Trước khi thành đạo, Đức Phật Thích Ca được biết đến là thái tử Siddhartha (Tất Đạt Đa) của vương quốc Shakya (Thích Ca), thuộc hoàng tộc Gautama (Cồ Đàm). Cha ngài là quốc vương Suddhodana (Tịnh Phạn). Khi thái tử mới ra đời, Asita, một tu sĩ nổi tiếng với tài tiên tri đến thăm, vua Suddhodana trịnh trọng đón tiếp và mời ông xem tướng cho thái tử.
Khi Asita tới gần, thái tử Siddhartha giơ 2 chân lên đầu Asita, khiến ông kinh ngạc thốt lên: "Dưới hai lòng bàn chân của thái tử có hình bánh xe ngàn năm và 32 tướng tốt, sau này chắc chắc ngài sẽ tu hành đắc đạo, hoặc sẽ trở thành một chuyển luân thánh vương (vua của các vị vua) cai trị toàn Ấn Độ".
Nhiều tài liệu khi đề cập đến sự phi thường của Đức Phật có nhắc đến 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp của ngài.
Về 32 tướng tốt của Đức Phật, có thể kể đến một số đặc điểm như: Dưới dưới lòng bàn chân bằng phẳng; dưới bàn chân có tướng bánh xe tròn ngàn năm; chân tay mềm mại không thô cứng; ngón tay nhỏ dài trắng nõn như tuyết; tay chân có màng da lưới; gót chân thon tròn đầy không có lồi lõm; mắt cá tròn; ống chân tròn đầy như con nai chúa.
Tay dài quá gối, lưng thẳng như núi; tướng lưỡi rộng dài; mỗi chân lông chỉ mọc 1 sợi lông có màu xanh và thoảng mùi thơm; lông mọc xoáy lên và xoáy về hướng mặt. Thân hình có màu sắc như vàng kim; thân có hào quang, phát ra các phía; da mịn trơn nhu nhuyến như dầu; hai vai bằng phẳng không khuyết.
Thân cao thẳng, uy nghi đỉnh đạc; thân hình đoan chánh không cong vẹo uốn éo; lòng bàn tay chân bằng thẳng; có đủ 40 răng; răng đều đặn và trắng đẹp; răng bằng thẳng không hở khuyết; hai má tròn đầy như má sư tử; trong cổ họng thường tiết ra nước bọt đầy đủ cam lồ mỹ vị; lưỡi rộng, dài và mềm mại; âm thanh như tiếng chim Ca lăng tầng già, ở xa cũng có thể nghe.
Mắt màu tím thẫm, trong như nước biển; lông mi đặc thù phi phàm; giữa hai lông mày có lông trắng phóng hào quang; trên đảnh đầu có nhục kế, và không nhìn thấy đảnh đầu.
80 vẻ đẹp của Đức Phật thường được đề cập trong tiểu sử của Phật và các kinh văn Đại thừa.
80 vẻ đẹp của Đức Phật dựa theo 32 tướng tốt mà hiện ra, có thể kể đến: Chữ Vạn ở ngực; thân mình tỏa hào quang dài 1 trượng; khi đi có hào quang chiếu trên thân; dáng diệu, dung mạo, cử chỉ như sư tử; đi đứng đằm thắm, oai nghiêm như voi chúa; tướng đi như ngỗng chúa; dung mạo ngay chính không lệch lạc.
Hình thể tốt đẹp đủ đều; khi trở mình, xoay người như voi chúa; thân không vật gì làm lu mờ hoặc lem luốc được; mọi thành phần trên cơ thể đều đầy đủ và hoàn thiện; thân trì trọng, không khuynh động; thân mình cao lớn, rắn chắc. Coi chúng sinh bình đẳng như nhau; tuần tự ứng với nhân duyên mà thuyết pháp; thuyết pháp chẳng chấp trước; tùy theo ngôn ngữ của chúng sinh và thuyết pháp; âm thanh tùy theo chúng sinh chẳng tăng chẳng giảm; pháp âm ứng với thanh của chúng sinh; tiếng nói vang trầm; thân trong sạch, mềm mại....
Về vẻ đẹp của Đức Phật trong con mắt người dân bình thường, cuốn "Đức Phật và Phật pháp" của Đại đức Narada Maha Thera (một cao tăng ở Sri Lanka) kể rằng cả Phật và con trai ngài, Đại đức Rāhula, đều rất đẹp.
Rāhula xuất gia từ lúc 7 tuổi, sau khi Đức Phật thành đạo và trở về độ cho gia quyến. Năm 18 tuổi, một lần Rāhula theo Phật đi khất thực. Phong độ oai nghiêm tôn quý của hai vị tu sĩ được miêu tả là "tựa như thớt ngự tượng (voi ngự) dõng dạc cùng đi với tượng con quý phái, như thiên nga của đức vua dắt con lội trên mặt hồ trong cung điện, như hổ chúa oai phong và hùm con lẫm liệt".
Câu chuyện được kể như một thông điệp về tu tâm theo Phật pháp, nhưng cũng tiết lộ rằng Đức Phật có vẻ ngoài đẹp đẽ, vẻ đẹp rất tôn quý.
Tuy nhiên, Phật không quan tâm đến vẻ đẹp bên ngoài của mình và cũng luôn răn dạy các đệ tử không được chấp trước về hình tướng. Kinh sách kể rằng Đại đức Rāhula khi còn là một vị sadi đi theo Đức Phật trì bình khất thực trên phố đã xuất hiện ý nghĩ tự mãn: "Ta cũng đẹp đẽ như Đức Thế tôn, cha ta. Thân hình của Đức Phật vô cùng đẹp đẽ và thân hình ta cũng vậy".
Đọc được ý nghĩ này, Phật dừng chân, quay lại nói: "Bất luận hình dáng đẹp đẽ hay xấu xa, hay thế nào đi nữa, cũng phải được quan sát như vầy: Cái này không phải của ta; cái này không phải là ta; cái này không phải là linh hồn của ta...".
Đức Phật từng nhiều lần chỉ rõ sự vô thường của thân ngũ uẩn cũng như vẻ đẹp của thân xác. Tỳ kheo ni Rupananda, một người xuất thân từ hoàng tộc Sakya, cũng rất tự hào và mê đắm vẻ đẹp của mình. Biết điều đó, trong một lần giảng pháp, Phật dùng phép màu biến ra một thiếu nữ tuyệt sắc khoảng 16 tuổi ngồi cạnh mình, nhưng chỉ Rupananda nhìn thấy.
Rupananda vào tịnh xá, thán phục chiêm ngưỡng 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp của Đức Phật rồi nhìn sang cô gái bên cạnh ngài, cảm thấy so với nàng thì bản thân mình chỉ như con quạ già xấu xí so với thiên nga trắng xinh đẹp. Tỳ kheo ni đang say sưa ngắm thì thấy thiếu nữ nhanh chóng mang vẻ đẹp trưởng thành rồi chẳng bao lâu thành một phụ nữ trung niên, một bà lão già nua, tàn tạ, không còn kiểm soát được các chức năng của cơ thể. Cuối cùng, Đức Phật cho thấy cảnh chết của bà lão và sự phân hủy của thân xác.
Cảnh trước mắt khiến Rupananda ngộ ra bản chất vô thường của thân ngũ uẩn, và sau khi nghe thêm bài kệ của Phật, tỳ kheo ni này đạt được thánh quả đầu tiên - tu đà hoàn.
Bình luận