(VTC News) - Trong 3 ngày giữa tháng 9, trên địa bàn tỉnh Gia Lai liên tiếp xảy ra 2 vụ ngộ độc thực phẩm tập thể khiến 238 người phải nhập viện cấp cứu.
Chiều 21/9, Bác sỹ Nguyễn Văn Đang- Chi Cục trưởng Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm Gia Lai xác nhận, trong 3 ngày giữa tháng 9, trên địa bàn liên tiếp xảy ra 2 vụ ngộ độc thực phẩm tập thể khiến 238 người phải nhập viện cấp cứu.
Sáng 17/9, gia đình ông H’Lưng (43 tuổi, trú làng Blương, xã Trang, huyện Đak Đoa) mua 4 con heo để chế biến món ăn tổ chức tiệc cưới cho con trai.
Đến 13 giờ cùng ngày, dân làng tiến hành giết mổ heo. Đến 11 giờ ngày 18/9, gia đình tổ chức tiệc ăn uống với những người trong làng với các món: thịt heo nướng, dồi heo, xương heo nấu canh ăn cùng với bún tươi, gỏi, cháo.
Đến 15 giờ cùng ngày, đại tiệc lại tiếp tục với sự tham gia của dân 7 làng trong xã. Khoảng 19 giờ 30 phút ngày 18/9, nhiều người có triệu chứng đau bụng, buồn nôn, nôn nên được đưa đến Trạm Y tế xã Trang, Trung tâm Y tế huyện Đak Đoa để điều trị và theo dõi. Các bệnh nhân ngộ độc thực phẩm được chăm sóc tại Trung tâm Y tế
Đến thời điểm hiện tại, vụ ngộ độc đã làm cho 135 người đi cấp cứu, không có trường hợp nào tử vong. Theo bác sỹ Đang, các món ăn được chế biến từ rất sớm và bảo quản trong điều kiện không đảm bảo an toàn thực phẩm như: sơ chế, chế biến trực tiếp dưới nền đất, dân làng sử dụng tay để bốc thức ăn chín, bảo quản ở nhiệt độ thường trong thời gian dài, không có tủ che chắn thức ăn.
Trước đó, vào ngày 15/9, nhân việc bà Ksor H’Klun (46 tuổi, trú buôn Uar, xã Chư Đrăng, huyện Krông Pa) lấy chồng, gia đình đã đem giết thịt một con bò bị bênh tiêu chảy cách đấy hơn nửa tháng để đãi tiệc.
Có tổng cộng 110 người của 2 xã (Chư Drăng, Chư Gu) cùng tham dự bữa tiệc mừng trên. Khoảng 1 giờ ngày 16/9, dân làng có các triệu chứng đau bụng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy nên được đưa đi viện. Theo số liệu thống kê thì có đến 103 người bị ngộ độc thực phẩm.
Hiện tại,238 bệnh nhân trên đều đã hồi phục sức khỏe và xuất viện. Chi cục Vệ sinh An toàn thực phẩm khuyến cáo các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục cho người dân về nguy cơ ô nhiễm thực phẩm và các biện pháp phòng tránh.
Đặc biệt, cần lưu ý đến các bữa ăn mà có đông người tham gia như đám cưới, đám giỗ, đám tang... nhằm hạn chế đến mức mức thấp nhất các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra.
Tiểu Phi Phi
Bình luận