Việc bị cơn đói liên tục quấy rối, bạn cảm thấy bứt rứt, tiêu tốn nhiều tiền cho những bữa ăn và tăng cân vù vù. Hãy thử tham khảo các lý do sau để tìm ra gợi ý cho mình và đến bác sĩ để được tư vấn nếu cần thiết.
Thiếu chất đạm hoặc chất béo
Chế độ ăn nhiều carb (carbohydrate - đường, tinh bột) có thể cung cấp cho bạn năng lượng, nhưng chúng cũng thường khiến bạn nhanh đói. Cơ thể chúng ta tiêu hóa carbohydrate một cách nhanh chóng nhưng chúng xử lý protein và chất béo lành mạnh (các loại hạt hoặc quả bơ) chậm hơn nhiều. Ví dụ, một bát ngũ cốc đơn giản vào buổi sáng có thể khiến bạn đói nhưng nếu bạn uống hết sữa trong bát, thêm các loại hạt vào và có một quả trứng luộc bên cạnh, bạn sẽ no lâu hơn.
Ăn quá nhiều đường
Việc dùng thực phẩm chứa nhiều đường tinh luyện, chẳng hạn như nước trái cây, kẹo, bánh ngọt, sữa chua có hương vị và các nguồn đường tự nhiên có thể khiến bạn luôn cảm thấy đói. Thực phẩm chứa đường tiêu hóa nhanh khiến lượng đường trong máu của bạn tăng đột biến và sau đó giảm nhanh chóng. Sự sụt giảm lượng đường trong máu này vào một hoặc hai giờ sau đó khiến bạn cảm thấy đói trở lại.
Điều này có thể thay đổi một cách dễ dàng, hãy loại bỏ đồ ngọt như bữa ăn nhẹ và thêm protein, chất béo lành mạnh bất cứ khi nào có thể.
Uống quá nhiều rượu
Cho dù bạn có một ngày no nê hay chỉ ăn một chút mỗi tối, thói quen uống rượu có thể làm cho bạn nhanh đói. Nghiên cứu gần đây cho thấy rằng các tế bào não báo hiệu cơn đói được kích hoạt bởi rượu. Trên thực tế, lượng cồn dư thừa có thể đánh lừa bộ não khiến bạn cảm thấy mình đang đói ngay cả khi vừa ăn. Vì vậy, nếu bạn muốn cảm thấy no, hãy uống nước.
Ăn quá nhiều thực phẩm chế biến
Thực phẩm đóng gói và chế biến sẵn rất tiện lợi nhưng thường thiếu dinh dưỡng. Khi ta ăn các loại thực phẩm bị loại bỏ chất xơ và vi chất dinh dưỡng như bánh mì trắng, mì ống hoặc bánh quy giòn, lượng đường trong máu tăng cao, sau đó dưới tác động của insulin lại tụt giảm nhanh chóng, dẫn đến cơn đói cồn cào. Hãy dùng thực phẩm tươi, bạn sẽ bắt đầu cảm thấy no hơn.
Cắt hẳn chất béo
Việc bạn cố gắng ăn uống lành mạnh hơn bằng cách cắt bỏ chất béo có thể làm tăng cảm giác đói và khiến bạn ăn thường xuyên hơn. Hãy cân nhắc sử dụng một số chất béo lành mạnh, chẳng hạn như các loại hạt, chúng sẽ giúp bạn no lâu hơn và chống lại cảm giác thèm ăn.
Không ngủ đủ giấc
Giấc ngủ và cơn đói có liên quan mật thiết với nhau. Các nghiên cứu chỉ ra rằng thiếu ngủ không chỉ dẫn đến cảm giác đói mà còn khiến bạn thèm các thực phẩm có đường, nhiều chất béo, chẳng hạn như bánh rán thay vì bông cải xanh. Nên cố gắng đi ngủ sớm hơn hoặc đặt báo thức muộn hơn một giờ. Nghiên cứu cho thấy bạn càng ngủ nhiều thì cơ thể càng xử lý tốt thức ăn.
Ngồi một chỗ cả ngày
Bạn làm công việc bàn giấy cả ngày nhưng vẫn bực bội vì những cơn đói triền miên. Một nghiên cứu phát hiện ra rằng những người ngồi trong thời gian dài, dù ở bàn làm việc hay mải mê xem Netflix, thường thèm ăn hơn những người hoạt động nhiều trong cùng một khoảng thời gian. Vì vậy, để ngăn chặn cơn đói cồn cào, hãy rời khỏi bàn làm việc hoặc ngừng xem phim ít nhất 30 phút một lần.
Bị mất nước
Có thể bạn chưa bao giờ nhận ra điều đó, nhưng tình trạng mất nước có thể khiến bạn cảm thấy đói. Mỗi ngày tỉnh dậy, bạn nên uống một cốc nước và hãy luôn giữ bên mình chai nước để uống thường xuyên. Để biết bạn có uống đủ nước hay không, hãy kiểm tra màu sắc của nước tiểu. Nó phải có màu vàng nhạt, nếu nước tiểu có màu đậm hơn, hãy uống thêm nước lọc.
Bạn đang căng thẳng
Giống như thiếu ngủ, sự căng thẳng sẽ làm rối loạn chuyển hóa trong cơ thể và khiến bạn nhanh đói. Trong khoảng thời gian ngắn, stress có thể ngăn chặn cơn đói nhưng nếu căng thẳng không được kiểm soát trong thời gian dài, lượng cortisol tăng trong cơ thể bạn, làm tăng cảm giác thèm ăn.
Không phải lúc nào cũng dễ dàng chấm dứt tình trạng căng thẳng nhưng nếu có thể nhanh chóng ổn định tâm trạng, bạn sẽ không bị đói nữa.
Cơ thể bạn trao đổi chất nhanh
Nếu quá trình trao đổi chất hoạt động quá mạnh thì hầu như lúc nào bạn cũng cảm thấy đói. Khoảng 32% dân số người có mức độ trao đổi chất cao. Không có nhiều phương thức lành mạnh để làm chậm quá trình trao đổi chất của bạn. Nhưng ít nhất bạn có thể yên tâm khi biết cơ thể mình đang đốt cháy lượng calo thừa mà bạn đang ăn.
Bệnh cường giáp
Bạn có thể sẽ không biết điều này cho đến khi đến gặp bác sĩ. Cường giáp làm tăng tốc độ trao đổi chất; cơ thể bạn đốt cháy calo càng nhanh thì bạn sẽ càng cảm thấy đói nhiều hơn. Nếu bị cường giáp, bạn nên hỏi bác sĩ để có cách điều trị tốt nhát và cả cách làm giảm cơn đói của mình.
Ăn không tập trung
Thói quen xấu ăn trước TV hoặc vừa ăn vừa chơi điện thoại, phân tâm lúc ăn có thể khiến bạn bị đói. Đó là bởi vì khi bộ não của chúng ta bận theo dõi tivi hoặc cuộc trò chuyện, chúng sẽ không ghi lại cảm giác no do thức ăn mang lại, và bạn cứ thế ăn thêm. Hãy cố gắng tập trung khi ăn và bạn sẽ có thể giảm cảm giác đói.
Xem quá nhiều chương trình ăn uống
Các nghiên cứu cho thấy rằng việc xem những bữa ăn ngon trên điện thoại hoặc màn hình tivi có thể khiến chúng ta cảm thấy đói và muốn ăn. Không ai có thể bắt bạn hủy theo dõi các trang web ẩm thực yêu thích của mình hoặc tắt tivi mỗi khi quảng cáo đồ ăn xuất hiện. Nhưng hãy nhắc mình rằng đó chỉ là hình ảnh kích thích vị giác chứ không phải cơ thể bạn cảm thấy đói, như vậy bạn sẽ có thể vượt qua cảm giác này.
Bình luận