• Zalo

5 tín hiệu cảnh báo bệnh tiểu đường giai đoạn muộn: Cẩn thận với biến chứng nặng

Bệnh và thuốcThứ Sáu, 26/11/2021 10:08:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Theo các bác sĩ chuyên khoa tiểu đường trên kênh Family Doctor, nếu bạn gặp 5 dấu hiệu này thì tình trạng bệnh tiểu đường của bạn đã trở nên nặng hơn.

Tiểu đường/Đái tháo đường là một căn bệnh mãn tính rất phổ biến, mặc dù đã có những tiến bộ vượt bậc về thuốc điều trị cũng như các kỹ thuật y học nhưng vẫn chưa có một loại thuốc nào có thể chữa khỏi hoàn toàn các triệu chứng mãn tính của bệnh tiểu đường.

Vì vậy, khi đã mắc bệnh tiểu đường, cách tốt nhất là bạn nên kiểm soát đường huyết kịp thời, tránh để bệnh tiến triển nặng hơn và gây ra các biến chứng khác, những ai chưa mắc bệnh tiểu đường cũng nên chủ động phòng tránh bằng cách duy trì các thói quen ăn uống, sinh hoạt lành mạnh trong cuộc sống hàng ngày.

Thực ra, bệnh tiểu đường bản thân nó không có gì ghê gớm nếu chúng ta biết kiểm soát tình trạng bệnh một cách nghiêm túc và hiệu quả. Điều khủng khiếp là cùng với sự phát triển của bệnh, khi ở giai đoạn muộn, bệnh tiểu đường sẽ gây ra hàng loạt biến chứng khác, rất khó để xử lý nếu bạn không biết cách chăm sóc đúng cách và can thiệp kịp thời.

5 tín hiệu cảnh báo bệnh tiểu đường giai đoạn muộn: Cẩn thận với biến chứng nặng - 1

(Ảnh minh họa)

Vậy những dấu hiệu nhận biết bệnh tiểu đường giai đoạn nặng là gì?

1. Phù nề từng bộ phận hoặc toàn thân

Theo các bác sĩ, bệnh tiểu đường giai đoạn đầu không gây ra quá nhiều biểu hiện bệnh lý, nếu bệnh tiếp tục nặng hơn sẽ làm tổn thương thận, dẫn đến bệnh thận do tiểu đường.

Trên lâm sàng, không có nhiều triệu chứng rõ ràng trong giai đoạn đầu của bệnh thận do đái tháo đường, và hiếm khi có biểu hiện sưng hay phù nề. Tuy nhiên, nếu bệnh tiếp tục diễn biến nặng hơn và vẫn có một số người có thể trạng yếu thì rất dễ bị phù nề khắp người.

5 tín hiệu cảnh báo bệnh tiểu đường giai đoạn muộn: Cẩn thận với biến chứng nặng - 2

(Ảnh minh họa)

2. Protein niệu

Vì sự phát triển không ngừng của bệnh tiểu đường sẽ ảnh hưởng đến thận, chức năng của thận cũng theo đó mà bị suy giảm.

Sau đó thì hoạt động độ lọc của cầu thận sẽ tăng lên, do đó sẽ xuất hiện một lượng lớn albumin trong nước tiểu. Nếu bệnh tiếp tục phát triển sẽ có nhiều albumin trong nước tiểu hơn, dẫn đến triệu chứng protein niệu. Trong trường hợp nghiêm trọng, nó thậm chí có thể gây ra hội chứng thận hư.

3. Các bệnh về mắt

Khi bệnh tiểu đường tiến triển đến mức nặng nề hơn, tình trạng bệnh tiếp tục trầm trọng hơn, đến giai đoạn cuối thì bệnh tiểu đường còn có thể ảnh hưởng đến mắt và gây ra các bệnh liên quan về mắt.

Ở giai đoạn đầu của bệnh, người bệnh chỉ có thể không nhìn rõ mọi vật, một số có thể bị chảy máu trong mắt, trường hợp nặng thậm chí có thể bị mù. Đây là những bệnh về mắt do bệnh tiểu đường gây ra.

4. Cao huyết áp

Tiểu đường và cao huyết áp là những bệnh mãn tính rất phổ biến, nếu không kiểm soát được bệnh tiểu đường rất dễ dẫn đến tăng huyết áp.

Ngược lại, tăng huyết áp sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh tiểu đường và khó ổn định đường huyết, tác động của cả hai qua lại lẫn nhau và là một vòng luẩn quẩn, rất khó xử lý, bởi huyết áp tăng thì tiểu đường tăng theo.

Vì vậy, sau khi mắc bệnh tiểu đường, chúng ta phải chủ động kiểm soát đường huyết thật tốt, đối với một số bệnh nhân tiểu đường kèm theo huyết áp cao thì phải luôn chú ý kiểm soát đường huyết, đồng thời tăng cường các giải phảo để ổn định huyết áp.

5 tín hiệu cảnh báo bệnh tiểu đường giai đoạn muộn: Cẩn thận với biến chứng nặng - 3

(Ảnh minh họa)

5. Thiếu máu

Nếu đường huyết của bệnh nhân tiểu đường lâu ngày không được kiểm soát ổn định, đương nhiên sẽ dễ gây tăng ure huyết, bệnh này thường kèm theo thiếu máu, dù có điều trị cũng khó thấy được hiệu quả.

Dấu hiệu này chủ yếu thể hiện bằng các triệu chứng dễ nhận thấy bằng mắt thường như nước da nhợt nhạt, màu môi và màu móng tay cũng trắng bệch ra theo mức độ nghiêm trọng của bệnh.

Ở giai đoạn cuối của bệnh tiểu đường sẽ có nhiều biểu hiện lâm sàng, vì vậy ngay khi bạn bị chẩn đoán có bệnh tiểu đường, bạn phải tích cực hợp tác và tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, đồng thời phải chú ý giảm lượng đường trong bữa ăn hàng ngày và cố gắng điều chỉnh chế độ dinh dưỡng sao cho đạt được chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh.

Thảo Linh(Family Doctor)
Bình luận
vtcnews.vn