Mua nhà là việc trọng đại, một khi đã sai thì khó sửa, vì thế dù nôn nóng đến đâu, bạn cũng cần bình tĩnh, cẩn trọng để tránh mắc một số sai lầm.
Tìm hiểu qua loa
Nhiều người sau khi đi xem nhà với sự tư vấn của nhân viên môi giới, cảm thấy căn nhà có vẻ ổn nhất ở thời điểm ấy bỗng nảy sinh tâm lý: Một là chốt ngay, hai là phó thác cho họ vì cảm giác tin tưởng.
Hãy nhớ, căn nhà phù hợp không chỉ đơn thuần nằm ở giá tiền hay vị trí mà còn phải "đính kèm" nhiều yếu tố khác như: Mức độ đáp ứng nhu cầu cá nhân, tiện ích xung quanh... Đương nhiên, không có căn nhà nào hoàn hảo theo tất cả những gì bạn muốn mà lại rẻ cả, nhưng hãy thật bình tĩnh, đánh giá nhu cầu của bản thân về mọi mặt một cách kĩ lưỡng.
Ví dụ: Một căn nhà giá vừa tiền nằm ở vị trí xa, không thuận tiện cho lắm nhưng thời điểm đó bạn quyết định mua vì nó vừa tiền. Song rất có thể, không lâu sau bạn sẽ cảm thấy hối hận bởi chính yếu tố ngày ấy cho là "không sao đâu".
Ngoài các vấn đề về căn nhà, bạn cũng cần tìm hiểu kỹ lưỡng về các gói vay của nhiều ngân hàng khác nhau nếu có ý định cần hỗ trợ về tài chính. Chớ vội nhìn vào phần lãi suất tạm thời mà quyết định vay nhanh chóng, các khoản phí khác đi kèm cũng chính là điều bạn cần cân nhắc.
Tính chi phí phát sinh không chuẩn
Thường thì khi mua nhà, mọi người vẫn hay nói về khoản tiền lớn để sở hữu một căn hộ, nhưng lại không có mấy ai nói về các chi phí tiềm ẩn liên quan như: thuế tài sản, bảo hiểm khoản vay, bảo hiểm rủi ro, phí dịch vụ...
Đấy là chưa kể, nếu bạn mua lại một căn nhà cũ giá rẻ thì đừng vội mừng. Bởi rất có thể, sau khi dọn vào, bạn sẽ cần lo thêm các chi phí phát sinh như: sửa chữa, tân trang, vận chuyển đồ đạc, trang trí nội thất...
Những khoản tiền này tuy không lớn bằng tổng chi phí căn hộ nhưng nếu gộp vào thì cũng vô cùng tốn kém, hơn nữa nó lại lẻ tẻ nên bạn dễ rơi vào tình trạng mất kiểm soát.
Không có khoản dự phòng
Một số người vì nóng lòng sở hữu căn nhà trong mơ cũng như muốn ít phải vay mượn nhất có thể nên đã dồn hết tiền bạc vào việc mua nhà, còn số khác lại lo sợ vay tiền từ ngân hàng quá nhiều nên hạn chế khoản vay tới mức tối thiểu. Chính điều này đã khiến bạn không có khoản dự phòng cho những điều rủi ro có thể xảy ra sau này.
Theo các chuyên gia tài chính, bạn cần chuẩn bị khoản dự phòng (tối thiểu) bằng tổng thu nhập của bạn trong 3-6 tháng, tốt nhất là 8-10 tháng. Chỉ khi nào có sẵn khoản dư như thế, bạn mới có thể yên tâm mua nhà được.
Kiểm tra không kỹ trước khi nhận nhà
Kiểm tra nhà khi nhận bàn giao là điều vô cùng cần thiết và quan trọng nhưng bởi nhiều lý do, sai lầm này lại được ít người nhắc đến.
Đừng để vẻ ngoài hào nhoáng của căn nhà và sự nóng lòng của bản thân khiến tâm lý bốc đồng nảy sinh. Một căn nhà đẹp đẽ vẫn sẽ ẩn chứa những hỏng hóc mà bạn khó lòng phát hiện bằng mắt thường. Hãy kiểm tra thật kỹ những chi tiết như sàn, tường, đường điện - nước… Tất cả đều có thể khiến bạn tốn kém rất nhiều để sửa chữa về sau.
Không tính dài hạn
Mua được căn nhà lúc còn độc thân là điều thực sự tốt. Nhưng cũng chính thời điểm này lại dễ khiến bạn gặp nhiều sai lầm trong chọn nhà, vì kinh tế chưa vững, cuộc sống cũng không có quá nhiều nhu cầu...
Do đó, khi mua nhà, hãy suy nghĩ kỹ xem 5 - 10 năm nữa, cuộc sống của bạn có những thay đổi gì lớn lao như kết hôn, sinh thêm con... hay không. Chớ vội bị cám dỗ trước những căn nhà giá rẻ nhưng diện tích nhỏ hoặc nằm xa trung tâm trong khi sức khỏe bạn không tốt.
Đương nhiên, chúng ta không thể đoán trước được điều gì sẽ xảy ra trong tương lai, nhưng những dự định như: lập gia đình hay sinh con là điều có thể lường trước. Đừng để tình trạng vài năm sau phải "ngậm đắng nuốt cay" bán đi căn nhà đang sống để chuyển sang chỗ khác phù hợp hơn và có khả năng tiêu tốn thêm rất nhiều tiền!
Bình luận