Nhiều năm nay, do chưa có con, chị Lê Thị Hoa (41 tuổi, Ninh Bình) từ chối tất cả cuộc hội họp, ngại giao lưu bạn bè, sau giờ làm chỉ ở nhà. Cuối năm 2023, chị ra Hà Nội thăm khám. Nhận thấy cảm xúc bất thường, bác sĩ khuyên chị gặp bác sĩ tâm lý trước khi điều trị vô sinh.
Sau khi làm một số xét nghiệm, kiểm tra, chẩn đoán chị Hoa mắc chứng trầm cảm do điều trị vô sinh quá lâu, thất bại nhiều lần.
Theo PGS.TS Lê Hoàng, Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, chị Hoa đến viện trong tình trạng tâm lý bất ổn. Người phụ nữ cũng chia sẻ nếu lần này điều trị không thành công có thể sẽ đi vào rừng để không ai tìm thấy.
Theo chuyên gia, trầm cảm được coi là một trong những rối loạn tâm lý chính liên quan đến vô sinh, ảnh hưởng đáng kể đến cuộc sống của người bệnh và hiệu quả điều trị. Áp lực từ xã hội, gia đình và chính người bệnh trong việc mang thai là nguyên nhân gây ra tình trạng này.
So với nam giới, phụ nữ vô sinh thường gặp áp lực nặng nề hơn và có xu hướng không muốn chia sẻ với gia đình, bạn bè, làm tăng khả năng tổn thương tâm lý.
Nhiều nghiên cứu cho thấy vô sinh gây stress, trầm cảm. Theo một đánh giá tổng hợp đăng trên Thư viện Y học quốc gia Mỹ liên quan tới hơn 9.600 phụ nữ vô sinh, 44,32% có các triệu chứng rối loạn tâm lý, lo âu, trầm cảm và xu hướng cô lập.
Ngược lại, các nghiên cứu cũng cho thấy tâm lý ảnh hưởng tới khả năng sinh sản ở nhiều mức độ khác nhau. Tuy nhiên, về mặt sinh lý, stress ảnh hưởng tới nội tiết và hệ sinh dục. Lo âu, trầm cảm có thể gây tăng hormone prolactin, rối loạn trục dưới đồi, tuyến yên, tuyến thượng thận, rối loạn phóng noãn, làm giảm khả năng sinh sản.
Theo bác sĩ Hoàng, tại đơn vị nơi ông công tác, 30% phụ nữ điều trị vô sinh có dấu hiệu stress, trầm cảm cần được tư vấn và hỗ trợ. Mức độ trầm cảm, lo lắng tăng lên ở những trường hợp vô sinh nhiều năm, điều trị hỗ trợ sinh sản kéo dài, hoặc chuyển phôi nhiều lần thất bại. Nhiều trường hợp điều trị thành công nhờ xác định chính xác nguyên nhân vô sinh và phác đồ cá thể hóa hiệu quả, kết hợp liệu pháp tâm lý giúp người bệnh yên tâm điều trị.
Trường hợp chị Hoa, IVF thất bại nhiều lần liên tiếp khiến chị mất lòng tin, hoang mang, cảm giác tội lỗi và tự trách bản thân. Vợ chồng chị bán nhà để có tiền điều trị vô sinh nhưng không thành công, áp lực kinh tế đè nặng khiến stress tăng lên.
Chị Hoa đã được điều trị tâm lý theo phác đồ. Qua các buổi trao đổi tâm lý, bác sĩ trò chuyện giúp chị giải quyết bế tắc trong tư duy, suy nghĩ tích cực. Chị đồng thời được hướng dẫn tập thở, tập yoga và dùng thuốc, dần lạc quan hơn, cởi mở hơn, bớt cảm giác tội lỗi và áp lực.
Sau 3 tháng trị liệu tâm lý, chị tiếp tục điều trị vô sinh. Chị được mổ nội soi gỡ tách dính buồng tử cung. Bác sĩ dùng thuốc kích trứng, tạo phôi, chuyển phôi thành công ngay lần đầu, giúp chị đậu thai.
Chuyên gia khuyên phụ nữ hiếm muộn nên tránh căng thẳng, cân bằng cảm xúc. Duy trì các bài tập phù hợp, kết nối chia sẻ với mọi người là biện pháp hữu ích. Trong quá trình điều trị vô sinh, người chồng cần đồng hành cùng vợ; gia đình cảm thông, khích lệ để giảm áp lực tâm lý.
Nếu gặp vấn đề tâm lý, bệnh nhân cần được các chuyên gia hỗ trợ giải tỏa cảm xúc, tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ. Bệnh nhân có thể điều trị bệnh tâm lý - tâm thần trước hoặc kết hợp chữa vô sinh.
Bình luận