Theo đó, với khối mầm non và Tiểu học, 63 tỉnh, thành phố đã lên kế hoạch đưa học sinh đi học trực tiếp trong tháng 2. Trong đó, 53 tỉnh, thành phố cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học bắt đầu học trực tiếp từ ngày 7/2 đến ngày 14/2.
Khối Trung học cơ sở, 57/63 tỉnh, thành phố cho 100% học sinh đi học trực tiếp từ ngày 8/2.
Khối Trung học phổ thông, 100% cho học sinh đi học trực tiếp vào 7/2.
Khối đại học, 100% các cơ sở giáo dục đại học lên kế hoạch tổ chức dạy học trực tiếp bắt đầu từ ngày 14/2.
Trước Tết Nguyên đán, cả nước chỉ 14 tỉnh, thành cho học sinh trực tiếp đến trường; 30 nơi khác tổ chức dạy kết hợp; 19 địa phương còn lại chỉ dạy học trực tuyến và qua truyền hình.
Để chuẩn bị cho việc đi học an toàn, hôm 19/1, Bộ GD&ĐT cùng Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc. Các chuyên gia, tổ chức quốc tế, đại diện Bộ Y tế và địa phương đã phân tích các điều kiện cần thiết cho việc mở cửa trường học, đồng thời thống nhất đây là yêu cầu cấp thiết và phải được làm sớm nhất ngay sau Tết.
Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, cùng với việc mở cửa trường học, Bộ đã chỉ đạo các địa phương có kế hoạch bù đắp kiến thức cho học sinh, trong đó rà soát, đánh giá và phân định từng nhóm học sinh cụ thể để lên kế hoạch dạy bù trong ngắn hạn và dài hạn. Việc bù đắp kiến thức được ngành giáo dục xác định không chỉ thực hiện trong một năm mà còn kéo dài trong nhiều năm.
"Bên cạnh việc bù đắp kiến thức, các nhà trường cũng cần nhận diện được những vấn đề tâm lý của học sinh, để có tư vấn, hỗ trợ tâm lý cho các em trong đại dịch Covid-19 và sau khi quay lại trường học", Bộ trưởng nói.
Bình luận