Một loạt mẫu ô tô tải, ô tô khách sản xuất, lắp ráp trong nước và nhập khẩu mới, sử dụng động cơ diesel đạt tiêu chuẩn khí thải Euro 2 đã bị cơ quan đăng kiểm tạm ngừng cấp giấy chứng nhận từ ngày 1/1/2017, khiến DN gặp khó khăn, không thể đưa ra thị trường.
Dừng cấp giấy chứng nhận
Theo Quyết định 49/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, từ 1/1, các loại xe ô tô sản xuất lắp ráp và nhập khẩu mới phải áp dụng tiêu chuẩn khí thải Euro 4, thay vì mức Euro 2 như hiện nay.
Tuy nhiên, thời gian qua, các DN sản xuất lắp ráp xe tải, xe khách sử dụng động cơ diesel cho rằng, do nhiên liệu sản xuất tại Việt Nam chưa đáp ứng tiêu chuẩn Euro 4, trong khi nếu nhập khẩu thì chi phí cao hơn nhiều so với nhiên liệu Euro 2.
Không những thế, áp dụng tiêu chuẩn khí thải mức 4, thì tất cả các loại xe phải thay đổi động cơ từ Euro 2 sang Euro 4, làm giá thành tăng từ 35-40%, theo đó giá ô tô sẽ tăng từ 15-20%. Do vậy, chi phí vận chuyển sẽ bị ảnh hưởng và đã có kiến nghị lên Chính phủ, lùi thời hạn áp dụng với các phương tiện nói trên.
Thời gian qua, Chính phủ và các DN cũng đã họp bàn về lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải theo tiêu chuẩn Euro 4. Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho biết, từ tinh thần của cuộc họp, DN ô tô hiểu là lộ trình áp dụng sẽ có điều chỉnh.
Cụ thể, với ô tô du lịch, xe buýt gắn động cơ diesel thực hiện từ 1/1/2018 (lùi 1 năm), với ô tô tải gắn động cơ diesel, thực hiện từ 1/1/2022 (lùi 5 năm).
Theo VAMA, các DN sản xuất lắp ráp và nhập khẩu ô tô tải, ô tô buýt, ô tô du lịch sang năm 2017 vẫn thực hiện sản xuất lắp ráp và nhập khẩu xe sử dụng động cơ diesel tiêu chuẩn Euro 2.
Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, văn bản mới để sửa đổi Quyết định số 49/2011/QĐ-TTg vẫn chưa được ban hành. Do đó, lộ trình khí thải Euro 4 vẫn được giữ nguyên và bắt đầu thực hiện từ ngày 1/1/2017. Cục Đăng kiểm Việt Nam đã tiến hành dừng cấp giấy chứng nhận đăng kiểm cho các xe ô tô đạt tiêu chuẩn khí thải Euro 2 được sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới.
Vì thế, trong khoảng 10 ngày đầu năm 2017, đã có hàng trăm ô tô tải, buýt,... sử dụng động cơ diesel tiêu chuẩn Euro 2 bị tạm dừng cấp giấy chứng nhận.
Đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam cho hay, "do chưa có quy định mới nên chúng tôi vẫn thực hiện theo đúng quyết định 49, tức là từ ngày 1/1/2017, tất cả ô tô sản xuất lắp ráp và nhập khẩu mới, phải áp dụng tiêu chuẩn khí thải mức Euro 4, không thể làm trái được".
Doanh nghiệp khó khăn
Chủ một DN có cơ sở lắp ráp xe tải tại huyện Củ Chi, TP.HCM, cho biết, hiện có 100 xe tải nhẹ sử dụng động cơ dieslel tiêu chuẩn Euro 2 bị Cục Đăng kiểm Việt Nam tạm ngừng cấp giấy phép. Tình trạng này nếu kéo dài, DN sẽ thiệt hại vô cùng lớn.
Chẳng hạn, cứ tính với 100 xe, mỗi chiếc có giá bán 700 triệu đồng, chỉ 1 tháng nằm trong kho, DN sẽ chịu 10% lãi suất vay vốn, cũng mất hàng trăm triệu đồng. Không những thế, nếu có giấy tờ xe, các DN có thể mang thế chấp cho ngân hàng, để vay vốn tiếp tục kinh doanh. Xe không giấy tờ, không thế chấp được, ngân hàng không cho vay vốn, sẽ gây ra gián đoạn trong sản xuất.
"Mỗi tháng chúng tôi bán gần 100 xe tải, nếu không giao xe cho khách hàng đúng hẹn, sẽ bị phạt, gây thiệt hại nặng nề. Trong khi đó, đang là thời điểm cuối năm, nhu cầu vận tải hàng hóa tăng cao, dẫn đến nhu cầu về xe tải cũng tăng khoảng 20% so với trước. Nếu hàng loạt xe bị tạm ngừng cấp giấy chứng nhận, có thể gây ra tình trạng khan hiếm, khiến giá bị đẩy lên cao, gây ra những hỗn loạn trên thị trường ô tô, vận tải", vị này lo lắng.
Để tháo gỡ khó khăn cho các DN, VAMA đã đề nghị Thủ tướng sớm ban hành văn bản sửa đổi Quyết định số 49/2011/QĐ-Ttg. Bên cạnh đó, trong thời gian chờ đợi, đề nghị cho phép các DN ô tô nằm trong diện điều chỉnh lùi thời hạn áp dụng tiêu chuẩn khí thải Euro 4, tiếp tục được sản xuất, lắp ráp nhập khẩu xe ô tô sử dụng động cơ diesel có mức khí thải Euro 2.
Bình luận