7 ngày sau khi Đức Phật đản sinh, mẹ ngài qua đời. Em gái ruột của bà là Kiều Đàm Di (Gotami) được gả cho vua cha Tịnh Phạn (Suddhodana). Vị kế hoàng hậu này sinh cho nhà vua một người con trai khác, hoàng tử Nan Đà (Nanda). Tuổi ấu thơ, Nan Đà có chút thiệt thòi vì hoàng hậu Kiều Đàm Di trao ngài cho vú nuôi chăm sóc để bà có thể tự tay chăm sóc con riêng của chồng và chị gái – thái tử Tất Đạt Đa (Siddhartha), người sau này trở thành Đức Phật.
Bị Phật “ép” đi tu
Sau một thời gian chứng đạo và truyền pháp, Đức Phật quyết định trở lại quê nhà ở kinh thành Ca Tỳ La Vệ để thăm gia quyến và độ cho những người thân của mình, giúp họ đi vào con đường thoát khổ mà ngài tìm ra.
Ba ngày sau khi Phật trở về, hoàng cung có sự kiện lớn: Hoàng tử Nan Đà được cử hành ba đại lễ quan trọng là thành hôn, phong tước và về cung điện riêng. Ai nấy đang tưng bừng chúc tụng, trao tặng lễ vật thì Đức Phật về cung.
Sau bữa trưa, ngài trao cái bát của mình cho Nan Đà, đọc một câu kinh chúc phúc rồi đứng dậy đi tới nơi cư ngụ của tăng đoàn. Vì ngài không lấy lại bát nên Nan Đà cứ phải ôm bát đi theo, chờ khi ngài nhớ ra. Tuy nhiên, Phật cứ đi, dường như cố tình làm ngơ người em cùng cha khác mẹ đang lẽo đẽo phía sau, còn Nan Đà vì lòng tôn kính nên vẫn im lặng bước.
Lúc này ở cung điện, người vợ mới cưới của hoàng tử biết tin chồng mình ôm bát đi theo Phật thì kinh hoàng, nước mắt đầy mặt chạy theo tha thiết gọi. Hoàng tử lòng như lửa đốt, chỉ muốn lao về phía cô dâu của mình, nhưng vẫn đành kìm lòng, đi theo Đức Phật về nơi ngài tạm trú. Lúc này, Phật mới hỏi Nan Đà có muốn xuất gia không. Dù thật tâm không muốn nhưng vì lòng tôn kính, sung bái đối với Phật – đấng giác ngộ và là huynh trưởng, hoàng tử miễn cưỡng đồng ý.
Vượt qua sắc dục
Vì miễn cưỡng nên vị tỳ khưu mới không tìm thấy hạnh phúc trong đời sống tu hành, chỉ ngày đêm mơ tưởng đến người vợ xinh đẹp. Nan Đà tâm sự với các đạo hữu: “Tôi rất lấy làm bất mãn. Tuy đã uất gia và sống đời đạo hạnh cao thượng nhưng tôi cảm thấy không thể chịu nổi nữa. Tôi có ý định từ bỏ giới luật để trở về làm cư sĩ".
Đức Phật nghe kể, hỏi lại Nan Đà và vị tỳ khưu xác nhận chuyện đó là thật, cho biết mình rất thương nhớ tân nương. Để em trai sớm tỉnh ngộ, Đức Phật dùng thần thông đưa Nan Đà vào cung trời. Trên đường đi, họ gặp một con khỉ bị hỏa hoạn làm cháy đuôi, mất cả tai, mũi, đang cố bám lấy thân cây cháy. Đến cung trời, Phật hỏi rằng những tiên nữ ở đó so với người vợ ở nhà ai đẹp hơn, Nan Đà nói rằng so với các tiên nữ thì tân nương của mình chỉ như con khỉ lúc trước.
Phật bèn nói: “Này Nan Đà, vậy hãy cố gắng lên. Như Lai hứa nếu ngươi kiên trì tu hành theo lời giáo huấn thì một ngày kia cũng sẽ có được những cô gái kiều diễm như vậy”.
Được “treo thưởng”, Nan Đà cố gắng tu tập. Mục đích tu hành này khiến nhiều đạo hữu chế nhạo, gọi Nan Đà là “kẻ làm thuê”. Những lời đó khiến vị tỳ khưu tỉnh ngộ, thấy xấu hổ, cố gắng gạt bỏ những vương vấn trần tục, tận lực, kiên trì tu tập và cuối cùng đắc quả A La Hán, thụ hưởng hạnh phúc giải thoát.
Khi đó, ngài đến tìm Đức Phật, thỉnh cầu: "Bạch Đức Thế tôn, xin hãy hủy bỏ lời hứa của ngài rằng nếu đệ tử thực hành đúng giáo huấn thì sẽ có được các tiên nữ xinh đẹp".
Phật mỉm cười: “Này Nanda, chừng nào ngươi không còn bám níu vào sự vật ở thế gian, tâm ngươi đã được hoàn toàn thanh lọc, không còn vướng chút bợn nhơ, chừng đó Như Lai đã hủy bỏ lời hứa”.
Rồi Phật đọc bài kệ:
"Người đã vượt lên khỏi bùn nhơ và chế ngự dục vọng,
Người đã tận diệt mọi ảo tưởng (si mê),
Người ấy không bị cảm kích trong khoái lạc cũng như trong đau khổ".
Nghe tin Nan Đà “người làm thuê” đạt quả vị A La Hán, một số tỳ khưu tỏ ý không tin. Phật giải thích: "Nước mưa không thể lọt qua lớp tranh dầy của một nóc nhà khéo lợp kín. Cũng như thế, dục vọng không thể thấm vào tâm thuần thục đã được phát triển đầy đủ".
Kinh Theragatha chép rằng, đức Nan Đà từng thốt ra những lời này: "Có một thuở, vì không nghĩ suy chân chính, tôi chỉ tham luyến những thứ bề ngoài, bị sự khát khao, ham muốn chế ngự, tâm tôi luôn loạn động. Nhờ sự khéo léo và lòng từ bi quảng đại của Đức Thế tôn, tôi có diễm phúc được đưa vào đời sống thanh cao, hành động chân chính, và từ ao tù của những kiếp sinh tồn, tâm tôi được vớt lên và cứu thoát".
Theo kinh sách, đức Nan Đà nổi tiếng là người tự kiểm soát rất chặt chữ trong số các đệ tử của Đức Phật.
Bình luận