Không ai bắt "Zico" Thái phải xin lỗi cả, nhưng quân tử hảo cầu, có lỗi thì nhận. Đấy là sự sòng phẳng, là văn hóa ứng xử văn minh. Ở chiều ngược lại, chúng ta đón nhận nhận định đó như thế nào?
Không gì bằng lời nói thật
Thời điểm HLV Kiatisuk đưa ra nhận định "10 năm nữa bóng đá Việt Nam mới theo kịp Thái Lan" là khi chúng ta đã thua họ ở cả 2 lượt trận đi và về vòng loại Asian Cup 2019 (tổng tỷ số 0-4). Với chức vô địch AFF Suzuki Cup 2016 và HCV SEA Games 2017, dưới triều đại Kiatisuk Senamuang, Thái Lan tiếp tục chứng minh ngôi vị bá chủ không bàn cãi của bóng đá Đông Nam Á.
Thái Lan cũng là đại diện Đông Nam Á duy nhất đi đến vòng đấu loại cuối cùng săn vé đến FIFA World Cup 2018. Ngoài ra, đội tuyển Olympic Thái Lan cũng từng 4 lần vào bán kết trong 7 kỳ ASIAD gần nhất.
Trong khoảng thời gian đó, bóng đá Việt Nam ở đâu? Chúng ta mới chỉ một lần lên ngôi vô địch Đông Nam Á (2008), còn chiếc HCV SEA Games vẫn là giấc mơ dang dở dài hơn nửa thế kỷ. Vậy Kiatisuk Senamuang đưa ra nhận định trên là hoàn toàn có cơ sở. Năm 2018, bóng đá Việt Nam có vẻ trội hơn Thái Lan ở cấp độ đội tuyển U23 khi giành ngôi á quân và lần đầu tiên lọt vào bán kết ASIAD 18.
Đó là lý do khiến "Zico" Thái rút lại "lời tiên tri" của mình.Nhưng, chúng ta phải bình tĩnh, thậm chí là cẩn thận với những lời khen, kiểu "khen cho nó chết". 10 năm sau chức vô địch AFF Suzuki Cup 2018, bóng đá Việt Nam mới lại có một lứa cầu thủ tốt, ở cấp độ đội tuyển trẻ quốc gia.
Về mặt tiềm năng, nếu tiếp tục duy trì sự tiến bộ, lứa này có thể gặt hái thành công ở mức độ nào đó thêm 3 - 5 năm nữa. Trong quá khứ, Singapore hay Thái Lan, thậm chí ngay cả các nền bóng đá lớn cũng thế thôi, hết thịnh rồi suy. Sau lứa U23 của những Công Phượng, Quang Hải, Xuân Trường…, chúng ta nhìn thấy ngay khoảng trống - lỗ hổng mênh mông về sự kế thừa.
Câu chuyện không hồi kết
Việc duy trì tính liên tục trong đào tào, cũng như nâng cấp nền bóng đá mà đầu ra là các ĐTQG, chưa bao giờ là câu chuyện đơn giản cả. Trước khi trở lại đánh chiếm các hạng mục giải đấu cấp khu vực, Thái Lan đã vắng bóng trên bục danh hiệu hơn nửa thập niên, kể từ sau chiếc HCV SEA Games 2007 trên sân nhà. Đó là khoảng thời gian Thai Premier League được gầy dựng lại, sau hoang tàn Thai League để lại.
Khoảng thời gian này, Thái Lan cũng đã đặt tham vọng thực sự cho việc bơi ra biển lớn châu Á, thậm chí là quyết giành vé đến FIFA World Cup, nhưng… thất bại. Việt Nam mới chỉ bắt đầu chu kỳ.
Thất bại, trong một chừng mực nào đó, lại là điều tốt, bởi thất bại giúp bóng đá Thái Lan biết bằng cách nào để thành công. Dù không giành được chiến thắng nào tại vòng đấu loại cuối cùng giành vé đến Nga dự World Cup 2018, trước những đối thủ tầm cỡ Nhật Bản, Saudi Arabia hay Australia…, song rõ ràng là bóng đá Thái Lan đã tiến bộ vượt bậc. 4 - 5 tuyển thủ quốc gia Thái đã và đang chơi bóng tại Nhật Bản và Bỉ.
Thai Premier League cũng thu hút rất nhiều hảo thủ đến từ Brazil, châu Âu, cũng như Nhật Bản, Hàn Quốc. Trong khi đó, V-League đang có biểu hiện giật lùi, cả về chất lượng đến sự thu hút.
Từ hơn 20 năm qua, chính xác là sau SEA Games Chiang Mai 1995, các câu chuyện giữa bóng đá Việt Nam và Thái Lan vẫn được thêu dệt như truyện 1001 đêm ở xứ Ba Tư vậy. Chưa và có lẽ không bao giờ có hồi kết, dù cũng bằng với khoảng thời gian này, Việt Nam chỉ chính thức 2 lần thắng Thái Lan sau rất nhiều các cuộc chiến. Đó là các trận bán kết Tiger Cup 98 và chung kết lượt đi AFF Suzuki Cup 2008.
Chu kỳ 10 năm vẻ như đang lặp lại, khi chúng ta đang có một lứa cầu thủ đủ năng lực thách thức Thái Lan, cùng một HLV tài năng là Park Hang Seo? Hồi sau sẽ rõ!
Bình luận