Ngày 9/11, thẩm phán Trương Gia Ngôn, Tòa án Nhân dân thành phố Bộc Dương (tỉnh Hà Nam, Trung Quốc), chủ tọa hòa giải vụ ly hôn của một cặp vợ chồng.
Từ khi hai người đệ đơn ly hôn, vị thẩm phán đã gặp mặt trực tiếp đôi bên 3 lần và trao đổi hòa giải qua điện thoại 20 lần nhưng không đạt kết quả tích cực.
Ngày ra tòa, cặp vợ chồng dắt theo đứa con 3 tuổi. Vừa bước vào cửa phòng hòa giải, hai người đã tỏ ra xúc động và liên tục lớn tiếng tranh cãi vì không tìm được tiếng nói chung.
Đứa trẻ đứng cạnh ngơ ngác và sợ hãi khi chứng kiến cha mẹ cự cãi. Cậu bé nhìn quanh nhưng không biết phải làm sao, cuối cùng bật khóc.
Nhìn cảnh đó, thẩm phán Trương bế đứa trẻ lên, nhẹ nhàng trò chuyện, vỗ về để bé bình tĩnh. Đứa trẻ liền ôm lấy vị thẩm phán, dựa đầu vào vai và đưa tay vòng qua cổ ông. Hai vợ chồng vẫn mải mê tranh cãi, không chú ý đến đứa con nhỏ đang được người lạ chăm sóc.
Suốt buổi hòa giải, vị thẩm phán không thả đứa bé xuống, cậu bé từ từ gục ngủ trên vai ông.
Sau hơn 2 tiếng, vụ ly hôn đã được giải quyết, tuy nhiên kết quả không được tiết lộ.
Video và hình ảnh về vụ việc được chia sẻ trên trang web chính thức của tòa án nhanh chóng thu hút sự chú ý của dân mạng. Đa số bình luận bày tỏ xúc động trước hành động ấm áp của thẩm phán Trương.
Bên cạnh đó, nhiều người cho rằng việc cha mẹ bỏ mặc con nhỏ, tranh cãi to tiếng trước mặt con sẽ khiến đứa trẻ tổn thương, gây nên vết hằn tâm lý về sau.
Số đông ý kiến đồng ý rằng: "Dù cha mẹ có ly hôn trong hòa bình hay chia tay sau tranh cãi thì con cái vẫn là người chịu tổn thương lớn nhất".
Sự việc trên cũng đã làm dấy lên những luồng ý kiến về tác động của việc cha mẹ ly hôn đối với tâm lý con trẻ.
Theo 163, dù cuộc hôn nhân có tan vỡ hay sẽ được hàn gắn sau hòa giải, nuôi dạy con vẫn là trách nhiệm của cha mẹ. Sau ly hôn, nhiều vợ chồng không chỉ cắt đứt liên hệ mà còn tỏ ra ghét bỏ, coi thường đứa con chung khiến cho đứa trẻ trở thành nạn nhân, bị ảnh hưởng tâm lý nặng nề.
Kết quả của một cuộc khảo sát cho thấy 56,8% trẻ em trong các gia đình có cha/mẹ tái hôn mắc chứng trầm cảm, 21,6% có những rắc rối nghiêm trọng về tình cảm, và 18,9% trẻ em bị căng thẳng thần kinh. Những con số này cao hơn nhiều so với trẻ em ở các kiểu gia đình bình thường.
Bình luận