Ngày 19/12, tại Diễn đàn Bất động sản Việt Nam thường niên với chủ đề "Xu thế dòng tiền vào bất động sản 2020", PGS.TS Trần Kim Chung - Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương đưa lời khuyên cho nhà đầu tư với 4 chiến lược khác nhau khi "rót" tiền vào bất động sản.
Cụ thể, 4 chiến lược được PGS.TS Trần Kim Chung đưa ra gồm:
Thứ nhất, nhà đầu tư tiềm năng: Chủ đầu tư, tính pháp lý dự án, giá trị thực và tính chế tài của cam kết lợi ích, pháp lý càng chắc chắn càng ít rủi ro. Tùy vào bản ngã của nhà đầu tư tiềm năng – thích rủi ro hay ghét rủi ro.
Thứ hai, nhà đầu tư phát triển: Trong giai đoạn này là câu chuyện sinh tử, có sản phẩm rồi bán hay không bán là một chiến lược sinh tử. Có tham gia vào hay không, tình huống giai đoạn này khó khăn hơn, tỷ suất lợi nhuận đạt được cũng khó khăn hơn.
Thứ ba, nhà đầu tư tài chính: Có nhiều lựa chọn hơn, tuy nhiên, cần phải có kiến thức thông tuệ.
Thứ tư, nhà đầu tư xây dựng: Bắt buộc chọn nhà đầu tư phát triển có năng lực phát triển trong 1-2 năm tới.
Theo PGS.TS Trần Kim Chung, thị trường bất động sản Việt Nam đang ở trong giai đoạn chuyển đổi cấp độ phát triển 2018 - 2021, đang chập chững bước sang giai đoạn tài chính hóa, bỏ qua giai đoạn tiền tệ hóa.
"Ví dụ, năm nay phát hành 120.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp, đây là luồng tiền phái sinh quan trọng cho thị trường bất động sản; M&A và hệ thống chứng khoán của các công ty bất động sản kinh doanh bất động sản khu công nghiệp hạ tầng rất thịnh vượng; sự đổ vỡ ban đầu của thị trường bất động sản du lịch", PGS.TS Trần Kim Chung cho nhận định.
Còn theo GS. Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, chuyên gia nghiên cứu cấp cao về thị trường bất động sản, với người dân, nhà đầu tư thứ cấp, ai tận dụng được tiền trong dân thì sẽ thắng. Thời gian qua nhiều nhà đầu tư thứ cấp mất tiền, thua thiệt không thiếu, đặc biệt là những người vay tiền để đầu tư.
"Lời khuyên tôi đưa ra là phụ thuộc vào 2 kịch bản sửa đổi pháp luật. Thứ nhất, sửa mà không xong, sửa nhưng không đúng quy luật thị trường. Thứ hai, sửa tốt, hiệu quả, thúc đẩy thị trường.
Trong đó, nếu sửa luật hiệu quả, nhà đầu tư thứ cấp đầu tư vào phân khúc nào cũng có thể đạt được lợi ích, chỉ còn một điều là nhà đầu tư dự án là ai, độ tin cậy đến đâu, dự án nằm ở vị trí nào. Nếu pháp lý chưa xuôi, nên đầu tư vào các dự án nhà ở, tất nhiên vẫn phải nhìn xem chủ đầu tư là ai, độ tin cậy, ở vị trí nào", GS. Đặng Hùng Võ cho hay.
Video: Bất động sản nghỉ dưỡng: Món hời kèm nhiều rủi ro?
Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tỷ trọng nguồn vốn rót vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản hiện đứng thứ hai, chiếm gần 30% tổng dư lượng FDI đầu tư vào Việt Nam. Nhiều chuyên gia nhận định, việc bất động sản Việt Nam hút được đầu tư nước ngoài được kỳ vọng sẽ giúp chuẩn hóa thị trường bất động sản Việt Nam.
Cùng với đó, những nỗ lực không ngừng của Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính có liên quan, đặc biệt trong thời gian tới đây sẽ trình Quốc hội xem xét và sửa đổi những điều luật liên quan trực tiếp đến hoạt động của thị trường bất động sản cụ thể như: Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, thuế liên quan đến bất động sản... sẽ tiếp tục tạo nền tảng và động lực quan trọng thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản, góp phần đáng kể vào tăng trưởng kinh tế.
Việt Nam đang chứng kiến sự đô thị hóa mạnh mẽ tại các đô thị lớn, đặc biệt ở hai thành phố lớn nhất, sôi động nhất là Hà Nội, TP.HCM và các khu kinh tế trọng điểm. Dự báo đến năm 2020, dân số thành thị sẽ lên đến 46 triệu, tương đương khoảng 45% dân số cả nước. Tỷ lệ đô thị hóa dự kiến tăng lên 46% vào năm 2025.
Ước tính trong vòng 10 năm tới, tổng nhu cầu nhà mới có thể lên đến 5,1 triệu căn trong phân khúc nhà giá thấp và trung bình. Tốc độ đô thị hóa không chỉ khiến nhu cầu về nhà ở tăng mà còn kích cầu bất động sản du lịch và nghỉ dưỡng.
Bình luận