Tuyên bố trên được Josep Borrell - nhà ngoại giao hàng đầu của Liên minh châu Âu (EU) đưa ra khi đề cập đến những hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra đối với EU nếu khối này không giải quyết được xung đột Nga-Ukraine và giải quyết cuộc khủng hoảng Trung Đông đang diễn ra.
Ông Borrell cũng nhấn mạnh tính cấp bách của cuộc xung đột Israel-Hamas nhưng coi đối đầu quân sự giữa Moskva và Kiev là “mối đe dọa hiện hữu lớn nhất mà khối này đang phải đối mặt”.
Nhà ngoại giao EU cho rằng, chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine gây ra mối đe dọa đáng kể không chỉ đối với Kiev mà còn đối với toàn bộ châu Âu.
Ỗng Borrell nhấn mạnh rằng các nhà hoạch định chính sách châu Âu không nên tập trung vào việc liệu Nga có giành chiến thắng trong cuộc xung đột ở Ukraine hay không mà nên tập trung vào việc hành động để ngăn chặn nguy cơ này.
Nhà ngoại giao này thừa nhận một số thành viên EU không coi Nga là “mối đe dọa chiến lược". Tuy nhiên, ông phủ nhận suy đoán về khả năng chia rẽ trong khối về cuộc xung đột Ukraine.
Nhấn mạnh sự khác biệt về quan điểm giữa các quốc gia trên thế giới về xung đột Ukraine, Borrell nói một số nước chỉ lên án cuộc chiến và mối quan tâm hàng đầu của họ là xung đột phải kết thúc càng sớm, càng tốt.
Nga luôn tuyên bố nước này không có ý định tiến hành một cuộc tấn công vào NATO, liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu bao gồm nhiều quốc gia EU. Moskva khẳng định không có bất kỳ tranh chấp cơ bản nào với EU. Mặc dù vậy, các quan chức Nga vẫn chỉ trích hỗ trợ quân sự của phương Tây cho Kiev và cảnh báo rằng sự hỗ trợ đó sẽ kéo dài cuộc xung đột và lôi kéo phương Tây trực tiếp vào cuộc xung đột.
Trong khi nhiều nước EU bày tỏ sự ủng hộ đối với Ukraine, vẫn tồn tại một số trường hợp ngoại lệ. Hungary đã từ chối cung cấp vũ khí cho Kiev và gần đây đã chặn gói hỗ trợ trị giá 50 tỷ euro (54 tỷ USD) của EU dành cho Ukraine. Tương tự, tân Thủ tướng Slovakia Robert Fico đã tạm dừng vận chuyển vũ khí tới Ukraine, và ông chủ trương rằng “EU nên thay đổi từ một nhà cung cấp vũ khí thành một nhà kiến tạo hòa bình”.
Bình luận