Vàng Tín Phát (SN 1998, quê Tiền Giang) là anh chàng thiết kế đồ họa và thủ công bán thời gian tại TP.HCM. Cậu có khả năng tái chế rác nhựa thành các sản phẩm tí hon (có tên tiếng Anh là miniature) khiến nhiều bạn trẻ trên mạng xã hội trầm trồ, thán phục.
Chia sẻ với VTC News, Tín Phát cho biết ý tưởng làm đồ tí hon nảy ra trong lần cậu về quê cách đây vài tuần. Ngồi trên xe ô tô, sau khi ăn cơm xong do có quy tắc sống xanh nên bản thân cảm thấy áy náy khi vứt hộp nhựa vào thùng rác, vì thế suốt quãng đường đi cậu luôn nghĩ về giải pháp.
Chàng trai có lối sống xanh tâm sự rằng, mỗi khi ra đường, vật "bất ly thân" của cậu là một túi vải chứa ly, ống hút, muỗng đũa cá nhân. "Ban đầu, nếu ai mới tập cách sống này sẽ cảm thấy đôi chút bất tiện, nhưng dần mọi thứ sẽ thành thói quen", 9x chia sẻ.
Kể từ đó, chàng trai tỉ mẩn sử dụng đồ tái chế tạo ra những sản phẩm gần gũi, thân thuộc như một góc nhà bếp, một bát canh chua hay một góc đầy những loại rau củ mini.
Vật liệu được Phát sử dụng cũng rất đa dạng, như vỏ hộp xốp dùng để làm tường, sàn, bàn ghế; nắp kim tiêm ở trạm y tế được dùng để làm chậu cây, ly; vỏ viên thuốc, vỏ chai, ruột bút bi và bất cứ đồ vật gì vứt đi đều có thể chế thành đồ handmade... Tất cả đồ dùng đều được vệ sinh sạch trước khi thực hiện.
Thay vì dùng các chất liệu chuyên dụng như trước, Phát tìm các loại rác thải nhựa phù hợp với thiết kế của mô hình.
Trước khi làm được một mô hình hoàn chỉnh, Phát sẽ lên ý tưởng về những đồ vật cần làm. Tiếp đó là vẽ phác thảo và cắt dán lại. Dụng cụ để "biến hình" mớ rác thải nhựa gồm keo sữa, dao cắt giấy, vật nhọn và một số kẹp gắp... Kích thước của đồ vật thật khi thành hình thường sẽ thay đổi so với bản phác thảo.
"Nhiều người nghĩ tái chế rác thải nhựa sẽ gặp nhiều khó khăn so với đồ có sẵn, tuy nhiên mình lại thấy nó dễ làm, dễ tạo hình trên bề mặt hơn. Thường mình sẽ mất từ nửa ngày cho đến một ngày để hoàn thiện một sản phẩm chế tác từ rác", anh chàng thiết kế đồ họa yêu môi trường chia sẻ.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, Phát thấy việc khó nhất khiến cậu phải đau đầu tính toán, đó là kích thước của mô hình chỉ được giới hạn dưới 6cm. Trong trường hợp muốn làm mô hình to hơn, người làm phải "sưu tầm" thêm rác.
Hiện tại, những tác phẩm tí hon của chàng trai gốc Tiền Giang đang được chia sẻ trên nhiều trang mạng xã hội. Nhiều người hỏi mua, nhưng do mới làm, số lượng ít nên Tấn Phát chỉ dành tặng bạn bè, người thân.
"Nếu không may phải sử dụng đồ dùng nhựa một lần, hãy biến chúng thành những đồ dùng xinh đẹp thay vì xả rác ra môi trường, làm hại các sinh vật vô tội", là thông điệp mà Tín Phát muốn gửi tới mọi người.
Bình luận