Tập đoàn Hoàn Cầu là một trong hai pháp nhân làm nên tên tuổi của cố doanh nhân Trần Thị Hường (tên thường gọi Tư Hường), bên cạnh Ngân hàng Nam Á.
Hoàn Cầu được thành lập vào năm 1993 với vốn điều lệ 193 tỷ đồng. Đến năm 2015, đơn vị này tăng vốn điều lệ lên 1.170 tỷ đồng với gần 30 công ty thành viên tập trung chủ yếu tại Khánh Hòa, TP. HCM, Đà Lạt, Đồng Nai... Trong đó, 2 hạt nhân chính là Công ty TNHH Hoàn Cầu (Hoàn Cầu) và CTCP Hoàn Cầu Nha Trang đều sở hữu tổng tài sản lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, sau khi bà Tư Hường mất tháng 5/2017, 2 công ty này liên tiếp báo lỗ, thậm chí âm vốn chủ sở hữu và nợ phải trả cao ngất ngưởng.
Cụ thể, hoạt động kinh doanh của CTCP Hoàn Cầu Nha Trang bắt đầu ghi nhận lỗ từ năm 2017. Trong đó năm 2017, Hoàn Cầu Nha Trang báo lỗ 295,2 tỷ đồng, cùng kỳ trước đó năm 2016 lãi 13,3 tỷ đồng. Trong vòng 4 năm từ 2017 – 2020, hoạt động kinh doanh của Hoàn Cầu Nha Trang liên tiếp thua lỗ, lỗ lũy kế ghi nhận hơn 392 tỷ đồng.
Tương tự, kết quả kinh doanh của Hoàn Cầu cũng không mấy khả quan. Năm 2016, Hoàn Cầu ghi nhận doanh thu thuần đạt 13,7 tỷ đồng và báo lãi ròng 85,2 tỷ đồng.
Tuy nhiên, sau khi bà Tư Hường qua đời, năm 2017, Hoàn Cầu bất ngờ báo lỗ ròng đến 83,8 tỷ đồng, trong khi doanh thu vẫn tăng trưởng lên ngưỡng 88 tỷ đồng.
Những năm sau đó, Hoàn Cầu tiếp tục báo lỗ ròng 131 tỷ đồng (năm 2018); 43,1 tỷ đồng (năm 2019) và 94,5 tỷ đồng (năm 2020).
Như vậy, chỉ sau khoảng 4 năm, Hoàn Cầu ghi nhận hơn 353 tỷ đồng lỗ. Bên cạnh đó, vốn chủ sở hữu của công ty TNHH Hoàn Cầu giảm từ 1.221 tỷ đồng (2016) xuống mức 873 tỷ đồng.
Tính đến cuối năm 2020, tổng nguồn vốn của Hoàn Cầu là 4.654 tỷ đồng, trong đó, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối giảm 334 tỷ đồng; phải trả ngắn hạn khác là 3.778 tỷ đồng.
Không chỉ biến động về kết quả kinh doanh, Hoàn Cầu còn liên tiếp xảy ra những cuộc đổi chủ bất ngờ.
Tính đến cuối 2016, ba người trong gia đình bà Tư Hường chia nhau nắm giữ toàn bộ cổ phần của Hoàn Cầu. Trong đó, ông Nguyễn Chấn sở hữu 51,78%, bà Tư Hường là 38,21%, còn ông Nguyễn Quốc Toàn (con trai) đứng tên 10,01%. Ông Phan Đình Tân lúc này đóng vai trò là đại diện pháp luật, Tổng giám đốc Hoàn Cầu.
Sự biến động liên tục bắt đầu từ tháng 11/2016 khi ông Nguyễn Chấn tăng tỷ lệ nắm giữ lên 89,99% vốn, bà Tư Hường không còn cổ phần tại Hoàn Cầu. Hơn 8% cổ phần do 2 con trai và một người con gái của ông bà chia nhau nắm giữ. Lúc này, ông Phan Đình Tân đứng tên 2% cổ phần, song không còn đóng vai trò điều hành công ty. Người đại diện theo pháp luật trong giai đoạn này cũng chuyển giao cho ông Nguyễn Quốc Cường, con trai bà Tư Hường với chức vụ Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng giám đốc.
Ngay sau khi doanh nhân Tư Hường qua đời, ngày 25/05/2017, cơ cấu lãnh đạo của Hoàn Cầu đã có sự thay đổi khi cho ông Phan Đình Tân nắm giữ chức danh chủ tịch Hội đồng Quản trị và đại diện pháp luật của Hoàn Cầu. Thời điểm này, 6% vốn được chia đều nắm giữ bởi 3 cá nhân gồm ông Nguyễn Quốc Cường, ông Phan Đình Tân và bà Nguyễn Thị Thanh Vân đã dồn sang ông Phan Đình Tân (2%) và bà Nguyễn Thị Thanh Vân (4%).
Tháng 11/2017, toàn bộ phần vốn của ông Chấn và các con chuyển nhượng sang một cái tên khá mới là ông Dương Tiến Dũng - bố của á hậu Dương Trương Thiên Lý cũng là bố vợ ông Nguyễn Quốc Toàn nắm giữ. Lúc này, ông Phan Đình Tân vẫn nắm giữ 2%.
Sự thay đổi lớn một lần nữa diễn ra vào tháng 7/2018 khi ông Phan Đình Tân tăng tỷ lệ sở hữu lên 99% cổ phần tại Tập đoàn Hoàn Cầu.
Hiện tài sản có giá trị nhất của Hoàn Cầu ngoài tiền là khoản đầu tư nắm giữ trực tiếp 14,29% vốn của CTCP Cấp thoát nước Bến Tre (UpCOM: NBT); quyền sử dụng đất 1.645m2 tại Bình Thạnh, TP.HCM, đang được thế chấp tại các Ngân hàng.
Bình luận