• Zalo

6 đề xuất nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp

Doanh nghiệp - Doanh nhânThứ Sáu, 09/10/2020 15:50:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Tiến sĩ Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa VN đưa ra 6 đề xuất để nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Tại Hội nghị do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với VINASME tổ chức, Tiến sĩ Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, yếu tố cạnh tranh ngày càng trở nên khốc liệt hơn, tỷ lệ đối chọi trên thị trường đã tăng lên hàng chục lần so với giai đoạn trước dịch.

Do vậy, doanh nghiệp vừa phải tiết giảm chi phí, vừa phải nâng cao hiệu quả hoạt động để phục hồi sản xuất, kinh doanh.

6 đề xuất nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp - 1

6 đề xuất nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp

Từ đó, Tiến sĩ Tô Hoài Nam đã đưa ra một số kiến nghị, đề xuất với Bộ Khoa học và Công nghệ cũng như với Chính phủ những vấn đề cụ thể như sau: Trước tiên, Chính phủ nên tập trung nhiều hơn cho lĩnh vực dạy nghề, đảm bảo cả về số lượng lẫn chất lượng học sinh ra trường có tay nghề cao. Nên có các chương trình hỗ trợ đào tạo trong và ngoài nước cho các tư vấn viên về năng suất, chất lượng để có nhiều hơn các chuyên gia trong lĩnh vực này. Ngoài ra, Chính phủ nên xây dựng một bảng lương “vượt trội” để khuyến khích lực lượng lao động chất lượng cao. Mặt khác, thông qua các Hiệp hội để có thể đào tạo, tư vấn các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng cho DN và người lao động. Các DN cần liên kết với các trường dạy nghề để xây dựng kế hoạch đào tạo hằng năm cho lực lượng lao động, thậm chí có đơn đặt hàng cụ thể cho doanh nghiệp mình.

Đề nghị bộ Khoa học và Công nghệ tích cực chỉ đạo các đơn vị bên trong của bộ về việc thúc đẩy nhanh việc thực hiện Nghị định 68 của Chính phủ về việc cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục liên quan đến hoạt động kinh doanh để DN có chỗ dựa tin cậy khi tiếp cận với các hoạt động hành chính, các dịch vụ công trong tổ chức quản lý của Bộ.

Cuối cùng là hiện nay Bộ Khoa học và Công nghệ đang quản lý một kho, gồm hàng ngàn các công trình khoa học công nghệ. Theo ông Nam, đây là một nguồn tài nguyên vô cùng có giá trị. Từ đó, ông đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ báo cáo Chính phủ cho cộng đồng DN tiếp cận các công trình nghiên cứu này một cách công bằng, rõ ràng, đầy đủ, minh bạch theo cơ chế thị trường.

Trước các kiến nghị của đại diện cho khối doanh nghiệp nhỏ và vừa, ông Lê Xuân Định, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ khẳng định, việc áp dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo sẽ giúp cho các DN có thể tồn tại trong bối cảnh COVID-19, có thể phục hồi và phát triển thậm chí có thể phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đó là chuyển đổi số của DN.

Ông Định cũng cho rằng, chuyển đổi số không chỉ đơn giản là chuyển đổi số, mà điều này chỉ thực hiện được khi chúng ta đã tối ưu hóa được quy trình DN, minh bạch hóa hệ thống và có sự tham gia sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để đáp ứng mục tiêu của DN mình.

Ngọc Vy
Bình luận
vtcnews.vn