Mùa thu là mùa cua bắt đầu tích tụ thịt và trứng để chuẩn bị giao phối, sinh sản, do đó cua đặc biệt bụ bẫm. Đây là món ăn ngon và có giá trị dinh dưỡng cao vì giàu protein, lipid, Ca, P, Fe, vitamin B1, B2, PP, Mg và axit béo omega 3.
Những bộ phận của cua bạn không nên ăn
Khi mua cua về chế biến, để có được món cua ngon, an toàn với sức khỏe, bạn cần lưu ý có 4 bộ phận không nên ăn.
Mang cua
Đây là cơ quan hô hấp của cua và được dùng để lọc nước, chứa rất nhiều vi trùng và chất bẩn. Mang cua nằm trên bụng cua. Sau khi mở vỏ cua (bóc mai cua) ra bạn thấy có hai hàng mô sờ vào cho cảm giác mềm mại, đó là mang cua. Khi chế biến, bạn có thể dùng kéo để cắt bỏ lớp mang này.
"Tim" cua
Bộ phận này nằm ở trung tâm nên hay được gọi là "tim" cua. Nó có hình lục giác màu trắng nên còn gọi là đĩa lục giác cua, thường nằm giữa một miếng màng đen và miếng yếm màu vàng ở giữa bụng cua, nối hai mang cua.
Đây là một trong những cơ quan của cua có chức năng lọc và chuyển hóa chất thải, đồng thời chứa một lượng lớn vi khuẩn và ký sinh trùng, vì vậy không nên động tới khi ăn.
Dạ dày cua
Bộ phận này có hình tam giác và chứa phân. Sau khi mở vỏ cua, bạn sẽ thấy lớp trứng cua màu vàng, dạ dày cua ẩn trong trứng cua, bạn có thể nhẹ nhàng đẩy trứng cua sang một bên là thấy phần hình tam giác lộ ra.
Ruột cua
Bộ phận này thuộc hệ thống tiêu hóa của cua và chứa phân. Nó nằm ở phần bụng dưới của cua. Khi mở vỏ cua ra, bạn có thể thấy một đường ruột cua màu đen từ bụng cua đến rốn cua.
Lưu ý để an toàn khi ăn cua
Để có được món cua ngon, an toàn với sức khỏe, bạn cần chú ý:
Chọn cua tươi: Sau khi cua chết, vi khuẩn trong cơ thể sẽ sinh sôi nhanh chóng và với số lượng lớn. Các chất sinh ra sau quá trình phân hủy rất dễ gây ngộ độc thực phẩm, dị ứng, nôn mửa, đau bụng hoặc tiêu chảy. Vì thế, bạn không nên tham rẻ mà chọn cua chết, hãy chọn cua tươi, vẫn còn bơi.
Nấu chín hẳn: Cua sống trong bùn, có nhiều vi khuẩn hoặc ký sinh trùng ẩn náu trong mai, mang và ruột. Vì vậy, trước khi hấp cua bạn phải được rửa thật sạch, loại bỏ 4 phần nói trên và lưu ý phải nấu chín kỹ trước khi ăn.
Nấu và ăn ngay, không nên trữ lâu: Cua đã nấu chín cũng dễ bị nhiễm vi khuẩn nên bạn đừng bảo quản lâu. Nếu không thể ăn hết, hãy cho vào hộp kín và bảo quản trong tủ lạnh, ăn càng sớm càng tốt.
Kết hợp với gừng và giấm: Gừng và giấm không chỉ có tác dụng điều hòa hương vị còn giúp khử trùng, giúp thịt cua thơm ngon hơn. Gừng còn có tác dụng làm ấm dạ dày, loại bỏ tính hàn của cua. Bạn có thể cho gừng và giấm vào nước và hấp cua, cách này vừa giúp món cua có hương vị thơm ngon, vừa an toàn với sức khỏe.
Không ăn quá nhiều: Trứng cua có hàm lượng cholesterol cao, không thích hợp cho người bị cao huyết áp và xơ cứng động mạch hay bệnh nhân gout. Bên cạnh đó, những người bị dị ứng với hải sản, người có hệ tiêu hóa và dạ dày yếu cũng không nên ăn quá nhiều cua để tránh gây khó chịu cho cơ thể.
Bình luận