• Zalo

Xưng hô thế nào với người thân đã xuất gia tu Phật?

Sống đẹpThứ Ba, 07/06/2022 14:00:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Nhiều gia đình cảm thấy bối rối, không biết xưng hô thế nào khi gặp gỡ con cháu đã xuất gia, hay khi vị đó trở lại thăm nhà.

Cách xưng hô là điều gây băn khoăn cho không ít người có nhân nhân trẻ tuổi hoặc thuộc hàng con cháu xuất gia. Có những người tu hành khi trở về thăm, cha mẹ, ông bà, anh chị vẫn gọi tên tục và sai bảo những việc vặt như hồi còn ở nhà, để rồi đó gia đình lại băn khoăn, không biết làm như vậy có gì sai không, nên xưng hô và ứng xử thế nào cho phải...

Theo tư vấn trên Cổng thông tin Phật giáo thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đây là vấn đề tế nhị, tùy thuộc vào sự hiểu đạo của các thành viên trong gia đình và chính cá nhân mỗi vị xuất gia. Giới luật nhà Phật có quy định rạch ròi về việc xưng hô và ứng xử của người xuất gia, nhưng thực tế các vị luôn linh động, theo tinh thần tùy duyên.

Người xuất gia tuy đã phát nguyện từ bỏ đời sống thế tục để phụng đạo, cầu giải thoát nhưng đối với gia đình vẫn luôn thương kính, vẫn ghi nhớ ơn sâu sinh thành, dưỡng dục. Vì thế, khi tranh thủ được khoảng thời gian rảnh rỗi ít ỏi, nhiều vị trở về gia đình, một là thăm thân nhân, hai là giúp mọi người sống hướng thiện, nhân đức.

Xưng hô thế nào với người thân đã xuất gia tu Phật? - 1

Nên xưng hô thế nào với người thân đã xuất gia?

Người xuất gia hiểu rõ và tuân thủ giới luật sẽ luôn giữ vững phong thái của người xuất gia dù là ở đâu. Về phía gia đình, vì lòng kính Phật, trọng Tăng, họ cần tôn trọng thân nhân đã xuất gia của mình, không nên đối xử giống như các thành viên khác.

Người tu hành Phật đạo khi thọ giới xuất gia đều phát nguyện xuất thế, mang dòng họ Thích và quy mạng trọn đời. Vì thế khi họ về thăm nhà, thân nhân nếu hiểu biết thì không nên gọi tên đời, nhất là những cái tên thân mật mà nên gọi theo pháp hiệu. Về xưng hô, không nên gọi người xuất gia theo thứ bậc, vai vế trong gia đình, họ tộc như "con", "cháu", "em"... mà gọi là “thầy”, “chú” kèm với pháp hiệu.

Về chuyện tự xưng, thân nhân có thể xưng đúng với vai vế của mình đối với những người xuất gia trẻ. Nhưng với những vị đã là nhân vật trưởng thượng trong đạo thì trừ cha mẹ ra, những thành viên khác trong gia đình nên tự xưng là “con” và gọi “thầy” hay trịnh trọng hơn là Hòa thượng, Thượng tọa, Ni trưởng, Ni sư...

Còn người xuất gia khi trò chuyện với các thành viên trong gia đình thường xưng pháp hiệu và gọi người kia theo vai vế của họ đối với mình. Trong một số trường hợp, người xuất gia trẻ có thể xưng là “con” hoặc “cháu” đối với ông bà cha mẹ hay các bậc cao niên nhằm tránh những dị nghị, phàn nàn không đáng có do quan niệm “làm thầy xứ ta, làm ma xứ mình” ở các làng quê. Tuy nhiên, những Phật tử thuần thành, hiểu đạo dù đã cao niên vẫn luôn cung kính xưng "con" với người đã xuất gia, đó là cách thể hiện sự tôn kính đối với Tam bảo. 

Cũng theo Cổng thông tin Phật giáo thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trong thời gian về thăm thân nhân, người xuất gia vẫn có thể làm một số việc trong nhà để thể hiện tình cảm, sự hòa đồng, nhưng điều này không quan trọng. Cách giúp đỡ lớn nhất của các vị đối với gia đình chính là chia sẻ những điều tốt đẹp mà mình học được từ giáo pháp với các thành viên khác để họ làm lành tránh dữ, sống tốt đời đẹp đạo. 

Huyền Vi
Bình luận
vtcnews.vn