Ngày đầu tiên của năm mới là khoảng thời gian thích hợp để khởi đầu các công việc. Theo các chuyên gia, trẻ em từ 7 đến 12 tuổi là giai đoạn lý tưởng để bắt đầu học cách đưa ra các mục tiêu, cam kết thực hiện trong năm tới.
TS Christine Carter, tác giả cuốn sách Raising Happiness: 10 Simple Steps for More Joyful Kids and Happier Parents cho biết: "Chúng đủ lớn để hiểu và biết cách tự thiết lập các mục tiêu trong năm mới của mình.
Tuy nhiên, cha mẹ cần hướng dẫn để giúp con thực hiện các mục tiêu đó đơn giản và hiệu quả nhất. Ở độ tuổi này, trẻ còn nghe lời cha mẹ và không có những phản ứng thái quá như ở độ tuổi vị thành niên".
TS Christine Carter còn là giáo viên của lớp học trực tuyến về giúp đỡ trẻ em phát triển các thói quen mang đến hạnh phúc.
Trong khi đó, theo nhà trị liệu Jennifer Kolari, đồng thời là tác giả của cuốn sách Connected Parenting cho rằng, ở tuổi 7 - 12, trẻ bắt đầu để tâm và suy nghĩ về quan điểm của người khác. "Chúng làm việc độc lập hơn và bắt đầu xem xét về những mục tiêu lớn hơn trong tương lai", cô chia sẻ.
Việc đưa ra các mục tiêu và cam kết thực hiện trong năm mới với trẻ có thể là hoạt động khá thú vị, giúp chúng phát triển và thay đổi, đồng thời là cơ hội hiếm có để gắn kết tình cảm giữa các thành viên trong gia đình.
Dưới đây là 7 lời khuyên dành cho cha mẹ nhằm giúp con hiện thực hóa các mục tiêu trong năm mới, đem đến những trải nghiệm tích cực cho con trẻ, đồng thời giúp chúng luôn kiên định và phấn đấu vì mục tiêu đó trong suốt cả năm.
Gương mẫu thực hiện cam kết của bản thân
Là cha mẹ, điều quan trọng là thực hành chính những gì bạn đang dạy con. "Bạn có tin tưởng, thực hiện và giữ vững mục tiêu của mình?" nhà tâm lý học lâm sàng và trị liệu nghệ thuật Robin Goodman, người viết nhiều cuốn sách cho trẻ em đặt câu hỏi.
''Mang bản cam kết của mình ra bàn ăn. Đây là điều tuyệt vời để cùng thực hiện với cả gia đình," nhà trị liệu Kolari nói. "Đó là cách chúng tôi vẫn thường xuyên làm với cả 3 đứa con của mình. Những lúc như vậy, con bạn sẽ đến chỗ bạn để học hỏi cách thực hiện các mục tiêu này".
"Nếu bạn muốn con mình thức dậy và ra khỏi nhà mỗi sáng sớm hơn trước, bạn cần phải thực hiện điều đó trước tiên", TS Carter nói.
"Tôi thấy rằng, ở thời điểm tôi sẵn sàng thay đổi một thói quen nào đó của bản thân, khi ấy tôi mới có thể yêu cầu con của mình cũng thay đổi như vậy. Chúng ta đừng yêu cầu trẻ con làm nhiều hơn những gì chúng ta sẵn sàng làm".
Giữ cách tiếp cận mục tiêu theo hướng tích cực
Cảm giác xây dựng mục tiêu trong ngày đầu tiên của năm mới bao giờ cũng hạnh phúc hơn các thời điểm khác, Meg Cox, tác giả cuốn The Book of New Family Traditions: How to Create Great Rituals for Holidays and Everyday cho biết.
"Hãy tiếp cận các mục tiêu một cách lạc quan. Mỗi ngày là một ngày mới và bạn luôn có cơ hội để làm mới bản thân mình. Thái độ quyết định tất cả. Nếu bạn thực hiện các mục tiêu của mình một cách thuyết giáo thì việc đó không còn ý nghĩa gì nữa".
Bắt đầu thiết lập mục tiêu bằng những kết quả tích cực mà con bạn đã đạt được vào năm trước. "Thay vì chỉ ra những thiếu sót, hãy nhắc đến những "điểm sáng" mà con bạn đang làm tốt", TS Carter nói.
Sau đó, hãy bắt đầu hỏi con về những thứ mà chúng muốn làm trong năm mới này bằng những câu hỏi như "Con muốn cải thiện điều gì trong năm nay" hay "Điều gì sẽ làm cho cuộc sống của con tốt hơn và hạnh phúc hơn?"... để dẫn dắt chúng đến với các mục tiêu mới.
Gợi ý các mục tiêu thay vì ra lệnh
Hầu hết các chuyên gia đều cho rằng, cha mẹ không nên đưa ra các mục tiêu thay cho con cái. Bạn có thể hướng dẫn và đề xuất các đầu mục, giúp con bạn làm rõ các mục tiêu và đảm bảo chúng có khả năng thực hiện những điều đó. Nhưng nên để con cái quyết định cuối cùng về những gì mà chúng muốn làm. Đây là cách giúp trẻ sở hữu các mục tiêu của mình và học cách lập kế hoạch.
Theo Kolari, cha mẹ nên lắng nghe ý kiến của con. Tuy nhiên, hầu hết trẻ em đều cần được cha mẹ hướng dẫn. Hãy liệt kê cho con khoảng 3 - 4 mục tiêu lớn về bản thân, bạn bè, học tập... thậm chí là cả vấn đề kinh tế.
"Hãy cởi mở với những gì mà trẻ cho rằng quan trọng với chúng. Đó là một cách tuyệt vời để xây dựng một cuộc trò chuyện ý nghĩa với con và hiểu được chúng đang nghĩ gì", Kolari nhấn mạnh.
Thu hẹp danh sách các mục tiêu cho con
Nhà tâm lý học Kolari nói, 2 - 3 mục tiêu với trẻ ở độ tuổi này là hợp lý.
"Chúng tôi không muốn dạy cho trẻ em cách lập một danh sách dài dằng dặc các mục tiêu nhưng sau đó lại không thực hiện", TS Carter nói. "Vì vậy, hãy giúp con bạn thu hẹp danh sách và chỉ tập trung một số điều quan trọng".
Lấy một tờ giấy mới và cho con bạn viết ra 3 mục tiêu hàng đầu của mình, chừa một khoảng trống lớn giữa các mục tiêu để chèn các ý nhỏ hơn. Tùy từng độ tuổi mà cha mẹ nên hướng dẫn con làm các bước phù hợp.
"Hãy cụ thể hóa các mục tiêu cho con và có thể quản lý được", TS Goodman nói. "Giống như người lớn, các mục tiêu mơ hồ nghe có vẻ hay ho nhưng thực chất lại không tạo ra sự thay đổi. Ví dụ mục tiêu 'cư xử một cách tốt hơn' nghe rất chung chung khiến chúng ta quên nhanh. Khuyến khích đưa ra các mục tiêu trong tầm tay của trẻ vì nó sẽ khiến chúng không bị nản chí".
Một số mục tiêu thực tế cho trẻ có thể như: "Tôi dọn phòng của mình gọn gàng hơn", "Tôi sẽ đọc thêm nhiều sách" hoặc "Tôi sẽ chơi thể thao giỏi hơn"... Đây là những mục tiêu tương đối rộng nên cần được chia thành các phần nhỏ để có thể thực hiện từng bước một.
Hướng dẫn con thực hiện từng bước một
Theo TS Carter, phải mất 6 tuần để tạo thành một thói quen. Ví dụ, nếu mục tiêu của con bạn là "dọn phòng gọn gàng hơn", hướng dẫn trẻ viết ra 6 bước nhỏ để thực hiện mỗi tuần. "Tuần đầu tiên nhắc con cất giày vào tủ, tuần thứ hai thì nhặt cái gối lên khỏi sàn...", TS Carter đưa ra ví dụ.
Kiểm tra và giám sát việc thực hiện mục tiêu của con là điều tốt, tuy nhiên TS Carter cũng khuyên cha mẹ không nên thưởng cho con bằng những phần thưởng hữu hình. "Điều này sẽ khiến việc cam kết thực hiện các mục tiêu trong năm mới trở nên vô nghĩa", cô nói.
Không cằn nhằn nếu con chưa thực hiện được mục tiêu
Kiểm tra từng bước thực hiện mục tiêu của con mình. "Đừng quá lo lắng nếu như có bước nào trẻ chưa thực hiện đúng như theo cam kết của mình. Có thể đó là vào thời gian cả nhà đi nghỉ và chúng không thể thực hiện đúng mục tiêu.
Đó không phải là thất bại; điều đó có nghĩa là nên cố gắng hơn. Không có sự thay đổi lớn nào được thực hiện một cách hoàn hảo", TS Carter nói.
"Cố gắng đừng càu nhàu với con mình quá nhiều vì vấn đề này", Kolari nói. Nếu bạn thấy con mình chưa tiến bộ, hãy khẳng định với con rằng đó là một công việc khó để giúp chúng có thêm hứng thú.
Cùng con thực hiện mục tiêu
Cùng nhau lên kế hoạch, thực hiện các cam kết mục tiêu trong năm mới cũng giúp các thành viên trong gia đình thêm gắn kết hơn, nhất là khi mọi người đặt mục tiêu cùng nhau, ví dụ như "đến thăm ông bà thường xuyên hơn" hoặc "lên kế hoạch cho một chuyến đi chơi cả gia đình".
Việc đề ra các mục tiêu trong năm mới và cam kế thực hiện không phải một việc dễ dàng, nhưng lại mang đến nhiều cảm hứng, giúp con bạn trưởng thành và phát triển tốt hơn trong tương lai.
Cha mẹ hãy là người đồng hành đáng tin cậy, truyền cho con niềm cảm hứng và giúp con từng bước thực hiện mục tiêu trong năm mới thuận lợi và hiệu quả.
Bình luận