• Zalo

Xuyên rừng tìm "thần Kim Quy" và giấc mộng tỷ phú

Phóng sự - Khám pháThứ Bảy, 20/06/2015 06:53:00 +07:00Google News

Người dân một số xã thuộc huyện Hương Khê (tỉnh Hà Tĩnh) đổ xô vào rừng để tìm kiếm rùa vàng, hy vọng đổi đời.

Gần đây, tin đồn có người bắt được rùa vàng (rùa hộp ba vạch) bán được cả tỷ đồng, khiến nhiều người dân một số xã thuộc huyện Hương Khê (tỉnh Hà Tĩnh) xôn xao, đổ xô vào rừng để tìm kiếm, hy vọng đổi đời.


Rùa là một trong nhóm tứ linh “long - ly – quy - phượng”, được xem là vị thần linh thiêng. Do đó, người gặp được rùa vàng (rùa hộp ba vạch) là xem như vận may đến. Bởi đây là loài rùa quý hiếm, rất ít người có thể bắt được. Mặc dù không biết rõ công dụng của loài rùa này để làm gì? Nhưng hay tin có người bắt được rùa vàng và bán được hàng tỷ đồng, nhiều người đã bỏ bê công việc vào rừng đi săn rùa, thỏa mãn mộng làm giàu.

Bỗng thành triệu phú nhờ bắt được rùa vàng


Từ bao đời nay, người dân một số xã thuộc huyện Hương Khê (tỉnh Hà Tĩnh) truyền nhau rằng nếu người nào một lần trong đời có cơ may bắt được rùa vàng trong tự nhiên thì sẽ trở thành triệu phú chỉ sau một đêm. Mặc dù khi được hỏi đến công dụng của loài rùa quý này thì có đến hơn 90% người dân địa phương trả lời không biết, số còn lại thì cũng trả lời chung chung.

Tuy nhiên, có một thực tế mà người dân địa phương rất quan tâm. Đó là số tiền mà loài rùa này mang lại. Họ cho rằng, ở ngoài thị trường "chợ đen" loài rùa quý này được bán vài trăm triệu, thậm chí lên cả tỷ đồng, nếu còn nguyên con và gặp được khách mua.

Một thanh niên gánh đồ vào cửa rừng chuẩn bị cho cuộc săn lùng rùa quý 

Vì rùa vàng có giá “khủng” như vậy nên người dân sinh sống ở các khu vực đồi núi luôn ôm mộng được sở hữu để nhanh chóng trở thành tỷ phú. Theo những bậc cao niên sống ở khu vực đồi núi thuộc xã Phương Mỹ (huyện Hương Khê), cách đây 40 năm có nhiều người địa phương bắt được rùa vàng mang bán lấy hàng chục triệu đồng. Nhưng từ sau năm 1980 đến nay, loài rùa này bỗng nhiên “biến mất”.

Thậm chí, nhiều người còn cho rằng loài vật tiền tỷ này tuyệt chủng ngoài tự nhiên. Nhưng cách đây không lâu, người dân địa phương rộ lên tin đồn, có một người dân thuộc xã Phương Mỹ và một người thuộc xã Hà Linh (huyện Hương Khê), trong một thời gian cách nhau không lâu, bắt được rùa vàng và trở thành tỷ phú.

Điều này đã khiến người dân nơi đây xôn xao, mộng làm giàu từ loài vật tiền tỷ này lại có dịp trỗi dậy. Nhiều thanh niên lập thành từng nhóm nhỏ vào rừng tìm kiếm cơ may đổi đời. Nhiều người địa phương cho biết, gần đây có người đã bắt được rùa vàng và bán với giá cao.

Đó là thời điểm vào khoảng cuối tháng 6/2014, khi 2 anh em ruột gồm Nguyễn Văn Ng. và Nguyễn Văn L. (ngụ xóm ấp Tiến 1, xã Phương Mỹ, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) trong một lần đi rừng tìm mật ong và săn kỳ đà, đã vô tình bắt được một con rùa vàng.

Bữa ăn của nhóm đi săn 

Sau đó họ mang đi bán được gần 1 tỷ đồng. Không lâu sau, chị Nguyễn L. (ngụ xóm 10, xã Hà Linh, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) nhà gần đồi Hỏi Nác thuộc xã Hà Linh, nửa đêm ra vườn đi vệ sinh cũng bắt được một con rùa vàng và bán được cả chục triệu đồng.

Thông tin trên được gia đình giữ kín nhưng không lâu sau đó bị lộ ra ngoài đến tai những người dân trong vùng. Bà Nguyễn Thị T. (một người dân cùng xã với anh L.) cho biết: “Việc 2 anh em nhà anh L. bắt được rùa vàng là sự thật.

Hôm ấy, 2 anh em nó đi vào rừng bắt chè khé (loại cua đá sống ở suối trên núi) và kỳ đà, tối về thì cũng chẳng thấy ai nói gì đến việc bắt được. Nhưng đến mãi gần nửa tháng sau, thì nghe người ta đồn là 2 anh em vừa đi Hà Nội bán rùa vàng về thì chúng tôi mới biết. Nghe đâu là họ bán được hơn 900 triệu đồng hay một tỷ gì đó”.

Người dân đổ xô săn rùa vàng  

Người dân đổ xô “săn” rùa vàng


Bẫy rùa được trưởng nhóm phân ra làm 2 loại để đặt dưới nước và trên cạn. Ở dưới nước bẫy được đặt bằng đó, nhét vào bên trong rất nhiều mồi cài vào các hốc rễ cây ngâm nước hoặc các tảng đá lớn, nếu rùa chui vào ăn mồi thì nằm gọn trong bẫy, hết đường chui ra.

Bẫy trên cạn thì được đặt dọc con suối nơi có những lùm cây tiến (loại cây giống cây dương xỉ - PV). Vì theo những người có kinh nghiệm từ xa xưa truyền lại, rùa vàng rất thích những nơi ẩm ướt và các lùm cây rậm. Ở những vị trí đặt bẫy sẽ có thêm một vài điểm đặt mồi nhử rải rác dọc đường dẫn đến bẫy, sau đó đóng cọc giăng lưới hết xung quanh nếu rùa mò vào ăn mồi thì sẽ mắc vào lưới không ra được. Thịt thối còn được cho vào bẫy lồng tre (hình giáng giống bẫy chuột) sau đó đi rải khắp các bụi cây rậm rạp.
Tìm hiểu từ gia đình anh L., được biết, anh có bắt được rùa vàng chỉ nhưng chỉ bán được 350 triệu đồng, chứ không được cả tỷ như lời đồn bên ngoài. Sau khi bán được rùa vàng, anh L. chia cho anh em trong gia đình, mỗi người 5 triệu đồng, hàng xóm thân thiết mỗi nhà 5, 7 trăm ngàn đồng. Số tiền còn lại thì dùng để trả nợ, mua xe, cho vay và cất gửi…


Sau khi thông tin anh L. bắt được rùa vàng đúng là sự thật, nhiều thanh niên trong làng lập thành từng nhóm nhỏ âm thầm lần tìm đến khu đồi mà trước đó anh L. vô tình bắt được rùa quý để săn tìm. Bởi, họ cho rằng rùa là loài đẻ trứng, mỗi lần đẻ thì rất nhiều con và sống trong cùng một khu vực, chứ không cách xa nhau mấy quả đồi hay hàng chục cây số như loài khác. Do đó, chắc chắn sẽ vẫn còn rùa quý sinh sống đâu đó xung quanh khu vực mà anh L. tìm được.

Một số người còn cho rằng đây là loại rùa sống thành từng đôi và có trọng lượng từ 800g đến 1,5kg. Cứ như vậy, từng tốp người, hết đợt này đến đợt khác vào khuấy động rừng già, ở những nơi nào có nhóm người đi qua đều bị xới tung.

Trước những tin đồn về sự việc trên, PV đã đem câu chuyện đến tìm gặp ông Nguyễn Hồng Quân, Chủ tịch UBND xã Phương Mỹ và được ông này cho biết: “Ở địa phương chúng tôi từng có người dân đi soi và bắt được rùa quý và mang bán được rất nhiều tiền.

Ngày trước có anh L. ở xóm Ấp Tiến, vào một hôm đi soi ban đêm thì bắt được một con rùa vàng. Con rùa này sau đó được anh này mang đi bán, có tiền về nhà mua ti vi, mua xe máy rồi sắm sửa đồ. Theo gia đình trao đổi thì con rùa nặng 1,2kg và bán được 350 triệu, nhưng có người ngoài đồn là anh ấy mang đi bán được đến cả tỷ đồng…!”.

Nhập hội đi săn

Nhờ sự quen biết của một ông anh ở địa phương, tôi được một chân trong nhóm thợ săn trong chuyến đi nhớ đời. Tôi bắt đầu lân la làm quen và dò hỏi lịch trình đi “săn” rùa quý. Nhóm chúng tôi gồm 5 người đều là những thanh niên khỏe mạnh và có sức bền. Mọi người cho biết không nên đi đông, chỉ 5 - 6 người là đủ, vì theo kinh nghiệm của những người lớn tuổi, loài rùa quý có thính giác và khứu giác khá nhạy, có thể phát hiện ra loài khác từ xa… Vậy nên nếu đi đông sẽ phát ra tiếng ồn bị chúng phát hiện ra và bỏ đi mất.

Để chuyến đi có tổ chức và có tính chuyên nghiệp, sau khi hỏi ý kiến của những người cao tuổi, là những người đã có cơ hội được giáp mặt với rùa quý hoặc cũng là những người có kinh nghiệm đi rừng, chúng tôi bầu ra một đội trưởng, đó là người có kinh nghiệm đi rừng, khỏe mạnh và có tính kỷ luật cao. Công việc được phân cho từng người.

Lòng và xác động vật thối được thả làm bẫy rùa vàng 

Diện như tôi thuộc “hàng thứ cấp” nên được giao cho nhiệm vụ chuẩn bị cơm nắm, muối vừng. Còn người có kinh nghiệm nhất trong đội, là người đi kiếm thức ăn làm mồi nhử: đó là các loại cây cỏ rừng, hoa quả và đặc biệt thức ăn khoái khẩu của rùa là thịt và xác động vật thối như: lòng lợn, bò, gà … Những thứ mồi bẩn này được gói kỹ trong túi ni lông.

Ngoài ra còn chuẩn bị thêm các vật dụng như đó (được dùng để đơm cá, được đan bằng tre vót nhỏ và dây rừng) bẫy lồng rập đan bằng tre, lưới dù sợi tơ chuyên dùng để bẫy chim (loại có chiều cao từ khoảng 80 - 100cm). Ngoài ra còn một số vật dụng cần thiết cho chuyến đi rừng như dao phát cây, rựa, rìu, một ít dây thừng, đèn pin, bật lửa…

Sau khi công việc chuẩn bị đã hoàn tất, nhóm chúng tôi tập trung tại nhà anh Thiên trưởng nhóm để ăn và tranh thủ nghỉ ngơi một chút, sẵn sàng cho cuộc hành trình dài ngày trong rừng. Từ khu dân cư vào đến chân của cánh rừng già, chúng tôi sẽ phải vượt qua hai quả đồi và một ngọn núi rồi mới đến được khu vực mà người ta cho là đã từng có rùa vàng xuất hiện, để tìm kiếm và chọn điểm đặt bẫy và “ngồi rình”.

Xuyên rừng săn “vật quý"


Sau một ngày chuẩn bị, ai nấy tỏ ra háo hức, còn tôi thì ngấm mệt và chìm dần vào giấc ngủ. Duy nhất có anh Thiên là không ngủ, có lẽ bởi anh ấy đã quá kỳ vọng vào kết quả sau chuyến đi. Gần 3h sáng, có ai đó đập mạnh vào vai tôi, giật mình tỉnh giấc khi hãy còn ngái ngủ, tiếng đội trưởng hô to: “Cả nhóm tập trung và điểm danh, rồi ăn sáng để còn lên đường nào…!”. Sau khi đã “nạp đầy năng lượng”, ai nấy cũng đã sẵn sàng.

Đồng hồ điểm 3h30 sáng, cuộc phiêu lưu của nhóm chúng tôi bắt đầu. Sau khi trèo qua 2 quả đồi, mặt trời bắt đầu đổ bóng trên đỉnh đầu, ngọn núi Ông Chợ trước mặt. Đi hết ngọn núi này và khe nước Con Xai kéo dài chừng 8- 10 km, chúng tôi sẽ có mặt tại cửa rừng, đó là nơi cần phải đến trước khi chiều ngả bóng. Đoàn dừng lại ăn trưa và nghỉ ngơi, sau đó tiếp tục cuộc hành trình vượt núi Ông Chợ và khe nước Con Xai để đến được với khu rừng già phía trước.

Rùa vàng đang được người dân truy lùng ráo riết  

Theo đúng như kế hoạch, khi chiều bắt đầu chéo bóng, nhóm chúng tôi có mặt tại khe nước Con Xai, cả nhóm dừng lại, tắm dưới chân thác nước, nơi có các tảng đá to lớn án ngữ và gội đầu bằng lá cây rừng (đây là một loại lá cây trông giống như lá cây Vừng có chất nhựa, mùi thơm dễ chịu - PV). Anh Thiên cho biết, việc tắm bằng lá cây rừng sẽ giảm bớt mùi mồ hôi cơ thể tránh bị rùa quý phát hiện, vừa có thể phòng vắt, muỗi và các loại côn trùng khác, vừa là để hạ nhiệt.

Sau đó, nhóm chúng tôi lại tiếp tục đi bộ thêm khoảng 8km đường rừng nữa, để đến cánh rừng già ở quả núi lớn sừng sững mà các cụ già thường gọi là núi Ông Lắc. Những tán lá cây to bản và lè phè tỏa rộng ra râm mát che hết ánh sáng của mặt trời, không gian như sầm tối lại. Tôi có thể dễ dàng nghe được tiếng chim ngày một nhiều, tiếng thú rừng kêu làm náo động khắp một vùng.

Khu rừng già với nhiều cây cổ thụ, những cây trám già cao hơn 20m với đủ loại chim, sóc thi nhau chuyền cành, những quả hồng chín mọng rơi lộp độp. Đảo mắt khắp một lượt, anh Thiên (trưởng nhóm) quay lại nói: “Vào đây đi đứng cho cẩn thận, để ý rắn độc và loài rết to đó. Cảnh giác cả trên đầu và dưới chân. Buộc dây ủng lại, tất cả hãy chỉnh lại hành lý và tư trang cho cẩn thận kẻo vắt nó bò vào người đấy…”.

Để mọi người ngồi nghỉ tập trung tại một điểm, anh Thiên đi thăm dò và kiếm vị trí để đặt bẫy. Sau chừng 15 phút, anh quay lại và đưa nhóm chúng tôi đến con suối nhỏ có nước trong veo, bên dưới lòng sông toàn đá tảng bám đầy rong rêu. Hai bên bờ suối là cây cối um tùm.

“Chúng ta sẽ đặt bẫy ở đây sau đó rút về phía kia dựng lán nghỉ ngơi…!”, anh Thiên nói kèm theo cái chỉ tay về phía một tảng đá lớn. Lúc này tải mồi được đưa ra cho mọi người cắt thành từng miếng nhỏ, chúng tôi chia nhau ra đặt bẫy. Sau hơn 2h hì hục đặt bẫy trong vòng bán kính từ 1- 1,5km, nhóm chúng tôi rời khỏi nơi giăng bẫy và đi ra địa điểm cách đó chừng 5km, nơi có tảng đá lớn mà anh Thiên đã chỉ trước đó và tìm chỗ lợp lán nghỉ ngơi và nằm đợi rùa quý sập bẫy…

Theo tài liệu khoa học, rùa hộp ba vạch (hay rùa vàng) có tên khoa học: Cuora trifasciata là một loài rùa hộp cỡ trung bình. Giới Animalia, ngành Chordata, lớp Sauropsida, bộ Testudines, phân bộ Cryptodira, liên họ Testudinoidea, họ Geoemydidae, Phân họ Geoemydinae, Chi Cuora, loài trifasciata

Đặc điểm: mai hơi dẹp, trên mai có 3 gờ (1 gờ sống lưng, 2 gờ bên). Yếm rùa gồm 2 mảnh cử động được có thể kép kín vào mai. Lưng màu nâu, có 3 vạch xám đen chạy dọc theo 3 gờ trên. Yếm rùa màu xám đen, viền đỏ nâu. Chiều dài của mai khoảng từ 17 - 20cm, gần gấp đôi chiều rộng. Rùa hộp ba vạch ăn các loại quả, lá cây, các loại rong, bèo mọc ở ven suối và khe rãnh, kể cả sâu bọ. Rùa hộp ba vạch có sức nhịn đói lâu, có thể tới 2 tháng. Rùa thường đẻ 2 trứng vào mùa hè, trứng có hình ô van, kích thước 27 đến 50mm. Rùa hộp ba vạch sống ở ven suối, các vùng rừng núi và trung du, tới độ cao 1.000m. Ban ngày rùa ẩn dưới những đống lá cây mục nát ven suối hay khe rãnh, ban đêm mới ra kiếm mồi.

Phân bố: Rùa hộp ba vạch phân bố tại bắc Myanma, nam Trung Quốc (kể cả đảo Hải Nam), Việt Nam (Cao Bằng, Lạng Sơn, Vĩnh Phú-Tam Đảo, Hà Tĩnh). Rùa hộp ba vạch có giá trị thẩm mỹ và kinh tế (dùng làm thực phẩm, mai và yếm được nấu cao). Bột mai rùa được dùng trong món cao quy linh theo truyền thống của người Hoa vùng Ngô Châu, ăn rùa có thể trị bệnh ung thư. Tình trạng: Cực kỳ nguy cấp (tiếng Anh: Critically Endangered, viết tắt CR) – Rùa hộp ba vạch nằm trong danh trách báo động đỏ đe dọa tuyệt chủng thuộc nhóm B1 ngang với Tê giác, Sao La, Báo Amur.


Nguồn: Hoàng Giáp (Công Lý)
Bình luận
vtcnews.vn