vực do Taliban đã giành được quyền kiểm soát đã thay đổi đáng kể so với những năm họ cầm quyền 1996-2001. Trước khi thủ đô Kabul thất thủ, Liên hợp quốc thông báo có nhiều phụ nữ, những người bảo vệ nhân quyền và nhà báo bị xâm hại tại các khu vực do Taliban kiểm soát.
Thậm chí, Cao ủy nhân quyền của Liên hợp quốc Michelle Bachelet cho biết, Taliban đã hành quyết một số binh sĩ từng phục vụ trong quân đội Afghanistan sau khi Kabul thất thủ. Điều này có thể khó tránh khỏi khi Taliban là tập hợp nhiều nhóm vũ trang Hồi giáo, trong đó có hai lực lượng ôn hòa và cực đoan. Cũng không loại trừ khả năng, Afghanistan dưới thời Taliban sẽ là tâm điểm dung nạp các tổ chức khủng bố, trong đó có cả Al-Qaeda.
- Với những cam kết cải cách của Taliban, liệu chính quyền chuyển tiếp ở Kabul do Taliban đứng đầu có được cộng đồng quốc tế chấp nhận. Taliban có sẵn sàng mở một cuộc tổng tuyển cử thành lập một chính phủ nhiều thành phần?
Khác với chính quyền Taliban trong những năm 1996-2001, trong những năm gần đây, Taliban đã có nhiều nỗ lực tiếp xúc ngoại giao, giảm bớt sự phụ thuộc vào Pakistan và tìm cách nâng cao uy tín để được quốc tế công nhận. Kết quả rõ nhất của những nỗ lực đó của Taliban là năm 2013 họ đã mở Văn phòng chính trị tại Doha (Qatar).
Từ cuối năm 2018, Mỹ đã công nhận Taliban là một thực thể chính trị và mời Taliban tham gia cuộc đối thoại trực tiếp tại Doha và đạt thỏa thuận vào ngày 29/2/2020, đặt nền tảng cho đối thoại nội bộ Afghanistan. Taliban cũng tham gia đối thoại với các bên tại Moskva, Nga. Các cuộc đối thoại giúp gia tăng sự công nhận của quốc tế đối với Taliban.
Đặc phái viên Mỹ về hòa hợp Afghanistan Zalmay Khalilzad gần đây cảnh báo Taliban sẽ bị quốc tế cô lập nếu dùng biện pháp vũ lực để chiếm lấy Afghanistan. Ông Khalilzad được cho là đã gặp đại diện các bên liên quan tại khu vực để tìm kiếm cam kết về việc không công nhận chính quyền Taliban nếu lực lượng này dùng bạo lực để chiếm quyền kiểm soát.
Ngoài Mỹ ra, có nhiều nước trong khu vực có thể có ảnh hưởng ở Afghanistan. Đó là Pakistan, Nga, Iran, Trung Quốc và Ấn Độ. Nếu họ phối hợp nỗ lực sử dụng ảnh hưởng làm đòn bẩy, thậm chí cả sức ép, để hỗ trợ tiến trình hòa bình ở Afghanistan thì tình hình sẽ sớm ổn định và hòa bình sẽ được thiết lập. Nhưng nếu những quốc gia này theo đuổi những toan tính riêng ngược chiều nhau trong quan hệ với Afghanistan thì tình hình chung sẽ trở nên đáng lo ngại, sẽ có tác động tiêu cực đến hòa bình và ổn định trong khu vực nói chung.
Trong đó, Mỹ tuyên bố sẽ hợp tác với chính quyền mới ở Kabul nếu Taliban thực hiện các nội dung trong thỏa thuận hòa bình mà họ đã ký trong tháng 2/2020. Nga đã từng coi Taliban là “tổ chức khủng bố”. Sắp tới đây, Nga có thể thay đổi quyết định này và công nhận chính quyền mới ở Kabul nếu Taliban chấm dứt quan hệ với các tổ chức khủng bố. Taliban đã từng đến Moskva nhiều lần để đàm phán và đảm bảo với các nhà ngoại giao Nga rằng họ không gây ra mối đe dọa cho các nước Trung Á.
- Có nhiều ý kiến cho rằng Trung Quốc sẵn sàng thay thế vai trò của Mỹ ở Afghanistan, khi Bắc Kinh quan tâm tới việc mở rộng đầu tư ở các nước Trung Á, trong đó Afghanistan được xem là trọng điểm. Nhận định của ông về vấn đề này như thế nào?
Bắc Kinh đã chính thức tuyên bố, Trung Quốc sẽ không thay thế vai trò của Mỹ ở Afghanistan với lý do là chính sách đối ngoại của họ là không can thiệp vào chính trị nội bộ của các quốc gia khác và sẵn sàng hợp tác với Afghanistan bất kể chính quyền nào ở Kabul.
Trong một tuyên bố đưa ra ngày 16/8/2021, Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định, Bắc Kinh tôn trọng quyền tự quyết của người dân Afghanistan đối với vận mệnh và tương lai của mình, sẵn sàng tiếp tục phát triển quan hệ láng giềng tốt đẹp và hữu nghị với Afghanistan, cũng như đóng vai trò xây dựng trong hòa bình và tái thiết ở đây.
Trong những năm gần đây, trong khi Trung Quốc cùng với chính quyền Kabul xây dựng một số dự án cơ sở hạ tầng ở Afghanistan thì họ vẫn tiếp xúc và duy trì quan hệ với Taliban. Trong bối cảnh Mỹ sắp rút quân khỏi Afghanistan để kết thúc cuộc chiến kéo dài 20 năm, Trung Quốc ủng hộ mạnh mẽ việc tái thiết hòa bình ở Afghanistan. Bắc Kinh vừa ủng hộ viện trợ tài chính cho chính quyền Kabul, vừa đối thoại trực tiếp với Taliban để nhận được sự bảo đảm từ tổ chức này cho các dự án đầu tư ở Afghanistan.
Hiện nay, sau khi chính quyền Kabul thân Mỹ bị giải thể, Bắc Kinh sẵn sàng công nhận Taliban như một lực lượng quân sự và chính trị nòng cốt để bảo vệ và phát triển các lợi ích kinh tế, chính trị và an ninh của Trung Quốc tại Afghanistan. Theo đó, Bắc Kinh hy vọng Taliban sẽ cắt đứt quan hệ với các lực lượng Hồi giáo cực đoan đòi độc lập ở Tân Cương của Trung Quốc.
- Trước sự sụp đổ nhanh chóng của chính quyền Kabul, theo ông động thái tiếp theo của Mỹ sau khi rút khỏi Afghanistan là gì? Liệu Washington có tiếp tục can dự vào quốc gia này trong tương lai?
Hành động tiếp theo của Mỹ sau khi rút quân khỏi Afghanistan đã được Tổng thống Mỹ Joe Biden trình bày rất rõ ràng trong bài phát biểu của ông về quyết định rút quân khỏi Afghanistan.
Nhiệm vụ chống khủng bố mà Mỹ đặt ra cách đây 20 năm khi phát động cuộc chiến ở Afghanistan đã hoàn thành. Hiện nay mối đe dọa khủng bố đã lan rộng ra ngoài lãnh thổ Afghanistan. Sau khi Mỹ rút quân, nếu nguy cơ khủng bố tái bùng phát, Mỹ sẽ kiên quyết hành động ở Afghanistan một lần nữa theo phương thức tấn công từ xa vì Mỹ hoàn toàn có khả năng đó.
Tổng thống Joe Biden cho biết, Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ người dân Afghanistan tái thiết đất nước trong hòa bình. Trong đó, Mỹ sẽ dẫn đầu bằng chính sách ngoại giao, ảnh hưởng quốc tế và viện trợ nhân đạo để ngăn chặn bạo lực và bất ổn; sẽ tiếp tục lên tiếng vì các quyền cơ bản của người dân Afghanistan, của phụ nữ và trẻ em gái vì nhân quyền phải là trung tâm trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. Nhưng Mỹ sẽ không can thiệp nhân đạo thông qua các đợt triển khai quân sự bất tận.
Tổng thống Joe Biden đã quyết định triển khai 6.000 lính Mỹ đến Afghanistan để hỗ trợ các nhân viên dân sự Mỹ và đồng minh an toàn rời khỏi Afghanistan. Ngoài ra, Mỹ đã thực hiện chiến dịch Đồng minh tị nạn từ tháng 7/2021 để đưa 2.000 người Afghanistan và gia đình của họ có đủ điều kiện xin thị thực nhập cư đặc biệt đến Hoa Kỳ.
Ngoài ra, theo thỏa thuận Mỹ-Taliban ký ngày 29/2/2020, Mỹ sẽ đề nghị Hội đồng bảo an Liên hợp quốc dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với các thành viên Taliban. Hiện nay, Mỹ sẵn sàng công nhận chính quyền mới ở Afghanistan nếu chính quyền đó đại diện cho nhân dân Afghanistan và đáp ứng các lợi ích của Mỹ ở quốc gia này.
Bình luận