• Zalo

Zalora Việt Nam có tự rao bán mình?

Kinh tếThứ Bảy, 12/12/2015 11:31:00 +07:00Google News

Có tin đồn cho rằng, trang thương mại điện tử chuyên về thời trang Zalora đang tìm đối tác tại Việt Nam để bán mình.

Có tin đồn cho rằng, trang thương mại điện tử chuyên về thời trang Zalora đang tìm đối tác tại Việt Nam để bán mình.

Trả lời phóng viên qua điện thoại, đại diện truyền thông của Zalora tại Việt Nam cho biết, tin đồn Zalora đang tìm đối tác để bán lại mảng kinh doanh của mình ở thị trường này là không chính xác.

Website Zalora Việt Nam - Ảnh chụp màn hình. 
Tin đồn này xuất hiện dựa trên việc Foodpanda mới đây được bán cho Vietnammm, với lý do nhà đầu tư gặp khó khăn tài chính hoặc do chuyển hướng đầu tư. Nhà đầu tư chính cho Foodpanda là Rocket Internet, đồng thời cũng là nhà đầu tư của Zalora và Lazada. Thêm nữa, một dự án khác của Rocket Internet tại Việt Nam là Easy Taxi cũng đã ngưng hoạt động đầu năm nay. Từ đó xuất hiện tin đồn cho rằng Zalora sẽ tiếp bước Foodpanda, sẽ được bán lại cho đối tác khác.

Tuy vậy, đại diện truyền thông của Zalora tại Việt Nam cho rằng, Rocket Internet chỉ là một trong hai nhà đầu tư chính của Zalora (nên sẽ không có toàn quyền quyết định số phận Zalora). Ngoài Rocket Internet, trang thương mại điện tử này còn được rót vốn bởi Kinnevik, nhà đầu tư từ Thụy Điển và nhiều nhà đầu tư khác từ Mỹ. Đại diện Zalora không cho biết Rocket Internet hay Kinnevik nắm nhiều cổ phiếu hơn tại Zalora.

Zalora hiện nay được điều hành bởi tập đoàn Global Fashion Group (GFG) – sở hữu 5 trang thương mại điện tử chuyên về thời trang, gồm Zalora (Đông Nam Á, Úc, Hong Kong, Đài Loan), Jabong (Ấn Độ), Dafiti (châu Mỹ Latin), Lamoda (Nga), và Namshi (Trung Đông). Thông tin từ trang Forbes dẫn báo cáo tài chính năm 2014 của Rocket Internet cho biết, nhà đầu tư đến từ Đức này nắm 23% cổ phần tại GFG, trong khi Kinnevik là nhà đầu tư lớn nhất – 26% cổ phần, còn lại của các nhà đầu tư khác. Chủ tịch và phó chủ tịch GFG hiện nay đều là CEO của hai nhà đầu tư lớn nhất, tức Rocket và Kinnevik.

Cần hiểu rằng, Kinnevik cũng nắm đến 24% cổ phần của Rocket Internet, theo một bài viết cuối năm 2014 của trang Tech.eu. Nghĩa là, ngoài việc cùng với Rocket đầu tư vào GFG (chủ của Zalora), thì Kinnevik cũng có cổ phần lớn ở chính Rocket Internet.

Báo cáo tài chính năm 2014 của Rocket Internet cho thấy sự tăng trưởng rất nhanh của cả Lazada lẫn Zalora so với năm trước đó (2013). Tuy vậy cả hai trang này này đều chưa mang lợi nhuận về cho GFG.

Mới đây, khoảng tháng 7/2015, cả Kinnevik lẫn Rocket Internet đã quyết định cùng nhau rót thêm 167 triệu USD vào GFG, nhằm gia tăng năng lực của GFG bên cạnh việc đẩy mạnh truyền thông và phát triển sản phẩm, cùng với việc xây dựng hạ tầng phục vụ cho các sản phẩm của GFG trên nhiều khu vực như châu Mỹ Latin, Trung Đông, Nga, Ấn Độ, Đông Nam Á, Úc.

Như vậy có thể thấy cam kết của Rocket Internet lẫn Kinnevik vào GFG – công ty mẹ của Zalora, và rõ ràng các trang của GFG mặc dù chưa mang lợi nhuận nhưng hứa hẹn nhiều tiềm năng. Do đó, khả năng nếu có những thay đổi ở Zalora thì đó là vấn đề chiến lược chứ không hẳn vì thiếu vốn.

Bên cạnh đó, cần hiểu rằng Zalora là sản phẩm của GFG, do Kinnevik nắm cổ phần lớn và Rocket Internet có lượng cổ phần đứng thứ hai. Trong khi đó, Easy Taxi và Foodpanda – hai sản phẩm đã ngưng hoạt động tại Việt Nam – thì do Rocket Internet đầu tư chính bên cạnh các nhà đầu tư khác.


Nguồn: ICT News
Bình luận
vtcnews.vn