Thận được đánh giá là cơ quan nội tạng quan trọng hàng đầu trong cơ thể, có nhiệm vụ sản xuất nước tiểu để chuyển hóa các chất độc trong cơ thể ra ngoài, đồng thời cũng có thể điều chỉnh cân bằng nước-điện giải và cân bằng axit-bazơ.
Thông thường, chúng ta cần phải thiết lập cho bản thân những thói quen tốt, tránh xa thói quen xấu có thể gây ra bệnh thận trong cơ thể. Muốn đạt được điều này, chúng ta nên sớm tuân thủ 5 việc sau đây.
5 việc làm giúp chức năng thận khỏe mạnh
1. Uống nước thường xuyên
Nước có thể thúc đẩy tuần hoàn máu và bài tiết chất thải trao đổi chất lắng đọng trong thận ra khỏi cơ thể. Nếu bạn không uống đủ nước, bạn sẽ không thể đi tiểu thường xuyên, trong trường hợp này, quá nhiều chất cặn bã dư thừa có thể tích tụ trong thận, từ đó có thể gây ra viêm nhiễm, suy giảm chức năng thận.
Vì vậy, trong cuộc sống hàng ngày, bạn không nên đợi đến khi có cảm giác khát mới uống nước, tốt nhất nên uống một cốc nước ấm sau khi thức dậy vào buổi sáng. Cốc nước quan trọng này có thể làm loãng máu, tránh các bệnh về mạch máu. Ngoài ra, nên uống nước trước và sau bữa ăn 30 phút với mục đích giữ ẩm cho cơ thể, hỗ trợ tốt cho chức năng thận có thể hoạt động bình thường.
Cách uống nước tốt nhất là uống nước ấm, uống từng ngụm vừa phải, uống nhiều lần trong ngày, chia ra các đợt rải rác, uống khoảng 1,5-2 lít hoặc hơn, tùy thuộc vào cân nặng, nhu cầu cơ thể, môi trường làm việc của bạn.
2. Kiểm soát lượng đường trong máu (đường huyết) ổn định
Nếu lượng đường huyết trong cơ thể không được duy trì ổn định, có nguy cơ tăng và tiếp tục tăng quá cao theo thời gian, bệnh tiểu đường cũng sẽ gây ra một số biến chứng như bệnh thận do tiểu đường thường gặp.
Vì đường huyết sẽ làm tổn thương các động mạch thận, và khi đó sẽ xảy ra hiện tượng xơ cứng động mạch thận, làm cho mạch máu của thận có khả năng lọc và thấm cao. Ở trạng thái này, nó gây tổn thương rất lớn cho cầu thận, giai đoạn sau có thể tiến triển thành suy thận và nhiễm độc niệu.
Do đó, dù là người bệnh tiểu đường hay người khỏe mạnh thì chỉ số đường huyết của bạn phải được kiểm soát chặt chẽ để tránh gây hại cho thận.
3. Tránh xa thuốc lá và rượu
Thói quen hút thuốc lá và uống rượu vốn dĩ rất phổ biến, và nhiều người rơi vào cảnh hút thuốc và uống rượu khó kiểm soát. Sau khi các chất độc hại trong thuốc lá, rượu bia vào cơ thể con người, chúng sẽ gây tổn thương mãn tính cho các cơ quan khác nhau và tăng nguy cơ ung thư, đặc biệt trong trường hợp uống nhiều rượu bia sẽ được chuyển hóa qua thận, làm tăng gánh nặng cho thận.
Khi rượu bia vào cơ thể, chúng kích thích quá mức các mạch máu, gan và thận, từ đó có thể dễ dàng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, mạch máu não và các bệnh về thận.
4. Tránh lạm dụng thuốc
Cùng với xu hướng phát triển của các dòng thực phẩm chức năng, các loại thuốc chữa bệnh đa dạng, nhiều người thường ra hiệu thuốc mua thuốc khi cảm thấy bản thân không khỏe và uống một cách tự do. Điều này thực sự là hành vi không đúng đắn, bởi nếu dùng thuốc không phù hợp hoặc tự ý mua thuốc uống, bao gồm cả sự tự bồi bổ sức khỏe bằng thực phẩm chức năng hoặc thuốc Đông y, vô tình sẽ dễ gây hại cho thận.
Việc uống thuốc sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của thận vì quá trình hấp thụ và chuyển hóa thuốc không thể không phụ thuộc vào chức năng của thận. Do đó, lạm dụng thuốc trong thời gian dài dễ dẫn đến suy giảm chức năng thận và các bệnh về thận khác nhau.
5. Kiên trì tập thể dục, vận động thường xuyên
Tập thể dục không chỉ có thể tiêu hao chất béo, duy trì sự vận hành ổn định của cơ thể mà còn thúc đẩy quá trình trao đổi chất, cải thiện chức năng của các cơ quan khác nhau.
Ví dụ như các môn thể dục thể thao thường ngày như chạy, bơi lội, yoga và các bài tập khác có thể tăng cường khả năng trao đổi chất ở một mức độ nhất định, từ đó giúp nâng cao sức đề kháng, tránh vi khuẩn và virus xâm nhập vào cơ thể, chống lại bệnh tật một cách hiệu quả.
Tựu chung lại, nếu bạn không muốn bị bệnh thận tấn công, bạn nhất định phải lên kế hoạch thực hiện tốt 5 điều trên trong cuộc sống hàng ngày, bao gồm tập thể dục, kiểm soát đường huyết, tránh xa thuốc lá, rượu bia, uống nhiều nước, và không lạm dụng thuốc khi chưa được sự cho phép của bác sĩ.
Với sự gia tăng của tuổi tác, việc thăm khám sức khỏe thường xuyên là cần thiết để nắm rõ tình hình sức khỏe của thận hay hệ tiết niệu, khi có biểu hiện bất thường thì phải đi kiểm tra và điều trị kịp thời, tránh chủ quan sẽ làm cho bệnh thận trở nên nặng thêm.
Bình luận