• Zalo

Xung đột Armenia-Azerbaijan: Ảnh hưởng của Nga ở vùng Kavkaz

Quân sựThứ Năm, 01/10/2020 07:11:29 +07:00Google News
(VTC News) -

Tình hình leo thang xung đột giữa Armenia-Azerbaijan tại Nagorno-Karabakh khiến Nga phải vào cuộc hòa giải, đồng thời khẳng định vai trò số 1 tại khu vực Kavkaz.

Cuộc xung đột ở khu vực Nam Kavkaz đang giữa Armenia-Azerbaijan đã vượt qua phạm vi các vụ tranh chấp nhỏ lẻ tại khu vực biên giới như trước đây và đang có dấu hiệu bùng phát chiến sự trên diện rộng, trở thành cuộc chiến tổng lực giữa hai quốc gia Liên Xô cũ.

Bên cạnh đó, sự hỗ trợ tích cực của Thổ Nhĩ Kỳ dành cho Baku trên nhiều phương diện, khiến Nga phải xem xét khả năng hỗ trợ đồng minh Armenia. Đồng thời với tư cách là cường quốc số 1 khu vực, Matxcơva có thể sẽ can thiệp trực tiếp, nhằm giải quyết tranh chấp biên giới và bảo đảm an ninh khu vực.

Trung gian hòa giải xung đột

Trong bối cảnh xung đột Armenia-Azerbaijan tiếp tục leo thang sang ngày thứ ba tại khu vực tranh chấp, hôm 29/9, Tổng thống Nga Valdimir Putin có cuộc điện đàm thảo luận với Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan về tình hình ở Nagorno-Karabakh.

Tổng thống Putin đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan. Theo Điện Kremlin, cuộc nói chuyện diễn ra theo đề nghị từ phía Armenia.

Xung đột Armenia-Azerbaijan: Ảnh hưởng của Nga ở vùng Kavkaz - 1

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan.

Trong cuộc nói chuyện, ông Putin bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình thù địch tại Cộng hòa Nagorno-Karabakh tự xưng. Đồng thời nhà lãnh đạo Nga đề nghị các bên nhanh chóng ngừng bắn và thực hiện các biện pháp để giảm leo thang xung đột.

Hôm 27/9, Tổng thống Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan có cuộc điện đàm, trong đó 2 bên kêu gọi tiến hành các cuộc đàm phán hòa bình để chấm dứt xung đột giữa Armenia và Azerbaijan.

Tuy nhiên tình hình chiến sự tại khu vực liên tục gia tăng trong 3 ngày qua, khi hai Armenia và Azerbaijan tiến hành các hoạt động quân sự và tấn công nhằm vào nhau ở khu vực biên giới.

Xung đột nổ ra ngay sau khi cuộc tập trận quy mô lớn Kavkaz-2020 của Nga kết thúc hôm 26/9, với một số nội dung tập trận diễn ra trên lãnh thổ Armenia.

Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan trưa 27/9 đã ra lệnh điều động nghĩa vụ quân sự toàn quốc, đồng thời ban hành thiết quân luật ở Armenia. Thủ tướng Armenia cũng kêu gọi người dân sơ tán khỏi các khu định cư tiếp giáp với khu vực xung đột.

Cùng ngày, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev đưa ra tuyên bố về ý định “giải quyết” vấn đề Karabakh và sẽ “giải phóng” lãnh thổ này khỏi quân đội Armenia.

Thủ tướng Pashinyan sau đó lên tiếng cảnh báo về mối đe dọa tính mạng đối với người dân Armenia, đồng thời chỉ ra việc Thổ Nhĩ Kỳ can dự vào cuộc xung đột ở Karabakh.

Thổ muốn can dự, Nga và các cường quốc phản đối

Hôm 29/9, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu tuyên bố Ankara sẵn sàng giải quyết vấn đề Nagorno-Karabakh "một cách triệt để" và không chỉ giúp Azerbaijan trên bàn đàm phán mà còn trên chiến trường.

Trước đó, phát biểu trên kênh Russia 1, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan cho biết Thổ Nhĩ Kỳ thực sự có liên quan đến cuộc xung đột ở Nagorno-Karabakh. Ông nhấn mạnh, theo thông tin từ Yerevan các cố vấn quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tham gia chỉ đạo các hành động của Azerbaijan tại Karabakh.

Theo Sputnik, một tiêm kích F-16 của Không quân Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn hạ máy bay cường kích Su-25 của Armenia, khiến phi công thiệt mạng. Thông tin được Thư ký báo chí của Bộ trưởng Quốc phòng Armenia, bà Shushan Stepanyan đưa ra trên Facebook cá nhân hôm 29/9. 

Theo nhận định của tờ “Quan điểm” (Nga), Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan có ý định đưa Ankara lao vào một cuộc xung đột ở Nam Kavkaz.

Xung đột Armenia-Azerbaijan: Ảnh hưởng của Nga ở vùng Kavkaz - 2

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.

Theo đó, hôm 29/9 bình luận về tình hình xung quanh Nagorno-Karabakh, Tổng thống Erdogan cho rằng Armenia là một quốc gia chiếm đóng và kêu gọi chấm dứt "cuộc xâm lược" của Yerevan đối với vùng đất Azerbaijan.

Ông Erdogan cũng cáo buộc Nhóm Minsk (do Nga, Pháp và Mỹ đồng chủ trì) của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) không có khả năng giải quyết vấn đề Karabakh.

Trong 30 năm họ đã không thể giải quyết vấn đề này. Và họ đã làm mọi cách để vấn đề không được giải quyết. Bây giờ họ đang dạy chúng tôi, và đôi khi họ còn đe dọa”, ông Erdogan nói.

Nhà nghiên cứu khoa học chính trị Nga Kirill Semenov cho rằng: “Việc Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ Azerbaijan không có gì đáng ngạc nhiên. Vì họ là những quốc gia và dân tộc gần gũi với nhau”.

Tuy nhiên, những tuyên bố của ông Erdogan về sự ủng hộ dành cho Azerbaijan trong cuộc xung đột với Armenia, trái ngược hẳn với lập trường của Nga, phương Tây và cũng không tìm thấy sự ủng hộ ở Trung Đông.

Iran từ lâu theo đuổi chính sách bình đẳng và sẽ không có lợi cho quốc gia này nếu can thiệp vào cuộc xung đột Karabakh. Ngoài ra, Israel nhiều khả năng sẽ có quan điểm trung lập, bất chấp sự hợp tác tích cực với Baku trong lĩnh vực quân sự”, chuyên gia Semenov chỉ rõ.

Trong khi đó, các nước đồng chủ tịch Nhóm Minsk, bất chấp những tuyên bố gây hấn của Erdogan, vẫn giữ vững quan điểm. Điện Kremlin tiếp tục kêu gọi Armenia và Azerbaijan kiềm chế tối đa và từ bỏ phương thức leo thang quân sự. Matxcơva cũng trao đổi với Ankara về tình hình ở Nagorno-Karabakh.

Trong khi đó, nhà lãnh đạo Pháp Emmanuel Macron cũng bày tỏ quan điểm tương tự. Ông cho rằng cần thực hiện mọi biện pháp để chấm dứt các hành vi thù địch và kêu gọi tăng cường nỗ lực của Nhóm Minsk.

Tổng thống Trump cho biết Washington đang xem xét một số bước đi để ngăn chặn căng thẳng bùng phát tại khu vực tranh chấp này. 

Ảnh hưởng của Matxcơva ở Kavkaz

Trong bối cảnh xung đột Armenia và Azerbaijan, Phó người đứng đầu Đảng Công lý và Phát triển, đảng cầm quyền tại Thổ Nhĩ Kỳ, ông Numan Kurtulmush vừa đến thăm phái đoàn ngoại giao Azerbaijan tại Ankara. Ông Kurtulmush cáo buộc Armenia có những hành động khiêu khích.

Chúng tôi coi các cuộc tấn công vào Azerbaijan là tấn công vào Thổ Nhĩ Kỳ. Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để giúp đỡ người anh em Azerbaijan, và sẽ giành chiến thắng trong cuộc chiến này”, chính trị gia quả quyết.

Nhưng tuyên bố này ngay lập tức nhận được phản ứng gay gắt từ điện Kremlin. Thư ký Báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov gọi những lời lẽ về việc hỗ trợ quân sự cho Armenia hay Azerbaijan là đổ thêm dầu vào lửa.

Ông Peskov nhấn mạnh, Matxcơva đang theo dõi những diễn biến ở Nagorno-Karabakh một cách chăm chú nhất để xác định các bước tiếp theo.

Xung đột Armenia-Azerbaijan: Ảnh hưởng của Nga ở vùng Kavkaz - 3

Yerevan và Matxcơva có thể kích hoạt điều khoản trong Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể.

Sau vụ tiêm kích Thổ Nhĩ Kì bắn rơi máy bay Su-25 của Armenia, Yerevan và Matxcơva đang xem xét khả năng kích hoạt điều khoản trong Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể, cho phép Nga tham chiến, trong trường hợp Armenia bị tấn công.

Giới nghiên cứu tin rằng, nếu xung đột ở Karabakh tiếp tục trầm trọng hơn, điều này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến Nga. Khi đó không loại trừ khả năng Nga gửi quân tham chiến.

Chuyên gia quân sự Nga Konstantin Sivkov giải thích, Armenia là tiền đồn quan trọng của Matxcơva trong hướng chiến lược phía Nam.

Theo chuyên gia Nga, Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng cung cấp cho Azerbaijan vũ khí, trang thiết bị quân sự, chuyên gia và một số lực lượng quân sự nhất định. Và ở mức cao nhất, Ankara có thể tham gia tấn công Armenia.

Tuy nhiên, ông Sivkov cũng chỉ rõ, Nga có đủ khả năng đáp trả nhanh chóng mọi hành động khiêu khích quân sự có thể xảy ra từ Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực. “Tiềm lực tên lửa hạt nhân của Nga sẽ làm nguội lạnh đầu không chỉ của Thổ Nhĩ Kỳ, mà còn cả Mỹ”.

Để hạ nhiệt tham vọng của Thổ Nhĩ Kỳ, cần phải thực hiện một số tuyên bố cứng rắn của lãnh đạo Nga với một cuộc biểu dương lực lượng. Chẳng hạn như tổ chức các cuộc tập trận chung Nga-Armenia trong khu vực căn cứ quân sự Gyumri”, ông Sivkov nói.

"Nếu máy bay hoặc máy bay không người lái của Thổ Nhĩ Kỳ được tìm thấy trong kho vũ khí của Azerbaijan, Nga sẽ cung cấp cho Armenia và Cộng hòa Nagorno-Karabakh tự xưng các hệ thống vũ khí hiện đại có khả năng vô hiệu hóa chúng".

Sẵn sàng cho "trò chơi vương quyền"

Trước đó, giới nghiên cứu quân sự đã chỉ ra rằng các hành động thù địch ở Nagorno-Karabakh bắt đầu ngay sau khi kết thúc cuộc tập trận Kavkaz 2020 của Nga. Matxcơva trước đó đã có những dự tính riêng cho tình hình khu vực phía Nam và sẵn sàng cho các thách thức trong "trò chơi vương quyền" ở khu vực.

Các cuộc tập trận này, trước hết, có định hướng chống khủng bố và có tính đến kinh nghiệm tác chiến ở Syria”, Phó giáo sư Alexander Perendzhiev, thành viên của Hội đồng Sĩ quan Nga cho biết.

Trong các cuộc tập trận, các kịch bản cũng đã được tính đến nếu xảy ra xung đột giữa Azerbaijan và Armenia. Điều này là sự chuẩn bị cần thiết để giảm thiểu rủi ro cho phần lãnh thổ Bắc Kavkaz của Nga”.

Xung đột Armenia-Azerbaijan: Ảnh hưởng của Nga ở vùng Kavkaz - 4

Tập trận Kavkaz - 2020 là sự chuẩn bị của Nga cho vấn đề xung đột ở Nagorno-Karabakh.

Andrei Klimov, Phó Chủ tịch Hội đồng Liên đoàn về các vấn đề quốc tế, cho biết, đây không phải là lần đầu tiên Ankara nhấn mạnh vai trò là một cường quốc khu vực, có vị thế quan trọng.

Ông Klimov gọi cuộc đối đầu ở Karabakh là "cuộc chiến căng thẳng từ của một số đối thủ" trong khu vực, nhằm thách thức vai trò của Nga. Chính trị gia này đồng thời cho biết, Nga sẽ không phản ứng trước những tuyên bố khiêu khích.

Hơn nữa, ông Klimov đã nói về khả năng Hoa Kỳ sử dụng tình hình ở Kavkaz để "làm mất cân bằng với Nga”.

Và cuộc xung đột này càng sớm được chuyển sang bình diện chính trị và luật pháp thì càng tốt. Đây là lập trường mà giới lãnh đạo Nga đã nhiều lần nói rõ”, ông Klimov nhấn mạnh.

Phong Vũ
Bình luận
vtcnews.vn