Đó là nhận định của Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KHCN, Bộ KHCN Phạm Đức Nghiệm tại Hội nghị Phát triển thị trường KHCN diễn ra vào chiều 28/11 tại Đà Nẵng.
Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) với sự hiện diện của các loại công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, blockchain, dữ liệu lớn, kết nối vạn vật… đặt ra cơ hội nhưng cũng nhiều thách thức đối với Việt Nam trong khai thác các thành tựu KHCN phục vụ phát triển kinh tế xã hội.
Để nắm bắt được những cơ hội vàng ấy, việc phát triển thị trường KHCN là vô cùng quan trọng. Việt Nam cần tìm được hướng đi, giải pháp riêng phù hợp với điều kiện và nhu cầu thực tiễn nhằm chủ động nắm bắt thời cơ và vượt qua thách thức.
“Nếu chúng ta không kịp thời có những định hướng, chính sách quốc gia để thúc đẩy phát triển thị trường công nghệ, sẽ rất khó để thu hút được nguồn lực đầu tư từ trong nước và nước ngoài cho các ý tưởng, công nghệ, mô hình kinh doanh đổi mới sáng tạo tiềm năng, và vì vậy khó có đột phá trong phát triển thị trường KHCN”, Thứ trưởng Bộ KHCN Trần Văn Tùng khẳng định.
Quyết tâm hoàn thiện thể chế từ phía Nhà nước
Các công nghệ mới theo làn sóng CMCN 4.0 lan tỏa khắp thế giới đã phát huy ảnh hưởng tại Việt Nam và bước đầu có đóng góp theo chiều hướng tích cực trong phát triển thị trường. Đây cũng là kết quả từ các nỗ lực của Nhà nước về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo và phát triển doanh nghiệp, tổ chức KHCN.
Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KHCN, Bộ KHCN Phạm Đức Nghiệm nhận định: “Có thể nói về cơ bản môi trường pháp lý cho thị trường KHCN đã đầy đủ. Việc ban hành các văn bản và triển khai thực hiện Chương trình Phát triển thị trường KHCN đến năm 2020 đã góp phần đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, phát triển và hoàn thiện công nghệ; thương mại hóa kết quả nghiên cứu KHCN; ươm tạo và phát triển doanh nghiệp KHCN, khuyến khích thành lập các tổ chức trung gian…”.
Cụ thể, để cụ thể hóa Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017 và những Luật chuyên ngành có liên quan như: Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017, Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017, Chính phủ, Bộ KHCN và các Bộ, ngành có liên quan phối hợp, ban hành những văn bản mới để đáp ứng với nhu cầu thực tiễn. Có thể kể đến như Nghị định số 76/2018/NĐ-CP, Nghị định số 38/2018/NĐ-CP, Thông tư số 02/2018/TT-BKHCN…
Đồng thời, Bộ KHCN cũng cùng các bộ, ngành tiếp tục dự thảo và xây dựng các văn bản như Dự thảo Thông tư về cơ chế, chính sách hỗ trợ tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ; Dự thảo Thông tư hướng dẫn nội dung giao quyền sử dụng tài sản…
Việc phát triển nguồn cung và nguồn cầu công nghệ đã đạt được những kết quả khích lệ; nhiều kết quả nghiên cứu gắn liền với nhu cầu thực tế của thị trường; nhiều công nghệ thông qua Chương trình Phát triển thị trường KHCN đến năm 2020 đã được hỗ trợ để hoàn thiện, thương mại hóa.
Sau 3 năm triển khai thực hiện, Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ đến năm 2020 đã đạt được một số kết quả nhất định ban đầu. Các đề tài, dự án được phê duyệt bám sát các nội dung hỗ trợ của Chương trình. Hoạt động xúc tiến chuyển giao công nghệ, tài sản trí tuệ được thực hiện tạo nền tảng kết nối giữa khối viện, trường với doanh nghiệp.
Việc phê duyệt các dự án hỗ trợ thương mại hóa, nâng cao năng lực hoạt động của tổ chức trung gian, truyền thông về thị trường KHCN góp phần thúc đẩy hoạt động sáng tạo trong khoa học và công nghệ, thể hiện được tầm quan trọng của việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu, huy động được sự tham gia đông đảo của các viện nghiên cứu, trường đại học, đưa các kết quả nghiên cứu vào phục vụ sản xuất, kinh doanh.
Các sự kiện như Techmart, Techdemo, Techfest, Triển lãm giới thiệu sản phẩm sáng tạo và kết nối doanh nghiệp... đã thúc đẩy kết nối viện trường, doanh nghiệp, kết nối nhà sáng tạo và nhà đầu tư, hình thành nên các giao dịch chuyển giao, mua bán công nghệ. Cụ thể, giai đoạn 2012-2016, thông qua các hoạt động trên, đã có hơn 2000 hợp đồng và biên bản được ký kết với giá trị gần 4,2 nghìn tỷ đồng.
Khắc phục hạn chế để vươn tới mục tiêu
Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả nhất định, việc phát triển thị trường KHCN vẫn còn nhiều khó khăn: Thị trường còn nhỏ bé; các tổ chức trung gian, tổ chức làm dịch vụ trong thị trường (tổ chức môi giới, tư vấn, giám định, đánh giá, định giá, kiểm tra, kiểm định...) hoạt động chưa hiệu quả, chưa khẳng định được vai trò kết nối, cung cấp dịch vụ... để thúc đẩy phát triển thị trường KHCN.
Ở địa phương, nhìn chung, trong năm 2017-2018, công tác phát triển phát triển thị trường KHCN còn hạn chế: Hoạt động chuyển giao công nghệ, mối liên kết giữa cơ quan nghiên cứu với doanh nghiệp còn chưa đồng bộ; chưa phát triển được các tổ chức trung gian mạnh có thể tiến hành các hoạt động xúc tiến, môi giới, tư vấn, giám định, chuyển giao, thương mại hóa công nghệ hiệu quả cho bên cung và bên cầu; cơ sở dữ liệu công nghệ, kết quả nghiên cứu còn phân tán, chưa tập trung.
Do đó, đại diện Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KHCN, Bộ KHCN, Phó Cục trưởng Phạm Đức Nghiệm cho rằng, trong thời gian tới, Bộ KHCN cần chủ động thực hiện nhiều giải pháp.
Cụ thể, Bộ cần tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình Phát triển thị trường KHCN đến năm 2020; Chú trọng thúc đẩy việc hợp tác đầu tư cùng doanh nghiệp trong thương mại hóa kết quả nghiên cứu do các viện, trường tạo ra, hỗ trợ tổ chức, cá nhân đầu tư nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ mới; Nghiên cứu thành lập Sàn giao dịch công nghệ vùng, quốc gia, quốc tế với sự tham gia của khu vực tư nhân trong công tác điều hành; Đẩy mạnh hoạt động đào tạo đội ngũ tư vấn chuyên nghiệp, chuyên gia đánh giá, định giá công nghệ; Đẩy nhanh việc xã hội hóa các sự kiện thúc đẩy kết nối cung cầu công nghệ.
Đối với địa phương, các địa phương cần chủ động đẩy mạnh hơn nữa công tác quản lý trên địa bàn, trong đó tập trung vào các nhiệm vụ: Tăng cường báo cáo, đề xuất, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ trong việc đảm bảo các hoạt động chuyên môn liên quan đến KHCN nói chung và phát triển thị trường KHCN nói riêng; Tiếp tục kiện toàn bộ máy tổ chức và lực lượng cán bộ chuyên trách về phát triển thị trường KHCN tại các Sở KHCN; Theo dõi, cập nhật các văn bản pháp luật về phát triển thị trường KHCN, doanh nghiệp KHCN, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Đồng thời, tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về phát triển thị trường KHCN cho các cán bộ quản lý tại địa phương; Xây dựng đề án phát triển thị trường KHCN tại địa phương; Hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp thương mại hóa công nghệ, hỗ trợ nâng cấp, phát triển các tổ chức trung gian của thị trường KHCN; Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về công nghệ nội sinh và công nghệ nước ngoài và cơ chế liên kết và chia sẻ dữ liệu cho các đơn vị liên quan.
Với những kết quả đã đạt được trong thời gian qua và nhiều giải pháp khắc phục hạn chế nhằm quyết tâm hoàn thiện thể chế và mở rộng cánh cửa cho sự phát triển thị trường KHCN của Đảng, Nhà nước, Bộ KHCN và các Bộ, ngành liên quan đang và sẽ thực hiện, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng “đến cuối thập kỷ này, Việt Nam sẽ có thị trường KHCN phát triển, có nhiều tổ chức trung gian, doanh nghiệp KHCN, doanh nghiệp khởi nghiệp thành công, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” như Thứ trưởng Trần Văn Tùng đã chia sẻ.
Bình luận