Tại cuộc họp báo chiều 30/6 về chủ đề "Việt Nam tham gia Hội đồng Bảo an (HĐBA): Triển khai đối ngoại đa phương trong tình hình mới" (thuộc Hội Nghị cung cấp thông tin cho báo chí về Hội nhập quốc tế và UNESCO), ông Đỗ Hùng Việt, Vụ trưởng Vụ Các Tổ chức Quốc tế, Bộ Ngoại giao cho biết, "trong bối cảnh tình hình diễn biến rất phức tạp và nhiều thách thức, Việt Nam hoàn thành cơ bản rất tốt các nhiệm vụ đề ra".
“Có thể đánh giá rằng 6 tháng đầu năm này sẽ tạo điều kiện thuận lợi, tạo đà cho Việt Nam tham gia tốt hơn trong thời gian tới", ông Việt cho biết. "Kết quả này có được nhờ chủ trương đường lối đối ngoại lớn của Đảng, đồng thời nhờ sự chỉ đạo lãnh đạo sát sao của chính phủ, cơ chế phối hợp liên ngành hiệu quả, chặt chẽ, công tác chuẩn bị được tiến hành bài bản và công tác thông tin tuyên truyền, sự hỗ trợ của báo chí."
Theo đó, từ đầu năm 2020, tình hình chính trị - an ninh, kinh tế - xã hội thế giới diễn biến nhanh chóng, phức tạp và khó lường. Đại dịch COVID-19 tác động sâu sắc đến mọi mặt của đời sống quốc tế ở khắp các châu lục.
Sau 3 tháng đóng cửa tạm thời trụ sở Liên hợp quốc (LHQ) do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, HĐBA đã thích nghi với tình trạng “bình thường mới” khi vận hành bộ máy thông qua hình thức trực tuyến và áp dụng một số biện pháp tạm thời về cơ chế tham vấn, thương lượng và bỏ phiếu nghị quyết từ xa.
Trong vai trò Ủy viên không thường trực HĐBA, Việt Nam tham gia trên tinh thần độc lập, tự chủ, tích cực, trách nhiệm và cân bằng, thể hiện rõ lập trường ủng hộ tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, ủng hộ tìm kiếm giải pháp cho các cuộc xung đột khu vực và quốc tế thông qua đàm phán, thương lượng hòa bình.
Đồng thời các nước đề cao các nỗ lực, kinh nghiệm của Việt Nam trong quá trình tái thiết và phát triển đất nước, hội nhập quốc tế và khu vực.
Trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an tháng 1/2020, Việt Nam chủ trì, điều hành nhiều công việc định kỳ và đột xuất. Đặc biệt Việt Nam đã có sáng kiến tổ chức hai sự kiện quan trọng thu hút sự quan tâm của Liên hợp quốc, cộng đồng quốc tế và tạo dấu ấn của Việt Nam tại HĐBA.
Trong đó có “Thảo luận mở của HĐBA với chủ đề Thúc đẩy tuân thủ Hiến chương LHQ trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế” do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chủ trì với sự tham gia và phát biểu của 111 diễn giả, đến từ 106 quốc gia. Dưới sự chủ trì của Việt Nam, HĐBA lần đầu tiên thông qua một Tuyên bố Chủ tịch riêng về tuân thủ Hiến chương LHQ.
Sự kiện thứ hai là “Phiên họp về hợp tác giữa LHQ và ASEAN”. Đây là lần đầu tiên chủ đề này được thảo luận tại HĐBA. Tại cuộc họp, Tổng thư ký LHQ, Tổng thư ký ASEAN và các nước đều đánh giá cao các thành tựu của ASEAN trong hội nhập, phát triển kinh tế, giữ gìn hòa bình, ổn định ở khu vực và đóng góp ngày càng nhiều vào công việc chung của cộng đồng quốc tế.
Trong vai trò Điều phối viên Nhóm các nước Ủy viên không thường trực (E10) tại HĐBA tháng 5/2020, Việt Nam thể hiện vai trò tích cực trong việc chủ động nối lại cuộc gặp trực tuyến giữa E10 và Tổng thư ký LHQ (bị gián đoạn do COVID-19) chủ trì xây dựng phát biểu chung của E10 tại phiên họp mở rộng về phương pháp làm việc; là đầu mối trao đổi trong E10 với Ban Thư ký LHQ về việc bổ nhiệm Đặc phái viên Tổng Thư ký LHQ về Libya.
Việt Nam cũng chủ động thúc đẩy phối hợp với Indonesia để lần đầu tiên hai nước ASEAN là Ủy viên không thường trực HĐBA có phát biểu chung tại HĐBA, góp phần đề cao vai trò, hợp tác và sự hiện diện của ASEAN tại HĐBA Liên hợp quốc.
Bình luận