Kinh sách kể rằng, hồi Đức Phật ngụ tại thành Xá Vệ (Sàvatthi) của vương quốc Kiều Tát La (Kosala) , một hôm vua Ba Tư Nặc (Pasenadi) đến gặp ngài. Sau khi vua đảnh lễ và ngồi xuống một bên, Phật hỏi: " Thưa Đại vương, Đại vương đi từ đâu đến vào giữa trưa thế này?".
Được hỏi, nhà vua lập tức tỏ bày nỗi băn khoăn trong lòng: "Bạch Đức Thế Tôn, có ông triệu phú ở thành Xá Vệ này vừa qua đời, không có con cái. Con đến để xem tài sản của vị ấy được chở vào nội thành. Có đến tám triệu đồng tiền vàng, chưa nói đến tiền bằng bạc. Bạch Thế Tôn, vậy mà hồi triệu phú ấy còn sống, đồ ăn của ông ấy lại chỉ gồm có cháo tấm chua còn thừa hôm trước để lại. Vải mặc thì chỉ là vải gai may thành ba tấm. Ông ấy đi xe nhỏ, cũ kĩ và hỏng nát, gắn tán che bằng lá".
Đức Phật nói: "Thật vậy, thưa Đại vương! Một kẻ không phải chân nhân dầu cho có được tài sản lớn cũng không đem lại an lạc cho bản thân, không đem lại an lạc cho cha mẹ, vợ con, không đem lại an lạc cho những người phục vụ, làm công, cho bạn bè thân hữu..."
Theo Đức Phật, nếu tài sản không được sử dụng một cách đúng đắn, tức là dùng để đem lại an lạc cho mình và những người xung quanh, làm những việc thiện lành "tốt đời đẹp đạo", thì sẽ không lâu bền: "Các tài sản của người ấy nếu không thọ dụng chân chính thì vua chúa sẽ cướp đoạt, hay trộm cắp cướp đoạt, hoặc bị lửa đốt, bị nước cuốn trôi, hay bị con cháu thừa tự thù nghịch cướp đoạt. Sự việc là như vậy, thưa Đại vương, các tài sản nếu không thọ dụng chân chính thì sẽ đưa đến tổn giảm, không đưa đến thọ hưởng.
Và bậc chân nhân, thưa Đại vương, có được tài sản lớn thì đem lại an lạc cho mình, đem lại an lạc cho cha mẹ, vợ con, đem lại an lạc cho người phục vụ, người làm công, đem lại an lạc cho bạn bè thân hữu; đối với các vị Sa môn, Bà la môn thì thiết trí các sự cúng dường hướng thượng, có khả năng thăng lên thượng giới, đưa đến lạc quả, hướng đến Thiên giới. Các tài sản của người ấy được thọ dụng chân chính thì vua chúa không cướp đoạt, trộm cắp không cướp đoạt, không bị lửa đốt, không bị nước cuốn trôi, không bị con cháu thừa tự thù nghịch cướp đoạt. Sự việc là như vậy, thưa Đại vương, các tài sản nếu thọ dụng chân chính sẽ đưa đến thọ hưởng, không đưa đến tổn giảm".
Có thể thấy, Đức Phật không hề bài xích việc tiêu tiền, vấn đề là tiêu thế nào cho đúng. Tiêu tiền đúng pháp thể hiện ngay ở mục đích, đó là tạo ra sự an lạc, cho bản thân, gia đình, những người xung quanh và rộng hơn nữa là cộng đồng nhân loại. Có như vậy, đồng tiền làm ra mới hữu ích, mới không bị phí hoài. Còn nếu làm ra tiền muôn bạc vạn mà tiêu không đúng cách, không đem lại sự an lạc, thì đó mới là mất mát.
Như câu chuyện của ông triệu phú thành Xá Vệ, tiền của chất đống, ông không tiêu cho bản thân, nhưng cũng chẳng tiêu cho ai khác. Ngồi trên đống của mà vợ con phải khổ, những gia nhân đầy tớ của ông chắc chắn càng không được gì, vậy thì số tài sản đó chẳng đem lại lợi lạc gì cho ai.
Điều quan trọng nhất trong cách tiêu tiền mà Phật dạy chính là sự san sẻ. Lợi ích của đồng tiền có được không chỉ nhằm phục vụ bản thân và gia đình mình, mà còn phải san sẻ cho những người cộng sự, thuộc cấp đã cùng mình góp công góp sức, cho bạn bè thân hữu và ủng hộ những người đang hành động vì sự tốt đẹp của xã hội, của cộng đồng...Cũng chính sự san sẻ đó đem lại sự an lạc cho bản thân chủ tài sản và những người liên quan đến họ.
Bình luận