Nhưng, dù 3,8 tỷ đô có “khủng” đến đâu thì vẫn chưa là gì so với mục tiêu lên đến 10 tỷ đô (khoảng 230 ngàn tỷ đồng) cho năm 2020 mà Thế Giới Di Động đang nhắm đến.
10 tỷ đô: Không quá khó
Có thể nói, 10 tỷ đô là một con số “không tưởng” đối với hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam trong thời điểm hiện nay, tuy nhiên điều đó không có nghĩa là các doanh nghiệp sẽ không đạt được, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp đang có những bước tăng trưởng “thần tốc” như Thế Giới Di Động.
Nếu nhìn lại, vào năm ngoái, Thế Giới Di Động cũng đã gây một cú “choáng váng” trên thị trường khi công bố mức doanh thu mục tiêu lên đến hơn 63 ngàn tỷ đồng. Rất nhiều sự hoài nghi dành cho mục tiêu quá táo bạo này, thế nhưng với truyền thống luôn đạt và vượt kế hoạch đề ra, cho đến thời điểm hiện tại, Thế Giới Di Động đã gần như giải đáp được sự nghi ngờ đó. Doanh thu 11 tháng đầu năm 2017 của Thế Giới Di Động đã đạt mức 58.964 tỷ đồng, hoàn thành đến 93% so với kế hoạch 2017. Tháng cuối năm lại là thời gian mua sắm cao điểm của người tiêu dùng, vì vậy Thế Giới Di Động rất có thể vượt qua mục tiêu mà mình đã đặt ra cho năm 2017. Điều này cũng đã chứng minh cho việc không có gì là quá khó nếu ta chưa thử.
Nói về mục tiêu năm 2020 của Thế Giới Di Động, cứ tính trung bình mỗi năm doanh nghiệp này tăng trưởng doanh thu trung bình đến 60%, từ 25.250 tỷ đồng (2015) lên 44.613 tỷ đồng (2016) và đến hơn 63 ngàn tỷ ở năm 2017 thì sẽ thấy mục tiêu 10 tỷ USD không phải xa vời. Việc chạm mốc 3,8 tỷ đô vào năm 2018 sẽ giúp Thế Giới Di Động ngày càng củng cố tham vọng của mình.
Nhân tố mới tạo nên sức mạnh lớn
Để có thể đạt được mục tiêu 10 tỷ đô, chắc chắn Thế Giới Di Động không thể nào chỉ dựa vào những trụ cột hiện tại như Thegioididong.com hay Điện máy Xanh mà còn phải dựa vào những “ngôi sao mới” như Bách Hóa Xanh và Vuivui.com.
Có mặt từ thời sơ khai, chuỗi bán lẻ Thegioididong.com luôn là trụ cột số 1 về doanh thu. Chỉ trong 11 tháng đầu năm, chuỗi bán lẻ này đã đạt được doanh thu lên đến 31.680 tỷ đồng, chiếm đến 47%.
Trong khi đó, Điện máy Xanh là chuỗi bán lẻ điện máy ra đời sau nhưng lại có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong số các tên tuổi bán lẻ đình đám hiện nay. Với 652 siêu thị, Điện máy Xanh đang dẫn đầu thị trường điện máy tại Việt Nam cả về doanh thu lẫn số lượng cửa hàng mở. Hơn nữa, thị trường này vẫn đang là một trong những trường “báu bở” cho các doanh nghiệp với tốc độ tăng trưởng dao động từ 10% đến 17% về giá trị. Điều này sẽ tạo cơ hội cho Điện máy Xanh gia tăng thị phần trong thời gian tới.
“Ngôi sao mới” Bách Hóa Xanh cũng đã tìm được “công thức chiến thắng” của mình và đang dần hiện thực hóa tham vọng chiếm vị trí nhất, nhì, ba trong thị trường bán lẻ hàng tiêu dùng với gần 275 cửa hàng cùng doanh số 1,194 tỷ đồng trong 11 tháng đầu năm. Theo một nghiên cứu, quy mô thị trường thực phẩm thiết yếu và tươi sống ở Việt Nam ước khoảng 50-60 tỷ đô. Chỉ cần cửa hàng Bách Hóa Xanh của MWG chiếm 10% thị phần thì Thế Giới Di Động đã có thể hoàn thành một nửa mục tiêu 10 tỷ đô.
Trong khi đó, trang thương mại điện tử Vuivui.com cũng có những bước tiến đáng kể, giúp Thế Giới Di Động đạt được tham vọng là nhà bán lẻ số 1 về thương mại điện tử Việt Nam.
Thời gian gần đây, Thế Giới Di Động cũng được cho là có một loạt các động thái M&A trên thị trường ở trong lĩnh vực bán lẻ điện máy lẫn bên ngoài, các nhân tố mới này chắc chắn cũng sẽ giúp nhà bán lẻ hàng đầu củng cố “địa vị” của mình thêm vững chắc.
Những nhân tố cũ sẽ giúp Thế Giới Di Động giữ vững phong độ còn những nhân tố mới sẽ tạo nên bứt phá, và như thế mục tiêu “khủng” 10 tỷ đô vào năm 2020 có lẽ cũng chẳng còn quá xa vời!
Bình luận