Chiều 28/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp đối thoại với nông dân lần thứ 3 tại TP Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) với chủ đề “Cùng nỗ lực, vượt thách thức, giữ vững tăng trưởng giá trị nông sản Việt giúp nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại”.
Tại buổi đối thoại, các vấn đề nông dân hỏi xoay quanh các lĩnh vực quản lý Nhà nước như đất đai, rừng, quy hoạch vùng sản xuất cây công nghiệp, cây ăn trái; thực trạng sản xuất thua lỗ, kém hiệu quả do nông sản rớt giá, canh tác thiếu bền vững với các loại cây trồng chủ lực như cà phê, hồ tiêu; vấn đề về quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp; khai thác, đánh bắt nuôi trồng, chế biến thủy hải sản; chính sách thúc đẩy phát triển công nghệ sau thu hoạch, công nghiệp chế biến nông sản; vấn đề nguồn vốn đầu tư cho nông nghiệp...
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, khu vực miền Trung - Tây Nguyên có vị trí, vai trò hết sức quan trọng đối với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước. Vì vậy, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm sâu sắc tới phát triển của khu vực miền Trung - Tây Nguyên, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Thủ tướng đề nghị bà con nông dân Tây Nguyên phát huy tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo trong lao động; mạnh dạn đầu tư, áp dụng khoa học công nghệ vào trong sản xuất; phát huy lợi thế của Tây Nguyên trong lĩnh vực sản xuất cây công nghiệp, cây ăn quả như cao su, hồ tiêu, cà phê.
Trong quá trình thực hiện, nếu thấy bất cập, thiếu sót, khó khăn trong thực thi chính sách hoặc thậm chí phát hiện sai phạm đề nghị bà con nông dân mạnh dạn phản ánh thông qua các cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan chức năng và nhất là ở Hội nghị nông dân các cấp.
Đề nghị Hội Nông dân Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò trung tâm, nòng cốt của đơn vị trong phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới, làm tốt vai trò cầu nối giữa Đảng và người nông dân. Các cấp Hội cần sát với nông dân, lắng nghe tiếng nói, ý kiến của bà con và nắm chắc tình hình phát triển nông nghiệp nông thôn...Thông qua đó, kịp thời có những kiến nghị, đề xuất với Đảng, Nhà nước nhằm góp phần tăng hiệu quả quản lý nhà nước và đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Các cấp Hội phối hợp chặt chẽ với chính quyền trong việc xây dựng mới, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, các giải pháp phát triển nông nghiệp nhanh, bền vững; hỗ trợ nông dân một cách thiết thực; tập trung giải quyết nhanh những khó khăn, vướng mắc của bà con nhất là trong vấn đề đất đai, vốn đầu tư, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ, dạy nghề, phát triển sản xuất, tiêu thụ nông sản và các hình thức kinh tế tập thể.
Dịp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị Bộ NNPTNT bám sát nhiệm vụ chiến lược, kịp thời xây dựng các văn bản pháp luật, những chính sách liên quan đến việc quy hoạch, chuyển đổi, bố trí các cây trồng chủ lực vùng Tây Nguyên; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông nghiệp, nông thôn và nhất là các nhà máy chế biến nông sản; chỉ đạo chặt chẽ các nông lâm trường trong việc giải quyết các vấn đề tranh chấp đất rừng với người dân; điều chỉnh chính sách về vấn đề xây dựng nông thôn mới ở riêng khu vực Tây Nguyên.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang còn những diễn biến phức tạp trên toàn cầu, riêng Bộ Công thương phải tích cực tham gia xúc tiến thương mại, mở cửa các thị trường xuất khẩu nông sản; thường xuyên cập nhật, đăng tải các thông tin về các hiệp định thương mại tự do như EVFTA, CPTPP đến bà con nông dân và cộng đồng doanh nghiệp để việc xuất khẩu nông sản được thuận lợi.
Ngay sau buổi đối thoại này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải có kế hoạch thực hiện đối thoại định kỳ với nông dân địa phương mình để kịp thời lắng nghe, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của bà con.
Bình luận