Tại cuộc gặp với các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp công nghệ cao hồi đầu tháng 2/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra giải pháp để giải bài toán vướng mắc ngành nông nghiệp hiện nay. Theo đó, ngoài mở rộng hạn điền, tích tụ ruộng đất mạnh mẽ hơn thì cần có vốn cho lĩnh vực này.
Thủ tướng yêu cầu nâng hạn mức gói hỗ trợ cho đầu tư nông nghiệp công nghệ cao từ 60.000 tỷ đồng lên 100.000 tỷ đồng và giao Ngân hàng Nhà nước vận động các ngân hàng có gói tín dụng hỗ trợ cần thiết để làm vấn đề này.
Trước sự kiện này, rất nhiều doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao và những doanh nghiệp đang có ý định đầu tư vào lĩnh vực đều rất phấn khởi trước chỉ đạo của Thủ tướng về phát triển nông nghiệp.
Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có một hướng dẫn cụ thể nào về việc tiếp cận nguồn vốn khiến các doanh nghiệp càng thêm khấp khởi chờ mong.
Trả lời về vấn đề này, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, phía Ngân hàng, theo chỉ đạo của Chính phủ cũng như sự phối hợp rất chặt chẽ với Bộ NN&PTNT thì ngành ngân hàng chủ động dành ra 100.000 tỷ đồng, nhưng không phải cứ để riêng 100.000 tỷ đồng để chờ cho vay.
Trong ngân hàng, gói 100.000 tỷ dồn là khi nào dự án cũng như các DN có nhu cầu, và thấy có hiệu quả và có thể giải ngân thì thực hiện giải ngân. Vì vậy, không có sự thừa lãng phí hay là 100.000 tỷ đồng không dùng mà để đấy.
Việc sử dụng 100.000 tỷ đồng này cho nhu cầu của các DN ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp là một định hướng chỉ đạo, xu hướng hết sức cần thiết trong lúc này bởi có thực hiện được mục tiêu này, yêu cầu này thì sản phẩm trong nông nghiệp của chúng ta mới có thể cạnh tranh được không chỉ ở trong nước mà còn trên thế giới.
Tới đây, cơ quan quản lý sẽ đưa ra hướng dẫn, chỉ đạo các ngân hàng thương mại dành nguồn vốn để cho vay nông nghiệp công nghệ cao với lãi suất thấp hơn 0,5-1,5% một năm, so với mức lãi vay thông thường.
Tại cuộc họp báo thường kỳ quý I/2017, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy - Vụ trưởng Vụ Khoa học - Công nghệ và Môi trường thuộc Bộ NN&PTNT cho biết, đối tượng của gói tín dụng 100.000 tỷ đồng ưu đãi phát triển nông nghiệp công nghệ cao đã được xác định rõ.
Theo đó, tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch hoàn toàn có thể vay vốn trong gói tín dụng này. Theo bà Thủy, các cá nhân, hộ gia đình, thậm chí là cá nhân đại diện hợp tác xã hoàn toàn có thể vay vốn theo quyết định này của Bộ trưởng NN&PTNT.
Nhiều người lo ngại về tính hợp lý và hiệu quả của gói 100.000 tỷ đồng đầu tư vào nông nghiệp này của chính phủ. Có ý kiến cho rằng, vài năm qua, nông nghiệp nước ta chứng kiến hết cảnh "giải cứu" dưa hấu, vải, chuối, cà chua, cam… và gần đây nhất là "giải cứu" lợn. Phải chăng, nền sản xuất nông nghiệp còn khá manh mún, nhỏ lẻ của nước ta đang có dấu hiệu sản xuất thừa. Và họ lo ngại, việc tập trung vào nông nghiệp với gói vay 100.000 tỷ đồng liệu có là bài toán thừa?
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho rằng, lợn thừa, dưa hấu thừa, không phải chỉ do yếu tố trong nội tại nền kinh tế của chúng ta, tức là do giữa sản xuất và tiêu dùng, giữa cung và cầu mà có thể còn những nguyên nhân khách quan, như vấn đề xuất khẩu hay vấn đề khác, tạo ra sự đột biến tạo ra thừa có tính chất rất cấp bách như vừa qua. Bình thường, những năm trước, câu chuyện nuôi lợn, tiêu dùng nội địa cũng như xuất khẩu không có vấn đề đột xuất như vừa qua.
Video: Ai nhận được tiền thưởng khi báo thực phẩm bẩn cho cơ quan chức năng?
“Đối với gói 100.000 tỷ đồng, có phóng viên từng hỏi, gói 100.000 tỷ đồng có thừa không, có nhiều quá hơn hay là ít. Tôi nói rằng, bây giờ chưa thể nói ngay được vấn đề gói 100.000 tỷ đồng này nhằm để hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp là thừa hay thiếu.
Bởi lẽ, nếu như nhu cầu của nền kinh tế, nhu cầu của tiêu dùng trong nước cũng như có điều kiện để xuất khẩu những sản phẩm từ công nghệ cao này tích cực thì gói 100.000 tỷ đồng này chưa chắc đã đủ để cho DN, dự án phát triển trong lĩnh vực này.
Ngược lại, nếu tiêu dùng trong nước hay xuất khẩu không bảo đảm đạt mục tiêu hay là vẫn ở mức độ thấp thôi, thì có khi gói này cũng có thể chưa dùng hết”, ông Tú nói.
Bình luận