Ý thức tham gia giao thông người Việt quá tồi!
Trong buổi nói chuyện trước hàng nghìn người tại Trung tâm Hội nghị quốc gia ở Mỹ Đình nhân dịp chuyến thăm Việt Nam năm 2016, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có một lối nói khá hài hước, đại ý rằng: Đường phố Hà Nội có rất nhiều xe máy, tôi chưa bao giờ nhìn thấy ở đâu như vậy, nhưng tôi chưa bao giờ thử đi ngang qua đường. Sau này nếu có dịp trở lại Việt Nam, các bạn hãy chỉ cho tôi cách... qua đường như thế nào!
Video: Phát biểu của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama về giao thông ở Hà Nội trong chuyến thăm Việt Nam năm 2016
Một câu nói hài hước của người đứng đầu nước Mỹ song lại hàm chứa nhiều ẩn dụ đáng để người Việt phải suy ngẫm.
Người ta nói rằng, nếu muốn biết trình độ quản lý một quốc gia ra sao thì hãy nhìn vào giao thông nước đó như thế nào. Luận điểm này không phải là không có cơ sở.
Nếu chúng ta để ý một đàn kiến, dù không có người phân làn hay chỉ dẫn giao thông, chúng vẫn tăm tắp đi đúng đường. Còn người tham gia giao thông ở Việt Nam thì chen lấn xô đẩy nhau, vượt đèn đỏ, tạt đầu ô tô... bất chấp cả pháp luật và coi thường tính mạng của người khác cũng như chính mình.
Sẽ không “ngoa ngôn” khi nói rằng ý thức tham gia giao thông của người Việt không bằng cả con kiến!
Theo số liệu của Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia (UBATGTQG), mỗi năm tai nạn giao thông (TNGT) đã cướp đi mạng sống của hơn 10.000 người, số lượng bị thương cũng chừng đó, có người đã từng so sánh TNGT như chiến tranh…
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến vấn nạn này như: Công tác quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông (TTATGT) của các cấp còn nhiều thiếu sót; hạ tầng giao thông không đáp ứng kịp tốc độ phát triển của xã hội; chế tài xử lý vi phạm các quy định về TTATGT chưa đủ mạnh, thiếu sức răn đe; công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm của một bộ phận cán bộ cơ quan chức năng chưa quyết liệt, nhiều nơi còn xảy ra tiêu cực, thiếu nghiêm minh… tất cả đều đúng!
Video: Chỉ một va chạm giao thông nhỏ, người Việt cũng sẵn sàng lao vào cãi cọ, thậm chí ẩu đả nhau
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng nguyên nhân cốt lõi nhất vẫn là ý thức của người tham gia giao thông quá tồi.
Văn hóa giao thông là thước đo văn hóa một dân tộc
Theo GS Vũ Khiêu, văn hóa giao thông là một trong những thước đo của văn hóa một dân tộc. Người Việt Nam luôn tự hào là mình có truyền thống văn hóa hàng nghìn năm, vậy tại sao văn hóa giao thông lại kém như thế, điều này có là mâu thuẫn hay không?
Video: Một người dân vi phạm giao thông bị xử phạt, khi được hỏi đã trả lời rằng "người khác đi được, tôi đi được"
GS Vũ Khiêu nhận xét về thực trạng giao thông ở Việt Nam: “Việc ứng xử có tình, có lý từ lâu đã thể hiện rõ rệt trong văn hóa giao thông của ông cha. Chưa bao giờ xảy ra tình trạng như mấy thập niên gần đây, xe cộ tranh nhau từng bước, phóng nhanh vượt ẩu thường xuyên gây ra những tai nạn đau lòng.
Lên xe khách thì tranh chỗ của nhau, rất ít khi thấy nhường chỗ cho các cụ già, trẻ em, người tàn tật, phụ nữ có thai.
Ngoài ra còn xuất hiện những cuộc đua xe bất chấp cảnh sát giao thông và tính mạng người đi đường. Đây không chỉ là sự yếu kém về văn hóa trong giao thông mà thực sự là sự suy thoái trong văn hóa ứng xử giữa người với người...”.
GS Vũ Khiêu nhận xét, nhìn cảnh đường phố Việt Nam giờ cao điểm thật ngán ngẩm. Thật buồn cho văn hóa giao thông ở Việt Nam. Đúng là không bằng đàn kiến. Ai cũng chen lấn nhau, không ai chịu nhường đường cho ai, mạnh ai nấy đi.
Theo GS Vũ Khiêu, để khôi phục văn hóa giao thông thì cần phải trừng phạt các lỗi vi phạm thật nghiêm, theo đúng tinh thần pháp trị. Cảnh sát giao thông không được phép làm trái với đạo đức, đã sai là phạt, không có trường hợp chiếu cố, tùy tiện tha, tùy tiện phạt.
Bên cạnh đó, nhà trường và gia đình, nhất là các bậc cha mẹ hãy cứu lấy con cái mình bằng cách dạy dỗ, khuyên răn con cái hãy nghiêm chỉnh chấp hành luật giao thông.
Video: Xung đột khi va chạm giao thông
Bình luận