Doanh nghiệp thua lỗ, sếp vẫn hưởng lương cao
Theo quy định hiện hành, mức lương, thù lao của lãnh đạo DN nhà nước được trả theo mức lương cơ bản nhân với hệ số hoàn thành về chỉ tiêu lợi nhuận.
Nghị định 52/2016 về lương, thù lao, thưởng với người quản lý DN 100% vốn nhà nước, có quy định mức lương cơ bản của chủ tịch tập đoàn là 36 triệu đồng/tháng, giám đốc 35 triệu đồng/tháng. Các chức danh tương đương ở tổng công ty, đặc biệt lần lượt là 33 và 32 triệu đồng/tháng; tổng công ty và tương đương lần lượt là 31 và 30 triệu đồng/tháng.
Với DN có lợi nhuận vượt kế hoạch, tuỳ thuộc vào mức lợi nhuận sẽ được tính hệ số lương tăng thêm bằng 0,5 tới 1 lần mức lương cơ bản trên. Như vậy, lãnh đạo DN nhà nước thuộc nhóm này hưởng lương cao nhất không vượt quá 72 triệu đồng/tháng.
Còn tại DN nhà nước nắm cổ phần chi phối, mức lương cơ bản của lãnh đạo DN không vượt quá 36 triệu đồng/tháng (nếu hoàn thành mục tiêu kinh doanh đặt ra). Ngoài ra, DN có lợi nhuận vượt kế hoạch sẽ được nhận lương tăng thêm theo hệ số tuỳ thuộc vào biên độ lợi nhuận hằng năm, với hệ số từ 0,5-2,5 lương cơ bản. Như vậy, lương cao nhất với 1 lãnh đạo thuộc nhóm DN này là 90 triệu đồng/tháng.
Số liệu thống kê của Bộ LĐTB&XH tại 345 công ty nhà nước nắm cổ phần chi phối năm 2013 cho thấy, lương bình quân của người quản lý là 25-26 triệu đồng/tháng.
Với công ty quy mô lớn, làm ăn hiệu quả, lãnh đạo hưởng lương khoảng 70-90 triệu đồng/tháng, cá biệt có trường hợp 155 triệu đồng/tháng.
Một số công ty hiệu quả không cao, thua lỗ nhưng vẫn trả lương cho người quản lý 45 triệu đồng/tháng…
Chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh nêu thực tế, lương lãnh đạo DN quá cao so với lương công chức mà lại không phụ thuộc rõ ràng vào hiệu quả kinh doanh của DN. Có tình trạng lãnh đạo DNNN quản lý theo kiểu tiêu xài hoang phí, thua lỗ đổ lỗi trách nhiệm cho tập thể.
Ông Phạm Minh Huân cho rằng, Nhà nước cần đề ra cơ chế kiểm soát, giám sát để ngăn chặn các DN làm kém hiệu quả, thua lỗ trong khi lãnh đạo vẫn nhận lương cao.
Phải tiến tới gắn tiền lương lãnh đạo với trách nhiệm, năng suất, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, lợi nhuận DN có được.
“Lãnh đạo DN chỉ nhận được lương khi bảo toàn vốn và đạt mục tiêu sản xuất kinh doanh, còn anh chỉ được tăng lương khi lợi tức tăng vượt kế hoạch. Thậm chí nếu không hoàn thành mục tiêu phải bị cách chức, đền bù thiệt hại”, ông Huân nói.
Video: ĐBQH - Chưa ai đi tù vì quản lý doanh nghiệp kém
Theo ông Huân, cần tách bộ phận điều hành với hội đồng thành viên, vì họ chỉ là người đại diện vốn nhà nước và tiến tới thuê ban điều hành. “Các nước đều làm thế, chúng ta cũng bàn mãi rồi nhưng chưa dám làm”, ông Huân nói.
Lãnh đạo DNNN không sống bằng lương?
Mức lương lãnh đạo DNNN cao, nhưng nguyên Thứ trưởng Phạm Minh Huân cho rằng, điều quan trọng nhất không phải là thu nhập kịch khung hơn 150 triệu đồng/tháng như quy định tại nghị định 53/2016, mà nên quản vấn đề tài chính tại DN.
"Vấn đề tài chính phải minh bạch thì mới không bị thất thoát, lãng phí. DN quỹ chi lương nhiều khi chỉ chiếm khoảng 10%, còn lại 90% là các chi phí khác như vật tư, máy móc thiết bị…. Vậy ai kiểm soát những chi phí này? Đây mới là chỗ cần phải quản, chứ không phải quản mức lương”, ông Huân lưu ý.
Ông Huân cũng đề nghị nên thực hiện việc thuê giám đốc điều hành thay cho việc bổ nhiệm.
TS Lê Đăng Doanh cho rằng, cần có cơ chế giám sát, giải trình trách nhiệm người đứng đầu để ngăn chặn nguy cơ DNNN thua lỗ.
“Phải có cơ chế xử lý trách nhiệm cá nhân, nếu DN lỗ, lãnh đạo không được nhận lương, thậm chí xử lý trách nhiệm hình sự, nếu DN phá sản có thể tịch thu tài sản lãnh đạo để bù vào phần vốn bị mất”, ông Doanh nhấn mạnh.
Bình luận