Những thói quen nấu nướng sai cách có thể đe dọa nghiêm trọng sức khỏe, sự an toàn của bạn và gia đình, vì vậy trong công việc chuẩn bị bữa ăn, bạn cần cẩn trọng.
Những thói quen nấu nướng gây nguy hiểm
Để đảm bảo an toàn cho những người thưởng thức món ăn bạn nấu, bạn cần tránh những thói quen nấu nướng sai lầm dưới đây.
Dùng dầu ăn đã sử dụng nhiều lần
Dầu ăn tái sử dụng nhiều lần sẽ bị ôxy hóa và phân hủy thành các chất gây hại sức khỏe. Các hợp chất như acrylamide và polycyclic aromatic hydrocarbons (PAHs) có thể hình thành trong dầu ăn chiên đi chiên lại, làm tăng nguy cơ ung thư và các bệnh lý khác.
Không nên đun dầu ăn quá nóng. Dầu ăn có điểm bốc khói càng cao thì chất lượng càng tốt và khả năng chịu nhiệt cũng tốt hơn. Vì vậy, khi nấu ăn với nhiệt độ cao, bạn nên chọn loại dầu ăn có điểm bốc khói cao. Không nên đợi đến khi dầu bốc khói mới cho thức ăn vào vì khi đó, dầu đã biến chất, sinh ra một số peroxit và chất gây ung thư.
Trước khi chiên rán, chúng ta nên ước lượng để lấy lượng dầu vừa phải, không quá nhiều gây dư thừa, vừa lãng phí, vừa mất vệ sinh và ảnh hưởng đến sức khỏe. Nếu tái sử dụng dầu, hãy lọc sạch cặn bẩn và chỉ sử dụng lại một lần duy nhất cho các món ăn không chiên kỹ.
Để thức ăn trong nồi kim loại quá lâu
Kim loại từ nồi, chảo có thể phản ứng với axit trong thực phẩm. Nếu để thức ăn quá lâu trong nồi, các ion kim loại sẽ bị giải phóng vào thức ăn, gây hại sức khỏe. Điều này đặc biệt nguy hiểm khi bạn sử dụng nồi chảo bằng nhôm, đồng hoặc sắt không được phủ lớp chống dính. Sau khi nấu xong, bạn nên cho thức ăn ra hộp đựng bằng thủy tinh, gốm hoặc nhựa an toàn.
Nên sử dụng nồi, chảo có lớp chống dính chất lượng cao hoặc nồi chảo bằng inox để hạn chế phản ứng hóa học.
Vệ sinh bếp và dụng cụ nấu sai cách
Việc vệ sinh bếp và dụng cụ nấu nướng không đúng cách có thể dẫn đến sự tích tụ vi khuẩn, nấm mốc và cặn bẩn. Điều này không chỉ làm giảm chất lượng thức ăn mà còn làm tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm.
Bạn nên vệ sinh bếp và các dụng cụ nấu nướng ngay sau khi sử dụng. Nên sử dụng nước rửa chén có tính kháng khuẩn và đảm bảo rửa sạch bằng nước ấm. Để dụng cụ nấu nướng khô ráo hoàn toàn trước khi cất giữ để tránh nấm mốc phát triển.
Dùng chung dao thớt cho đồ chín và đồ sống
Sử dụng chung thớt, dao cho thực phẩm sống và thực phẩm chín là thói quen phổ biến và vô cùng nguy hiểm vì có thể gây lây nhiễm chéo vi khuẩn, dẫn đến ngộ độc thực phẩm. Ngay cả khi thớt đã được rửa sạch sau khi thái đồ sống, bạn bạn cũng không thể đảm bảo đã loại bỏ hết mầm bệnh, trở nên đủ an toàn để dùng cho đồ chín.
Những vết dao trên thớt nếu không được vệ sinh kỹ lưỡng sẽ là nơi trú ngụ của vi khuẩn và nấm mốc, tạo điều kiện cho vi khuẩn, nấm từ thực phẩm sống bám ngược vào thực phẩm chín, từ đó xâm nhập cơ thể. Nếu thói quen dùng chung dao thớt cho cả đồ sống và đồ chín không được thay đổi, cơ quan tiêu hóa của gia đình bạn chắc chắn bị ảnh hưởng.
Cần vệ sinh và khử trùng thớt thường xuyên. Sau khi rửa sạch, bạn có thể lau lại bằng giấm trắng rồi đem phơi khô. Nếu phát hiện thớt bị mốc thì nên vứt bỏ ngay.
Bảo quản thực phẩm không đúng cách
Thực phẩm không được bảo quản đúng cách dễ bị nhiễm khuẩn, nấm mốc và mất chất dinh dưỡng, gây ra các bệnh đường tiêu hóa và các vấn đề sức khỏe khác.
Thực phẩm càng để lâu sẽ càng giảm lượng dinh dưỡng. Chính vì vậy, bạn nên sử dụng càng sớm càng tốt.
Trước khi đưa vào bảo quản trong tủ lạnh, nên sơ chế thực phẩm sạch sẽ và làm khô ráo hoàn toàn rồi mới cấp đông.Thực phẩm càng ướt át càng dễ tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập, phát triển. Nên sử dụng hộp đựng thực phẩm kín và an toàn để bảo quản.
Bật bếp nấu mà không giám sát
Thói quen để nồi chảo trên bếp mà không giám sát có thể dẫn đến cháy nổ, đặc biệt là khi bạn làm món chiên hoặc nấu các món có nhiệt độ cao.
Nguyên nhân hàng đầu gây hỏa hoạn tại gia là mọi người không chú ý trông chừng thức ăn đang đun nấu trên bếp. Sự sao nhãng hoặc thói quen rời khỏi phòng khi bếp đang bật đều tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, đe dọa an toàn tính mạng của bạn và gia đình.
Bình luận