• Zalo

Thế giới 24h: ASEAN đồng thuận về Biển Đông

Thế giớiThứ Sáu, 20/07/2012 05:50:00 +07:00Google News

(VTC News) - ASEAN công bố "nguyên tắc 6 điểm về Biển Đông", Trung Quốc đòi Nga giải trình việc bắt tàu cá, Hoàng gia Hà Lan chi tiêu nhiều nhất châu Âu,...

(VTC News) - ASEAN công bố "nguyên tắc 6 điểm về Biển Đông", Trung Quốc đòi Nga giải trình việc bắt tàu cá, Hoàng gia Hà Lan chi tiêu nhiều nhất châu Âu,... là những tin đáng chú ý hôm nay.


Lầu Năm góc sẽ dừng mua vũ khí của công ty Nga

Với tỷ lệ áp đảo 407 phiếu thuận và 5 phiếu chống, Hạ viện Mỹ ngày 19/7 đã bỏ phiếu ủng hộ việc chấm dứt hợp đồng mua vũ khí giữa Lầu Năm Góc và công ty xuất khẩu quốc phòng Rosoboronexport của Nga.

Máy bay chiến đấu Mi-17. (Nguồn: Internet) 

Phát biểu trước báo giới, Nghị sĩ Jim Moran cho rằng Mỹ không nên mua vũ khí và khí tài quân sự của Nga, nước xuất khẩu vũ khí sang cho Syria. Năm 2011, các thương vụ mua bán vũ khí giữa Mátxcơva và Damacus ước tính lên đến 1 tỷ USD.

Điều khoản chấm dứt hợp đồng mua khí tài quân sự của Nga này được đính kèm với dự luật chi tiêu ngân sách quốc phòng trị giá 606 tỷ USD cho tài khóa 2013, vừa được Hạ viện Mỹ thông qua, để chuyển lên Thượng viện Mỹ, hiện do các nghị sĩ Dân chủ kiểm soát, thông qua.
Hồi tuần trước, Lầu Năm Góc đã công bố một hợp đồng trị giá 171 triệu USD mua 10 máy bay chiến đấu Mi-17 của Rosoboronexport. Lâu nay quân đội Afghanistan quen sử dụng các chiến đấu cơ của Nga, điều này có ý nghĩa quan trọng khi các lực lượng Afghanistan sẽ tiếp quản toàn bộ sứ mệnh đảm bảo an ninh sau khi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) rút hết quân về nước vào cuối năm 2014.
ASEAN công bố "nguyên tắc 6 điểm về Biển Đông"
Tại cuộc họp báo chiều 20/7, thay mặt nước Chủ tịch ASEAN luân phiên đương nhiệm, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Campuchia Hor Namhong đã công bố “Nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về vấn đề biển Biển Đông.”

ASEAN đạt được sự đồng thuận về vấn đề Biển Đông 

Theo ông Hor Namhong, các Ngoại trưởng ASEAN “nhắc lại và khẳng định cam kết của các nước thành viên ASEAN” nhằm “Thực hiện đầy đủ Tuyên bố của các bên về cách ứng xử (DOC) ở Biển Đông (2002);Hướng dẫn thực hiện DOC (2011); Sớm kết thúc Bộ luật ứng xử (COC) ở biển Biển Đông; Hoàn toàn tôn trọng các nguyên tắc đã được thừa nhận của Luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật biển 1982 của Liên hợp quốc (UNCLOS); Tiếp tục tự kiềm chế và không sử dụng bạo lực giữa tất cả các bên; và các biện pháp hòa bình đối với các tranh chấp, theo nguyên tắc của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật biển 1982 của Liên hợp quốc (UNCLOS).

Thông báo trên nhấn mạnh, các bộ trưởng Ngoại giao ASEAN “quyết tâm tăng cường tham vấn trong ASEAN nhằm thúc đẩy những nguyên tắc nói trên, nhất quán với Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác ở Đông Nam Á (1976) và Hiến chương ASEAN (2008).”

Thông báo của ASEAN được đưa ra sau một tuần Hội nghị các Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 45 diễn ra tại Phnom Penh, kết thúc ngày 13/7, đã không ra được Tuyên bố chung do bất đồng về việc đề cập đến vấn đề tranh chấp Biển Đông, trong đó nước Chủ nhà Campuchia đã không đồng ý đề cập đến việc Philipin và Việt Nam đã nêu lên vấn đề này tại các cuộc hội nghị.

Bulgaria công bố video nghi phạm vụ đánh bom

Chính quyền Bulgaria ngày 20-7 công bố video có sự xuất hiện của nghi phạm gây ra vụ đánh bom xe buýt chở đoàn du khách Israel. Video quay từ camera an ninh sân bay Burgas.

 

Theo video, nghi phạm là một người đàn ông da trắng và có tóc dài (có thể là đội tóc giả), đeo kính đen và đi qua lại khắp sân bay Burgas. “Nghi phạm mặc quần lửng và đeo balô giống như bất kỳ du khách nào” - Bộ trưởng Nội vụ Bulgaria Tsvetan Tsvetanov nói. 

Bộ trưởng Tsvetanov phỏng đoán nghi phạm khoảng 36 tuổi, y mang theo bằng lái được cấp ở bang Michigan (Mỹ) khai tên Jacque Felipe Martin. Chính quyền khẳng định đây là bằng lái giả.

Một tiếng trước khi xảy ra vụ tấn công, nghi phạm đã lảng vảng xung quanh những xe buýt chở du khách Israel.

Vụ đánh bom khiến 7 người thiệt mạng, trong đó có 5 người Israel, một tài xế người Bulgaria và kẻ tấn công.

Hoàng gia Hà Lan chi tiêu nhiều nhất châu Âu

Vượt qua Hoàng gia Anh, Hoàng gia Hà Lan trở thành gia đình hoàng tộc chi tiêu nhiều nhất khu vực châu Âu, tốn gần 31 triệu bảng (49 triệu USD) mỗi năm.Nhận định trên rút ra từ nghiên cứu chi phí dành cho nguyên thủ châu Âu do giáo sư Herman Matthijs, ngành khoa học quản trị và tài chính công thuộc Đại học Ghent (một trong những đại học hàng đầu của Bỉ), thực hiện. Đây là lần thứ 6 giáo sư Matthijs thực hiện báo cáo này.

Nữ hoàng Hà Lan Beatrix - Ảnh: Telegraph 

Do các biện pháp khắc khổ được áp dụng sâu rộng ở Anh nên chi tiêu hằng năm của nữ hoàng Anh đã giảm so với Hoàng gia Hà Lan. Việc thắt chặt chi tiêu ảnh hưởng đến tất cả các gia đình hoàng tộc ở châu Âu.

Giáo sư Matthijs chỉ ra chi phí dành cho Hoàng gia Anh đã giảm 16% trong năm qua, từ 35,5 triệu bảng còn 29,7 triệu bảng. Hoàng gia Anh được đánh giá cao về sự công khai tài chính.

Trong khi đó, chi tiêu của Nữ hoàng Hà Lan Beatrix và các con của bà là 30,7 triệu bảng. Con số này gấp bốn lần chi tiêu của Hoàng gia Tây Ban Nha - đất nước đang ở trung tâm của khủng hoảng nợ châu Âu.

Tuy nhiên, gánh nặng mà người nộp thuế ở Hà Lan phải chịu lớn hơn so với người dân Tây Ban Nha, vì tỉ lệ dân số của Hà Lan chỉ bằng 1/3 so với Tây Ban Nha và bằng 1/4 so với nước Anh.

Trung Quốc đòi Nga giải trình việc bắt tàu cá

Bắc Kinh hôm qua đề nghị Moscow giải thích về hành động mà Trung Quốc gọi là "tấn công" tàu cá nước này, cũng như số phận của một thủy thủ hiện mất tích ở bờ biển phía đông của Nga.

Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trình Quốc Bình. Ảnh: ipc.fmprc.gov 

Ông Trình Quốc Bình, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, hôm qua bày tỏ "sự bất bình sâu sắc" đối với Nga về vụ bắt giữ tàu cá cách đây vài ngày. Trước đó hãng thông tấn Xinhua cho biết lực lượng của Nga đã nổ súng nhằm vào tàu Trung Quốc và một thủy thủ mất tích.

"Trung Quốc đề nghị Nga điều tra kỹ lưỡng về vụ việc và kịp thời thông báo kết quả cho Trung Quốc", ông Trình nói và cho biết đã triệu tập một nhân viên ngoại giao Nga đến để chuyển lời đề nghị. Ông Trình nói rằng Nga nên đảm bảo tất cả những thuyền viên đều an toàn, đảm bảo các quyền hợp pháp cũng như điều trị nhân đạo cho họ.

Hai tàu cá Trung Quốc bị phía Nga bắt giữ, một tàu vào ngày 15 và tàu còn lại ngày 16/7. Một tàu chở 19 ngư dân và tàu kia chở 17 người.

Theo Lực lượng Bảo vệ Bờ biển của Nga, con tàu Trung Quốc bị bắt hôm 16/7 khi đang trong vùng đặc quyền kinh tế của Nga. Lúc đó, nó cố gắng va vào một tàu Nga và phản kháng không cho nhân viên Nga lên tàu. 

Theo cả hai phía, tàu Trung Quốc đang khai thác mực ống, nhưng phía Nga cho rằng khoang tàu chứa đầy ắp mực đánh bắt trái phép.

Trong một trường hợp tương tự năm 2009, Trung Quốc cho biết tàu chiến của Nga nổ súng vào tàu chở hàng Trung Quốc, và 7 thuyền viên trên tàu mất tích. 

Các quan chức Nga cho biết con tàu đã không dừng lại dù đã nổ phát súng cảnh cáo.

PV (Tổng hợp)

Bình luận
vtcnews.vn