• Zalo

5 thói quen làm bếp có thể gây hỏa hoạn

Gia đìnhThứ Năm, 25/01/2024 16:00:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Nhiều người chưa nhận thức được rằng có những thói quen làm bếp có thể gây hỏa hoạn, chẳng hạn để tay cầm nồi, chảo hướng về mình khi nấu ăn.

Nguy cơ cháy nổ có thể đến từ một số thói quen mà bạn thậm chí có thể không nhận ra là nó nguy hiểm. Chỉ cần lơ là một chút, hậu quả sẽ vô cùng lớn.

Những thói quen làm bếp có thể gây hỏa hoạn

Chỉ một chút lơ là trong nhà bếp có thể gây ra nguy cơ hỏa hoạn. (Ảnh: The Today show)

Chỉ một chút lơ là trong nhà bếp có thể gây ra nguy cơ hỏa hoạn. (Ảnh: The Today show)

Theo Eatingwell, Susan McKelvey, Giám đốc truyền thông của Hiệp hội Phòng cháy chữa cháy Quốc gia Hoa kỳ (NFPA), chỉ ra những thói quen làm bếp có thể gây hỏa hoạn dưới đây.

Bật bếp hoặc lò nướng nhưng không giám sát

Theo Susan McKelvey, bạn có thể gây nguy hiểm nếu đang nấu một thứ gì trên bếp hay đang nướng đồ ăn trong lò mà lại bỏ đó để tranh thủ làm việc khác. Đây là  một trong những nguyên nhân phổ biến gây cháy nổ trong gian bếp.

Báo cáo của NFPA cho thấy, nguyên nhân hàng đầu gây hỏa hoạn tại gia là mọi người không chú ý trông chừng thức ăn đang đun trên bếp. Sự sao nhãng, tình trạng ngủ gật hoặc thói quen rời khỏi phòng khi bếp đang bật đều tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ.

Để khăn lau, găng tay gần bếp đang nấu

Đặt găng tay, khăn lau... gần bếp đang nấu làm tăng nguy cơ gây hỏa hoạn trong nhà bếp. (Ảnh: Sophie Allport)

Đặt găng tay, khăn lau... gần bếp đang nấu làm tăng nguy cơ gây hỏa hoạn trong nhà bếp. (Ảnh: Sophie Allport)

Việc đặt găng tay, khăn lau... gần bếp đang nấu có vẻ tiện lợi nhưng lại là thói quen làm bếp có thể gây hỏa hoạn. Theo bà McKelvey, sự hiện diện của các vật dụng dễ bắt lửa cạnh bếp là nguyên nhân thứ hai gây cháy khi nấu ăn và đứng thứ tư về số ca tử vong, thương tích do cháy nổ khi nấu nướng.

Tốt nhất bạn nên để những vật dụng này ở khoảng cách xa. Khi bạn dùng xong giấy hoặc khăn lau, hãy lập tức vứt bỏ hoặc chuyển nó ra xa bếp để tránh nguy cơ hỏa hoạn.

“Hãy để bất cứ thứ gì có thể cháy, chẳng hạn như khăn lau, găng tay, màng bọc thực phẩm và khăn giấy… cách bếp nấu và các thiết bị nấu nướng ít nhất một mét”, McKelvey nói.

Chủ quan với bếp điện

Các hộ gia đình sử dụng bếp điện có nguy cơ gặp hỏa hoạn cũng như tổn thất nặng nề hơn bếp ga. (Ảnh: House Digest)

Các hộ gia đình sử dụng bếp điện có nguy cơ gặp hỏa hoạn cũng như tổn thất nặng nề hơn bếp ga. (Ảnh: House Digest)

Mặc dù bếp từ, bếp điện hay bếp hồng ngoại không tạo ra ngọn lửa trực tiếp nhưng vẫn có nguy cơ gây hỏa hoạn nếu bạn chủ quan trong nấu nướng. Theo bà McKelvey, thống kê cho thấy các thiết bị này chiếm 53% số ca hỏa hoạn liên quan tới nấu ăn tại nhà, là nguyên nhân của 88% số ca tử vong và 74% số ca thương tích do cháy nổ khi nấu ăn. Các hộ gia đình sử dụng bếp điện có nguy cơ gặp hỏa hoạn và tổn thất nặng nề cao hơn bếp ga.

Do đó, dù dùng loại bếp gì, bạn cũng nên đứng giám sát trong quá trình nấu ăn; đừng để bất cứ vật dụng dễ cháy nào gần bếp từ hoặc bếp điện.

Để tay cầm nồi, chảo hướng về mình khi nấu 

Khi nấu ăn, nhiều người thường hướng tay cầm về phía mình mà không biết rằng đây là thói quen làm bếp có thể gây hỏa hoạn. Tuy bạn cầm nắm thuận lợi, dễ dàng hơn, thói quen này dễ khiến nồi hoặc chảo bị đổ do va quệt.

Ngoài ra, trong quá trình nấu ăn, nếu chẳng may dầu ăn bắt lửa, theo bản năng, rất có thể bạn nắm lấy tay cầm nồi, chảo và đặt ngay vào chậu rửa bát để xả nước, và đây là hành động sai lầm. Chuyên gia McKelvey khuyên bạn hãy xoay tay cầm của nồi, chảo về mặt sau của bếp. Đặt nắp nồi gần đó khi nấu ăn. Nếu chẳng may dầu ăn trong nồi bắt lửa, bạn hãy bình tĩnh nhanh tay tắt bếp, đậy vung lại là có thể dập tắt ngọn lửa.

Để trẻ nhỏ, thú cưng vào bếp khi đang nấu

Không nên để trẻ nhỏ và thú cưng đi vào căn bếp khi bạn đang nấu ăn. Đặc biệt, là khi không có người trong bếp. (Ảnh: Children's Mercy Kansas City)

Không nên để trẻ nhỏ và thú cưng đi vào căn bếp khi bạn đang nấu ăn. Đặc biệt, là khi không có người trong bếp. (Ảnh: Children's Mercy Kansas City)

Vì sự an toàn của cả gia đình, bạn không nên để trẻ nhỏ và thú cưng đi vào căn bếp khi đang nấu ăn; đặc biệt là khi không có ao khác trong bếp có thể trông nom  trẻ.

Bà McKelvey khuyên bạn nên giữ trẻ em và thú cưng cách xa khu vực bếp nấu và những nơi xử lý đồ ăn, đồ uống nóng trong nhà ít nhất một mét.

NGUYỆT ÁNH(Tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn