Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 với nhiệm vụ quan trọng đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, quyết định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ 5 năm tới và những năm tiếp theo với phương châm "Dân chủ - Đoàn kết - Đổi mới - Sáng tạo - Phát triển".
Nhiệm kỳ 2015-2020, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, Đảng bộ tỉnh Yên Bái ban hành, thực hiện có hiệu quả cơ chế, chính sách gắn với cải cách hành chính, tạo hành lang pháp lý và môi trường thuận lợi cho phát triển.
Yên Bái đã hoàn thành rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội cấp tỉnh, cấp huyện, các quy hoạch ngành, lĩnh vực then chốt của tỉnh và ban hành 48 chính sách đồng bộ, tập trung phát huy tiềm năng, lợi thế, khơi thông các nguồn lực, điểm nghẽn, tháo gỡ những nút thắt, thúc đẩy hiệu quả quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, hoàn thiện kết cấu hạ tầng, xây dựng nông thôn mới, chăm lo an sinh, phúc lợi xã hội, giảm nghèo nhanh và bền vững, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Đồng thời, tỉnh cũng đổi mới mạnh mẽ cơ chế phân cấp, phân quyền lãnh đạo, quản lý, nhất là tài chính ngân sách, đầu tư xây dựng cơ bản, tài nguyên, quản lý cán bộ, công chức, viên chức... gắn với trách nhiệm cá nhân người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị;
Chỉ đạo tổ chức thực hiện chính sách theo hướng công khai, minh bạch, kịp thời, gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính và chế độ công vụ, công chức; rà soát, đơn giản hóa, rút ngắn khoảng 40% thời gian thực hiện các thủ tục hành chính; triển khai xây dựng chính quyền điện tử; sử dụng phầm mềm một cửa điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4 liên thông từ tỉnh đến xã;
Thành lập, đưa Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh và bộ phận phục vụ hành chính công cấp huyện, cấp xã đi vào hoạt động liên thông, giải quyết 100% thủ tục hành chính với tỷ lệ hài lòng của người dân, doanh nghiệp trên 99%. Theo đó, môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh không ngừng được cải thiện, xếp hạng của tỉnh về cải cách hành chính, năng lực cạnh tranh hằng năm đều tăng 6 - 8 bậc.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông được quan tâm đầu tư đồng bộ.
Đảng bộ tỉnh Yên Bái ban hành các nghị quyết, đề án tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực, tạo bước đột phá quan trọng về phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh.
Yên Bái đã huy động nguồn lực trên 50.000 tỷ đồng đầu tư kết cấu hạ tầng, tăng 45% so với nhiệm kỳ trước, tập trung cho các dự án trọng điểm, quan trọng, có sức lan tỏa, tác động lớn tới phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và các công trình khắc phục, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai.
Trong nhiệm kỳ, Đảng bộ tỉnh Yên Bái đã hoàn thành và đưa vào khai thác gần 1.200 công trình hạ tầng đô thị, nông thôn mới, thủy lợi, trường học, y tế; hoàn thành 2 cầu bắc qua sông Hồng, gần 300 km đường tỉnh lộ, quốc lộ, đường đô thị, bê tông hóa gần 1.800 km đường giao thông nông thôn, 85% số thôn, bản có đường giao thông được bê tông hóa;
Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2020 đạt 21%; hoàn thành 11/18 dự án trọng điểm có ý nghĩa kinh tế, chính trị, xã hội sâu sắc, nhất là các công trình hạ tầng giao thông huyết mạch, đẩy nhanh liên kết các vùng, miền trong tỉnh cũng như kết nối Yên Bái với các tỉnh trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc, vùng Đồng bằng sông Hồng và Hà Nội, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và tạo ra diện mạo mới, khang trang từ thành thị đến nông thôn.
Yên Bái đầu tư mở rộng mạng lưới truyền tải điện đến gần 92% số thôn, bản trong toàn tỉnh với trên 95% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia. Hạ tầng thông tin, viễn thông được đầu tư đồng bộ, 100% các xã có trạm BTS cung cấp dịch vụ 3G, 4G; 100% các xã và 80% thôn, bản có cáp quang băng thông rộng cung cấp dịch vụ internet; 100% cơ quan, đơn vị có mạng nội bộ, kết nối internet tốc độ cao.
Yên Bái cũng quan tâm phát triển nguồn nhân lực, đáp ứng ngày một tốt hơn yêu cầu của sự nghiệp đổi mới. Ban hành nghị quyết chuyên đề của Hội đồng nhân dân tỉnh với nhiều chính sách ưu tiên phát triển nguồn nhân lực.
Quy mô và chất lượng nhân lực của tỉnh được nâng lên, tổng số lao động năm 2020 khoảng 53,2 vạn người, tăng 4,6% so với năm 2015; trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 63%, tăng 18% so với năm 2015, vượt 3% mục tiêu Nghị quyết.
Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ tăng từ 21,1% năm 2015 lên 33,5% năm 2020; trên 98.000 lao động được đào tạo nghề với trên 80% có việc làm, thu nhập ổn định sau đào tạo.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp của Yên Bái được đầu tư nâng cấp và hoạt động khá hiệu quả, nhất là Trường cao đẳng nghề Yên Bái được Thủ tướng phê duyệt đầu tư là 1 trong số 40 trường nghề chất lượng cao của cả nước. Cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực, tỷ lệ lao động khu vực nông nghiệp giảm từ 69,4% năm 2015 xuống còn 61,9% năm 2020.
Tập trung cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị; thực hiện đồng bộ, hiệu quả việc sắp xếp, tinh giản biên chế gắn với tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng bảo đảm tiêu chuẩn chính trị, chuyên môn và yêu cầu vị trí việc làm, góp phần nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức.
Trong nhiệm kỳ, Đảng bộ tỉnh Yên Bái ban hành nhiều nghị quyết, đề án thu hút, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, đặc biệt là Đề án số 11-ĐA/TU về xây dựng và tạo nguồn cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đến năm 2030, định hướng đến năm 2035.
Qua đó lựa chọn, đào tạo bài bản 150 cán bộ trẻ, nữ, dân tộc thiểu số, tạo nguồn cán bộ kế cận dồi dào, chất lượng cho các nhiệm kỳ tiếp theo; bước đầu thu hút được một số nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực y tế, giáo dục.
Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức khối hành chính, sự nghiệp có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên chiếm 73,6%, trong đó tiến sỹ, thạc sỹ chiếm khoảng 6%; tỷ lệ cán bộ, công chức cấp xã có trình độ chuyên môn đại học, cao đẳng là 51,5%, vượt mục tiêu đề ra.
Bình luận