Khi yêu hay crush một ai đó thì đúng là bao nhiêu điểm xấu cũng hóa xinh đẹp tuyệt vời hết. Thế nhưng, đừng quên giữ cái đầu tỉnh táo để xem người yêu mình có dấu hiệu “red flag” nào không. Vì những “red flag” này rất dễ khiến mối quan hệ của cả hai trở nên không lành mạnh.
Cho ai chưa biết thì 'red flag' dùng để chỉ cảnh báo nguy hiểm, hay những dấu hiệu cho biết mối quan hệ này không ổn và cần được giải quyết/chấm dứt ngay. Đó là cách để bạn tránh nhận “cái kết đắng” hoặc dính vào một mối quan hệ toxic.
Dưới đây là những cảnh báo bạn nên “chạy ngay đi trước khi mọi chuyện dần tồi tệ hơn”:
Sẵn sàng làm tổn thương bạn
Nửa kia liên tục tìm mọi cách để đạt được điều mà họ mong muốn trong mối quan hệ mà không quan tâm đến cảm giác và liên tục làm tổn thương bạn. Đây chính là "cờ đỏ" đầu tiên để bạn cân nhắc lại chuyện tình cảm.
Khi nóng giận, họ sẵn sàng đem đến cho bạn những lời nói tổn thương nặng nề. Những lời nói ấy có thể không là hung khí thật, nhưng chúng chính là những mũi tên đâm xuyên qua trái tim bạn.
Nghiện rượu và chất kích thích
Nếu rượu hoặc đồ uống có cồn đang tác động tiêu cực đến cuộc sống của người ấy - có thể là công việc, sức khỏe hoặc các mối quan hệ của họ - thì đó là dấu hiệu của chứng nghiện. Tương tự, nếu họ cần phải dựa vào các chất kích thích để vượt qua những lúc khó khăn mệt mỏi thì đó là cảnh báo của việc “lún quá sâu vào bùn lầy” và cho thấy họ vẫn chưa biết cách để đương đầu trong hiện thực mà chỉ dám chạy trốn nhờ “cơn mê”.
Hơn hết, nếu việc sử dụng chất kích thích khiến đối phương gây nguy hại cho bạn về thể chất hoặc tình cảm, thì đó là một dấu hiệu rõ ràng để “quay xe”.
Thói quen bạo lực
Nếu người ấy thể hiện bạo lực đối với bạn, với người thân yêu của họ, người lạ và thậm chí cả động vật thì đó là một dấu hiện nghiêm trọng. Nó chỉ ra rằng họ không biết cách để truyền đạt cảm xúc của mình theo hướng lành mạnh và hợp lý. Trong một số trường hợp, đó cũng có thể là dấu hiệu thiếu sự đồng cảm với người khác.
Không có sự bình đẳng
Người đó chưa bao giờ tôn trọng những sở thích cá nhân của bạn, chưa bao giờ tôn trọng nghề nghiệp của bạn. Vậy thử hỏi sau này, nếu bạn và người đó cùng đi chung một con thuyền, liệu họ có thể nghe bạn chia sẻ những tâm tư tình cảm sau này? Điều này chung quy cũng chẳng ai biết được. Nhưng nếu họ là một người có lối sống luôn coi trọng bản thân hơn người khác, thì sẽ chẳng bao giờ họ chịu nghe bạn nói, dù chỉ một lời,
Ghen tuông, nghi ngờ thái quá
Một chút “gia vị” ghen khi yêu sẽ giúp thể hiện sự quan tâm và khiến tình yêu thêm “đậm đà”. Nhưng nếu bạn bắt đầu cảm thấy mệt mỏi vì quan tâm thái quá, những ghen tuông vô cớ và hoài nghi của người ấy thì hãy xem xét lại mối quan hệ ngay. Có thể người ta chẳng yêu bạn mà chỉ muốn chiếm hữu và kiểm soát. Dù bạn có cố gắng cỡ nào, người ấy cũng chẳng dành cho bạn sự tin tưởng nào đâu.
"Tiền án” về sự không chung thủy
Các mối quan hệ “nở hoa” nhờ vào sự tin tưởng lẫn nhau. Nếu người ấy có tiền sử lăng nhăng, thì tốt hơn bạn nên đi chậm lại mà chắc. Hãy tự hỏi bản thân xem mình có thoải mái không khi biết họ đã từng lừa dối người cũ? Kể cả khi họ chứng tỏ rằng mình đã thay đổi, liệu bạn có để tâm? Một số người không mấy bận lòng đến quá khứ của người yêu, nhưng nếu bạn để ý thì việc này như một cú đánh trời giáng vào lòng tin của nhau vậy.
Thích kiểm soát
Một người thích kiểm soát đối phương là người có những vấn đề cá nhân nghiêm trọng cần phải giải quyết. Hãy nhớ lại xem đối phương có thường xuyên kiểm soát bạn không? Chẳng hạn như việc bạn gặp gỡ, nói chuyện với ai, bạn đi đâu, làm gì, thậm chí là cách bạn tiêu tiền, cơ thể bạn trông ra sao, ăn uống như thế nào,… Nếu câu trả lời là có thì bạn cần nghiêm túc trao đổi thẳng thắn với họ và tìm ra hướng giải quyết tốt nhất nhé.
Bình luận