• Zalo

10 ‘ông lớn’ dẫn đầu ngành bất động sản Việt Nam hiện nay là ai?

Bất động sảnThứ Sáu, 07/04/2023 13:58:24 +07:00Google News
(VTC News) -

Top 10 “ông lớn” trong ngành bất động sản Việt Nam được nói là những doanh nghiệp có năng lực tài chính ổn định, chống chịu tốt với khó khăn.

Ngày 7/4, Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) công bố Top 10 công ty bất động sản năm 2023. Đây là kết quả nghiên cứu độc lập của Vietnam Report dựa theo dữ liệu tài chính cập nhật đến ngày 31/12/2022 và nhiều phương pháp phân tích khác.

Theo đó, 10 doanh nghiệp bất động sản hàng đầu, gồm: Công ty Cổ phần (CP) Vinhomes, Công ty CP Đầu tư Nam Long, Công ty CP Tập đoàn Ecopark, Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh nhà Khang Điền, Công ty CP Phát triển Bất động sản Phát Đạt, Công ty CP Tập đoàn Hà Đô, Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng, Tổng Công ty CP Đầu tư Phát triển xây dựng (DIC), Công ty CP Đầu tư Văn Phú - Invest và Công ty CP Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia.

10 ‘ông lớn’ dẫn đầu ngành bất động sản Việt Nam hiện nay là ai? - 1

10 đơn vị được Vietnam Report bình chọn đều là những doanh nghiệp có năng lực tài chính ổn định. (Ảnh minh họa)

Vietnam Report cho biết, kết quả nghiên cứu này dựa trên nguyên tắc khoa học, khách quan của những doanh nghiệp trụ cột trong ngành bất động sản. Đây là các doanh nghiệp có bản lĩnh vững vàng, năng lực tài chính ổn định, sức chống chịu tốt với những khó khăn thời gian qua.

Nghiên cứu của đơn vị nói trên cũng cho thấy có 55,2% doanh nghiệp bất động sản lựa chọn giải pháp vay ngân hàng khi thiếu hụt dòng tiền; 41,4% doanh nghiệp đang “thắt lưng, buộc bụng”, tiết giảm chi phí hoạt động. Tỷ lệ doanh nghiệp huy động vốn từ kênh trái phiếu chỉ còn 1,1%, giảm hơn 22 lần so với trước.

Năm 2023 sẽ là điểm rơi đáo hạn trái phiếu bất động sản khi số lượng trái phiếu đáo hạn đạt khoảng 119.000 tỷ đồng. Trong tháng 1/2023 đã có gần 17.500 tỷ đồng tổng giá trị trái phiếu đến hạn, trong đó 60% tập trung ở nhóm bất động sản với 10.500 tỷ đồng và 34% ở nhóm xây dựng với 5.900 tỷ đồng.

Theo Vietnam Report, Chính phủ đã có biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp không có tiền trả nợ trái phiếu đúng hạn bằng việc ban hành Nghị định 08/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.

Nghị định 08/2023 cùng với Nghị định 153/2020 và Nghị định 65/2022 được coi là những nỗ lực của Chính phủ nhằm khơi thông dòng vốn trái phiếu cho thị trường bất động sản xuyên suốt giai đoạn vừa qua.

Vietnam Report đánh giá, năm 2023 với những khó khăn tồn đọng từ giai đoạn trước như: nguồn vốn bị tắc nghẽn, bất cân xứng cung cầu, chồng chéo các vấn đề pháp lý và tác động của suy thoái kinh tế thì triển vọng phát triển của ngành bất động sản trong thời gian tới là chưa lạc quan.

Báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong quý 1/2023, trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản có 940 doanh nghiệp thành lập mới, 1.816 doanh nghiệp ngừng kinh doanh có thời hạn và 341 doanh nghiệp giải thể.

Như vậy, số doanh nghiệp thành lập mới giảm 63,2%, số doanh nghiệp ngừng kinh doanh có thời hạn tăng gần 61% và số doanh nghiệp giải thể tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm trước. Tình trạng này có nguyên nhân chủ yếu do doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn.

ĐẠI VIỆT
Bình luận
vtcnews.vn