Nên mua nhà hay không mua? Đây chắc chắn là câu hỏi chung của rất nhiều người trẻ hiện nay. Tôi thấy nhiều bạn bè xung quanh mình, những người mới chỉ ra trường đi làm được vài năm nói rằng, họ nhất định phải mua được một căn nhà bởi họ không muốn tiếp tục phải chi một khoản tiền lớn cho việc thuê nhà hàng năm.
Sau đó, họ lấy toàn bộ số tiền tiết kiệm được để đặt cược vào một căn chung cư nào đó, rồi tiếp tục dồn toàn bộ thu nhập trong nhiều năm để trả nợ cho các khoản thế chấp. Vì vậy họ phải hạn chế đi chơi với bạn bè, đi du lịch, tụ tập…vì còn cả khoản nợ phải chi.
5 năm trước, nghĩ rằng an cư rồi mới lạc nghiệp, với khát khao có một mái ấm riêng, sau khi kết hôn, vợ chồng cũng tôi lao vào kiếm tiền và tiết kiệm. Khi đó, tôi đã đặt mục tiêu 3 năm tới phải mua được nhà nên say mê làm giàu.
Thời điểm đó lương chồng tôi được 10 triệu, tôi được 11 triệu, tổng gia đình trên dưới 20 triệu. Để tăng thêm thu nhập, tối về tôi còn miệt mài làm thêm, làm ngoài giờ. Lúc nào tôi cũng căng lên để cố mỗi tháng tích được 1-2 triệu đủ tiền thuê nhà. Không những vậy, sinh hoạt gia đình cũng được tôi cắt giảm xuống mức thấp nhất. Chúng tôi không dám đi du lịch ở đâu, không ăn hàng bao giờ và hạn chế về quê thăm các cụ.
Đến cuối 2015, ước mơ của gia đình tôi cũng được toại nguyện. Tuy căn hộ mới mua cách khá xa trung tâm thành phố nhưng được cái giá rẻ và giá dịch vụ 4 xung quanh cũng rất vừa phải. Để mua được căn nhà đó, ngoài số tiền tiết kiệm được, vợ chồng còn phải đi vay ngân hàng 400 triệu nữa và cam kết trả nợ trong 5 năm. Nhưng vì lãi xuất ngân hàng khá cao nên tôi bàn với chồng tiếp tục tiết kiệm để 2 năm sau là tất toán khoản vay.
Tuy nhiên, đến cuối 2016, tôi thường xuyên cảm thấy đau đầu, thị lực giảm sút, cơ thể suy yếu gầy hốc hác. Mấy năm trước chẳng hề bị bệnh gì khiến tôi chủ quan, cho rằng mình chỉ suy nhược nhẹ, nghỉ ngơi vài hôm là hết. Tới một lần, tôi đau đầu ngất đi khi đang làm việc thì được đưa vào bệnh viện Bạch Mai cấp cứu. Cuối cùng, bác sĩ chuẩn đoán tôi có khối u trong não cần được phẫu thuật khẩn cấp. Đến lúc này, chúng tôi không được phép tiếc tiền nữa.
Video: Làm gì khi mua phải nhà thế chấp
Đợt điều trị này tiêu tốn gần 400 triệu, vừa bằng số tiền mà chúng tôi chuẩn bị trả sớm cho ngân hàng. Những ngày nằm viện, tôi đã nhìn lại cách mình sống và cách mình làm việc cật lực trong nhiều năm chẳng để làm gì.
Sau khi sức khỏe ổn lại, tôi xin cơ quan cho nghỉ không lương 3 tháng để ở nhà tĩnh dưỡng. Đến khi đi làm lại, tôi không đặt nặng vấn đề kiếm tiền nữa mà muốn tập trung giữ gìn sức khỏe bản thân. Về phần tiền nợ ngân hàng thì chúng tôi quyết định sẽ trả theo tiến độ hàng tháng.
Nhờ suy nghĩ tích cực mà cuộc sống của tôi ngày một tốt hơn. Tôi say mê làm việc nhưng không quá bận tâm đến tiền nữa nên trong vòng chưa đầy 1 năm, chúng tôi lại tích lũy được 1 khoản gần 200 triệu rồi.
Sau quá trình bất ngờ đổ bệnh, tôi nhận ra giá trị thực sự của cuộc sống chính là sức khỏe của mình, đó mới là thứ đáng được tiết kiệm và đầu tư nhất. Từ đó đến nay, thay vì nghĩ đủ mọi cách giảm chi phí sinh hoạt, tôi đầu tư cho gia đình, con cái, bạn bè, mua sắm…và học cách trân trọng những gì mình đang có.
Nói như thế không có nghĩa là tôi khuyến khích gia đình trẻ hãy cứ ăn chơi, hãy cứ hưởng thụ mà không lo nghĩ gì cho tương lai. Tôi luôn tin rằng chúng ta phải tiết kiệm từng xu để có thể mua được căn nhà đầu tiên. Và đó là cách nhanh nhất để bạn tích lũy tài sản. Nếu những người trẻ không cố gắng mua nhà, cơ hội để họ có thể thực sự tích lũy tài sản là rất rất ít.
Tôi nghĩ mọi người vẫn cần có kế hoạch tài chính tốt, nhưng để mua nhà thì nên nhìn vào bức tranh toàn cảnh về thu nhập hiện tại để tránh những rủi ro và căng thẳng không cần thiết. Cũng không nên bất chấp tất cả nhằm mua nhà bằng mọi cách rồi coi đó là tài sản vô giá.
Trong cuộc sống, ai cũng có thể gặp những biến cố bất ngờ như mất việc, bệnh tật, sinh thêm con,…nên cần tính đến các yếu tố này trước khi vay mượn khi dồn một khoản tiền lớn vào mua nhà. Nếu mua khi chưa có dự phòng đầy đủ, bạn sẽ rất dễ gặp rắc rối và làm liên lụy người khác.
Bình luận