Rau sam
Báo Thanh Niên dẫn lời TS.BS Bùi Phạm Minh Mẫn, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - Cơ sở 3, cho biết rau sam là loại cây thân thảo, mọng nước, thân có màu xanh nhạt hoặc hơi đỏ, thường bò lan sát mặt đất. Thân cây phân nhánh nhiều, dài khoảng 10-30 cm. Lá màu xanh đậm, không có cuống hoặc cuống rất ngắn.
Rau sam phân bố rộng rãi ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, rau sam thường mọc hoang ở các bãi đất trống, ven đường, bờ ruộng, vườn nhà. Cây rau sam thích nghi tốt với nhiều loại đất, chịu hạn tốt nhưng không chịu úng. Cây phát triển mạnh vào mùa hè, khi nhiệt độ và độ ẩm cao.
Theo đông y, rau sam vị chua, tính hàn, quy kinh can, đại trường, giúp thanh nhiệt, giải độc, tiêu viêm, lợi tiểu và chỉ thống.
Rau diếp cá
Báo Sức khoẻ & Đời sống dẫn lời BSCKII Huỳnh Tấn Vũ - Trưởng đơn vị Điều trị ban ngày, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cho biết, cây rau diếp cá còn có tên là rấp cá, diếp cá. cây giấp cá, dấp cá, ngư tinh thảo. Tên khoa học là Houttuynia cordata. Họ lá giấp Saururaceae. Diếp cá được trồng hoặc tự mọc ở rất nhiều nơi. Đây là cây rất dễ tìm kiếm và giá thành rẻ.
Thành phần hóa học của cây rau diếp cá: Toàn cây diếp cá có chứa tinh dầu. Thành phần chủ yếu là aldehyd. Ngoài ra diếp cá còn chứa acid caprinic, laurinaldehyd, benzamid, acid decanoic, lipid và vitamin K… Lá diếp cá có chứa β-sitosterol, alcaloid
Tác dụng dược lý - Công dụng của rau diếp cá: Rau diếp cá có tác dụng lợi tiểu, thanh nhiệt, giải độc, tiêu thũng, sát trùng. Diếp cá được dùng trị bệnh trĩ, mụn nhọt, trẻ con lên sởi, viêm phổi hoặc phổi có mủ, đau mắt đỏ hoặc đau mắt do trực khuẩn mủ xanh, viêm ruột, bí tiểu tiện, kinh nguyệt không đều. Diếp cá còn dùng trị sốt rét, sài giật ở trẻ em, đau răng.
Bồ công anh
Giống như rau sam, rau bồ công anh cũng là loại rau dại, dễ mọc, ít sâu bệnh và do đó nó cũng không cần đến thuốc trừ sâu. Nó vừa có giá trị chữa bệnh vừa có giá trị dinh dưỡng như bảo vệ mắt, cải thiện thị lực và bổ sung canxi để hạ huyết áp.
Bồ công anh rất giàu carotene, có thể điều trị bệnh khô mắt và quáng gà, đồng thời có thể làm giảm các triệu chứng như đỏ mắt và sưng mắt do gan hỏa mạnh.
Trong khi đó, hàm lượng canxi trong rau bồ công anh cao. Người già và trẻ em ăn nhiều có lợi cho xương chắc khỏe, ngăn ngừa loãng xương. Thành phần axit trong rau bồ công anh cũng có tác dụng cầm máu và đông máu rõ rệt, giúp giãn nở mạch máu, hạ huyết áp và bảo vệ hệ tim mạch.
Tía tô
Tía tô vốn là loại thảo dược phổ biến trong y học cổ truyền, chứa nhiều dưỡng chất và chất chống oxy hóa tác dụng thanh lọc cơ thể và làm dịu các triệu chứng dị ứng. Sau đây là những lợi ích của tía tô có thể bạn chưa biết.
Báo Thanh Niên dẫn lời Thạc sĩ - bác sĩ y học cổ truyền Trần Thị Mỹ Linh (đang làm việc tại Hệ thống nhà thuốc FPT Long Châu) cho biết, tía tô chứa hàm lượng cao axit alpha-linoleic, một loại axit béo omega-3 có khả năng làm giảm chất béo trung tính và ức chế sự tổng hợp cholesterol nội sinh.
Điều này giúp hạ lipid máu và ngăn ngừa nguy cơ xơ vữa động mạch. Axit alpha-linoleic trong tía tô còn giúp ức chế sự giải phóng tiểu cầu và serotonin, từ đó hạn chế hình thành huyết khối và giảm thiểu nguy cơ đông máu.
Uống nước tía tô đều đặn giúp bổ sung một lượng DHA từ nguồn tự nhiên, có thể hỗ trợ cải thiện trí nhớ, bảo vệ tế bào thần kinh khỏi các tác nhân gây hại và giảm nguy cơ suy giảm nhận thức ở người lớn tuổi. Ngoài ra, DHA cũng có vai trò quan trọng trong việc duy trì thị lực khỏe mạnh, giúp ngăn ngừa thoái hóa điểm vàng và các vấn đề thị giác liên quan đến tuổi tác.
Trong y học cổ truyền, tía tô được sử dụng như phương thuốc phòng và chữa bệnh, cụ thể người ta dùng lá tía tô để chữa cảm mạo, ho nhiều đờm, ngạt mũi,... Các hợp chất limonene, linalool, perilla alcolhol, perilla aldehyd và β-caryophyllen trong thành phần hóa học của tinh dầu lá tía tô được nghiên cứu cho thấy có tác dụng kháng khuẩn, kháng nấm, chống viêm hiệu quả.
Ngoài ra, tía tô còn có hàm lượng chất sắt và vitamin C cao, giúp ngăn ngừa bệnh thiếu máu và hỗ trợ hệ miễn dịch. Đặc biệt, với những người có triệu chứng cảm lạnh nhẹ như nghẹt mũi, khó chịu ở họng.
Bình luận