Liên quan đến những tranh chấp trong gia đình bà Tư Hường (Trần Thị Hường), luật sư Nguyễn Văn Hậu (Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM) cho rằng, diễn biến vụ việc khá phức tạp do đây là tranh chấp tài sản giữa các thành viên gia đình, cha tố cáo con. Bên cạnh đó, vụ việc này có tính chất dân sự nhiều hơn hình sự vì bản chất là tranh chấp thừa kế tài sản.
“Khi có lời tố cáo thì việc thụ lý giải quyết phải đúng trình tự rồi mới quyết định về khởi tố. Đây là sự việc dân sự, tranh chấp cổ phiếu có thể đưa ra tòa”, luật sư Hậu chia sẻ.
Theo luật sư Hậu, thực tế tranh chấp tài sản trong gia đình là chuyện bình thường. “Khi đụng đến tiền bạc thì tình nghĩa không còn. Thực tế cuộc sống có rất nhiều hoàn cảnh như vậy, do đó cơ quan điều tra cần điều tra khách quan, toàn diện”, ông Hậu cho biết.
Trong khi đó, luật sư Hồ Điệp (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, căn cứ theo các điều luật dân sự, cổ phần, cổ phiếu được coi là một loại tài sản.
“Sau khi bà Tư Hường chết, để lại tài sản gồm cổ phần, cổ phiếu, vốn góp, bất động sản thì sẽ phát sinh quyền thừa kế của những người được hưởng. Nếu giữa các đồng thừa kế phát sinh tranh chấp về thừa kế thì các bên có quyền khởi kiện yêu cầu tòa giải quyết. Về quan hệ hình sự, công an đã khởi tố vụ án thì họ phải làm rõ và chứng minh được hành vi vi phạm pháp luật cụ thể theo Bộ luật hình sư”, luật sư Điệp nhấn mạnh.
Giải thích sâu hơn về cổ phần, cổ phiếu, luật sư Thái Đức Long (Đoàn Luật sư TP.HCM) phân tích, tranh chấp tài sản này có 2 quan hệ đó là quan hệ giữa các thành viên trong gia đình và quan hệ cổ đông trong doanh nghiệp và đều thuộc về quan hệ dân sự, vẫn chưa phải là quan hệ hình sự. Do đó, khởi tố vụ án là không đúng với quy định pháp luật.
“Nếu cần thì khởi kiện ra tòa để giải quyết tranh chấp, chứ không thể xử lý hình sự bằng việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Bị can của vụ này là ai?”, luật sư Long đặt vấn đề.
Theo các luật sư, từ các phân tích và nhận định nêu trên, việc hình sự hóa một tranh chấp dân sự là đi ngược lại chủ trương của Đảng và Quyết định số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ.
Như VTC News đưa tin, ngày 20/6, cơ quan CSĐT Bộ Công an căn cứ đơn tố giác của ông Nguyễn Chấn - chồng đại gia Tư Hường (Trần Thị Hường) và tài liệu điều tra thu thập được khởi tố vụ án lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 175 BLHS 2015 do có dấu hiệu tội phạm.
Trước đó, ngày 18/2, ông Chấn đã làm đơn tố cáo con trai là ông Nguyễn Quốc Toàn (Chủ tịch HĐQT Nam Á Bank). Nội dung tố cáo là ông Toàn đã cấu kết cùng một số cá nhân có hành vi chiếm đoạt tài sản của ông là cổ phần, cổ phiếu, vốn góp tại Nam Á Bank và các doanh nghiệp thuộc tập đoàn Hoàn Cầu.
Trong khi đó, phía ông Toàn và những người bị tố cáo đề nghị Bộ Công an đình chỉ hoạt động điều tra vụ án liên quan đến đơn tố cáo của ông Chấn. Đồng thời, họ cho rằng những người anh em còn lại trong gia đình lợi dụng tình trạng kém minh mẫn của ông Chấn xúi giục ông tố cáo không có cơ sở, làm mất danh dự bà Tư Hường và những người bị tố cáo.
hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự đang quay trở lại?
Trao đổi với PV, luật sư Nguyễn Văn Nam (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, chủ trương “không hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự” xuất hiện trong Nghị quyết số 35/NQ-CP về "hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020” được Chính phủ ban hành vào tháng 5/2016.
Trước khi có chủ trương từng xảy ra nhiều vụ việc truy tố quan hệ kinh tế, dân sự không đúng bản chất khách quan của hành vi như chủ quán cà phê Xin Chào Nguyễn Văn Tấn ở TP.HCM, các doanh nhân Hoàng Minh Tiến (Hà Nội), Phùng Thị Thu (Thái Bình), Nguyễn Văn Lượng (Nam Định),... bị "khép" các tội danh trốn thuế, lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản oan khuất, gây hoang mang, sợ hãi.
Tuy nhiên, đó mới chỉ là những hộ kinh doanh, doanh nghiệp vừa và nhỏ, việc hình sự hóa chỉ lập tức ảnh hưởng tới một số người. Còn với việc hình sự hóa quan hệ dân sự, kinh tế liên quan đến một doanh nghiệp lớn như Ngân hàng Nam Á (Nam A Bank) đang diễn ra gần đây tại TP.HCM, hậu quả là không thể lường trước được.
Bình luận