Tất cả chúng ta đều mong muốn con cái khi trưởng thành sẽ gặt hái được nhiều thành công. Để đạt được điều đó, các vị phụ huynh áp dụng nhiều phương pháp giáo dục khác nhau. Tuy nhiên, một số điều cha mẹ dạy có thể vô tình mang lại nhiều bất lợi cho con cái về sau này. Lý do là bởi nhiều quan điểm trở nên lạc hậu, lỗi thời và không phù hợp với thế hệ trẻ. Dưới đây là những quan điểm sai lầm mà cha mẹ thường hay dạy và hướng suy nghĩ của con trẻ:
“Con của tôi phải có được thứ tốt nhất”
Một trong những đặc điểm của đứa trẻ hư là chúng không bao giờ nghe lời người khác. Khi cha mẹ quá chiều chuộng, dung túng con cái, chúng sẽ càng đòi hỏi hơn. Khi trưởng thành, những đứa trẻ như vậy sẽ dễ bước chân vào con đường nghiện ngập, kỹ năng xã hội kém, thiếu trách nhiệm, ích kỷ và chỉ biết lợi dụng người khác để phục vụ mình.
“Con phải luôn nghe theo lời người lớn”
Cha mẹ luôn yêu cầu con cái phải nghe theo mình, điều này sẽ dẫn tới hệ quả nghiêm trọng trong tương lai. Nhà tâm lý học Laura Markham khẳng định, những đứa trẻ ngoan ngoãn thì khi trưởng thành cũng sẽ "ngoan ngoãn" hệt vậy.
Chúng không biết cách tự gánh vác và trở thành con rối của những kẻ thích thao túng. Chúng chỉ biết nghe theo mệnh lệnh, không hỏi, không chịu trách nhiệm cho hành động của mình. Do vậy, cha mẹ cần dạy con cách nói “Không” và bày tỏ quan điểm của mình.
“Điểm A là tốt nhất, điểm C là thất bại”
Bắt con cái đạt kết quả tốt nhất vô hình chung gây ra áp lực cho chúng. Cha mẹ cần giúp con cái hiểu rằng cha mẹ sẽ không bao giờ ghét bỏ dù chúng có thất bại nhiều lần đi chăng nữa.
Theo nhà tâm lý học, tiến sĩ Stephanie O’Leary, thất bại sẽ đem đến nhiều ích lợi cho trẻ. Nó giúp trẻ học cách đối phó với tình huống tiêu cực, cung cấp kinh nghiệm sống cho tương lai.
“Không được đánh nhau cũng như không được đánh trả”
Một người cần biết cách tự đứng lên. Nếu cha mẹ luôn dạy con rằng trong mọi trường hợp đều không được đáp trả lại người khác thì đứa trẻ sẽ luôn im lặng, chịu đựng bị bắt nạt mà không nói lời nào. Trong tương lai, chúng sẽ thua trên các đấu trường đòi hỏi tính cạnh tranh.
Tuy nhiên, đứa trẻ không thể vin vào lý do này để chiến đấu với tất cả mọi người. Cha mẹ hãy dạy con cách tự bảo vệ mình trong mọi trường hợp, đó mới là điều quan trọng.
“Con chỉ cần học thôi, những việc khác để mẹ lo”
Cha mẹ không nên bảo con chỉ tập trung một nhiệm vụ chính và các việc khác để họ lo. Bất cứ ai muốn thành công đều phải tích lũy, học hỏi nhiều kỹ năng và tự chịu trách nhiệm cho mọi lĩnh vực của cuộc sống. Được cha mẹ chăm sóc và bao bọc quá mức sẽ khiến những đứa trẻ này sẽ trở thành người thiếu trách nhiệm khi trưởng thành.
“Con phải học đại học ngay khi tốt nghiệp cấp 3”
Nếu đứa trẻ không có đam mê, chúng sẽ lựa chọn con đường tương lai theo đề xuất của cha mẹ. Một lựa chọn như vậy có thể trở thành sai lầm đáng tiếc trong cuộc đời của chúng. Để tránh điều đó, cha mẹ không nên tạo áp lực quá lớn và để con mình tự sắp kế hoạch cuộc sống của mình.
“Chỉ bằng đại học mới có giá trị”
Tất nhiên, không thể phủ nhận rằng giáo dục đại học chiếm vai trò quan trọng. Nhưng bằng đại học không thể quyết định toàn bộ tiền lương một người kiếm được trong tương lai. Nó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như quốc gia, thị trường, giá trị nghề nghiệp,…
Ở một số ngành công nghiệp có mức lương cao (làm đẹp, công nghệ thông tin, sản xuất phim,..), bằng đại học còn không quan trọng bằng kỹ năng hay kinh nghiệm. Vì vậy, có rất nhiều người không cần bằng đại học mà vẫn thành đạt.
“Con nên tập trung vào việc học hơn là làm part-time”
Việc làm bán thời gian có thể mang lại kinh nghiệm quý giá, kết nối xã hội và thậm chí quyết định được tương lai của một đứa trẻ. Ngày nay, các nhà tuyển dụng hiểu được giá trị của công việc bán thời gian. Những kinh nghiệm làm thêm sẽ khiến CV của một sinh viên nổi bật hơn những người khác.
Các chuyên gia tin rằng phần lớn công việc trong tương lai còn chưa xuất hiện trong thời điểm hiện tại. Do vậy, đứa trẻ không chỉ trau dồi kiến thức mà còn cần biết đến các kỹ năng mềm khác để phục vụ công việc.
“Người khác sẽ làm việc đó thay con"
Nhiều phụ huynh dạy con mình không nên nổi bật, không nói quá nhiều, không làm chuyện bao đồng. Những đứa trẻ được giáo dục như vậy khi lớn lên sẽ trở nên thờ ơ và thiếu đi lòng vị tha.
Bình luận