Các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) ở Việt Nam đang khai thác 5 tuyến cáp quang biển gồm SMW3, AAG, IA, APG và AAE-1, nhưng từ cuối năm 2022 và đầu năm nay, ngoại trừ SMW3, các tuyến cáp còn lại đều gặp sự cố.
Như vậy đến nay SMW3 là tuyến cáp quang duy nhất lượng kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế còn hoạt động. Đây lại là tuyến cáp cũ, đã hoạt động từ năm 1999, dung lượng thấp chuẩn bị ngừng khai thác.
SMW3 tổng chiều dài 39.000 km và dung lượng 4,6 Tb/s. SWM3 liên kết 39 trạm cập bờ tại 33 quốc gia và 4 châu lục, bao gồm châu Á, Australia, châu Phi và châu Âu. Tuyến cáp lâu đời này có công nghệ hiện đại nhất vào thời điểm nó được thiết kế, năm 1996, và đến nay vẫn là hệ thống cáp ngầm dài nhất thế giới, theo Submarine Cable Networks.
Đây là lần thứ hai trong 24 năm hoạt động, SMW3 rơi vào tình cảnh này. Lần đầu năm 2007, khi một trong hai tuyến cáp của Việt Nam gặp sự cố, và lần này khi 4 trên 5 tuyến cáp quang biển cùng lúc gặp sự cố. Điểm khác biệt là 16 năm trước, số người dùng Internet Việt Nam chỉ 17,7 triệu, còn nay tăng lên hơn 72,1 triệu người (số liệu năm 2022), gấp 4 lần.
Về thời gian sửa chữa các tuyến cáp quang biển gặp sự cố, ngày 7/2, Hệ thống NOC (Ban quản trị điều hành tuyến cáp quang biển quốc tế) thông báo kế hoạch sửa chữa 3 cáp quang biển APG (Asia Pacific Gateway), AAG (Asia, America Gateway) và IA (Intra Asia, còn gọi là Liên Á) phải đến giữa tháng 3 và đầu tháng 4 mới hoàn thành.
Trong đó APG và IA là 2 trong 5 tuyến cáp quang biển chiếm phần lớn dung lượng kết nối internet từ Việt Nam đi quốc tế.
Đại diện Hiệp hội Internet Việt Nam cho biết, sự cố trên các tuyến cáp quang biển là không hiếm nhưng cũng không thể lường trước. Việc khắc phục sự cố trên các tuyến cáp quang biển phụ thuộc vào mức độ sự cố, thời tiết trên biển, thời gian xin phép tiếp cận vùng biển của các quốc gia để tiến hành sửa chữa, cùng nhiều yếu tố khác. Do vậy, tình trạng Internet chập chờn, tốc độ đường truyền, tải dữ liệu Internet quốc tế chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng trong vài tuần tới.
Bình luận