• Zalo

10 sự kiện nổi bật Bộ Công Thương 2019: Xuất khẩu vượt 500 tỷ USD xếp số 1

Kinh tếThứ Năm, 26/12/2019 07:51:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Bộ Công Thương vừa công bố 10 sự kiện tiêu biểu ngành năm 2019, với bình chọn đầu tiên dành cho việc tổng kim ngạch xuất nhập khẩu vượt mốc 500 tỷ USD.

 

10 sự kiện nổi bật Bộ Công Thương 2019: Xuất khẩu vượt 500 tỷ USD xếp số 1  - 1

Kim ngạch xuất nhập khẩu tăng tốc, vượt mốc 500 tỷ USD là sự kiện tiêu biếu nhất của ngành Công Thương 2019. (Ảnh: Vietnamexport)

Bộ Công Thương nhấn mạnh, sự kiện này càng có ý nghĩa trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu giảm thấp do tác động của xung đột thương mại, cạnh tranh chiến lược giữa các nền kinh tế lớn, đặc biệt là căng thẳng thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc. Ngoài ra là xu hướng bảo hộ mậu dịch và việc các nước ngày càng gia tăng những biện pháp hạn chế thương mại.

Tuy vậy, Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng xuất nhập khẩu ở mức cao, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2019 vượt mốc 500 tỷ USD.

“Kết quả phản ánh sự nỗ lực của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương, trong đó có Bộ Công Thương trong việc giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, không ngừng cải thiện môi trường kinh doanh tạo động lực cho doanh nghiệp yên tâm phát triển sản xuất và xuất khẩu”, Bộ Công Thương cho biết.

Tiếp theo là các sự kiện được xếp hạng như sau:

- Việt Nam thực hiện mở cửa hội nhập một cách mạnh mẽ hơn với Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) chính thức được ký kết.

Bộ Công Thương cho biết CPTPP đi vào thực thi và EVFTA chính thức được ký kết là dấu mốc quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc chủ động, tích cực hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới.

TPTPP và EVFTA sẽ tăng cường hơn nữa quan hệ song phương trên nhiều lĩnh vực giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu, làm sâu sắc hơn mối quan hệ về kinh tế và thương mại nhằm tận dụng tối đa lợi thế và tiềm năng của nhau để mang lại lợi ích cho cả hai bên, giúp Việt Nam thể hiện cam kết mạnh mẽ đối với đổi mới và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng. Đồng thời, tạo cơ hội cho Việt Nam thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh hơn trong giai đoạn tới.

- Công tác quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận thương mại, xuất xứ được củng cố, góp phần quan trọng ổn định thị trường.

Theo Bộ Công Thương, năm 2019, trong bối cảnh diễn biến phức tạp của thương mại toàn cầu, đặc biệt là dưới áp lực của xung đột thương mại Mỹ - Trung, các hành vi gian lận xuất xứ, gian lận thương mại, lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại có xu hướng gia tăng với các hình thức ngày càng tinh vi, phức tạp.

Bộ Công Thương đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai quyết liệt công tác chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, quản lý thị trường, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, xuất xứ, ngăn chặn hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của các ngành sản xuất và người tiêu dùng trong nước.

- Thực hiện kết nối với cổng dịch vụ công quốc gia trên phạm vi toàn quốc được chính thức khai trương vào ngày 9/1 với sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử.

Với quan điểm công khai, minh bạch, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, những dịch vụ nào người dân doanh nghiệp cần thì triển khai trước, Bộ Công Thương là đơn vị đầu tiên thí điểm kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia.

- Tổng kết 10 năm thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" ngành Công Thương.

Cuộc vận động dần trở thành động lực thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng hàng Việt một cách mạnh mẽ. Góp không nhỏ trong việc đảm bảo cho thị trường trong nước giữ vững được đà tăng trưởng cao, ổn định với tốc độ tăng của tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ xã hội đạt xấp xỉ 17,5% trong 10 năm qua, cao hơn 3 lần so với mức tăng trưởng GDP và đưa Việt Nam trở thành một trong những thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất toàn cầu (đứng vị trí thứ 6 trong nhóm 30 quốc gia có tiềm năng và mức độ hấp dẫn đầu tư trong lĩnh vực bán lẻ toàn cầu).

- Tăng trưởng bứt phá của thương mại điện tử đưa Việt Nam trở thành một trong những thị trường tiềm năng nhất khu vực ASEAN.

Việt Nam hiện được đánh giá là một trong những thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm là hơn 25% trong giai đoạn hiện nay và được dự báo quy mô thị trường có khả năng lên tới 13 tỷ USD vào năm 2020. Doanh thu hoạt động thương mại điện tử ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong tổng doanh thu bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng (xấp xỉ 4% và đang gia tăng nhanh).

- Chỉ số tiếp cận điện năng tiếp tục được cải thiện, với chỉ số Tiếp cận điện năng của Việt Nam tăng năm thứ 6 liên tiếp với số điểm là 88,2 điểm (tăng 0,26 điểm so với năm 2018 là 87,94 điểm) - theo kết quả đánh giá của Ngân hàng Thế giới tại báo cáo Doing Business 2019.

- Việt Nam thành công trong việc sản xuất máy biến áp nguồn dự phòng 500kV công suất 467 MVA.

Thành tựu này là một bước nhảy vọt về năng lực công nghệ, trình độ thiết kế, chế tạo của doanh nghiệp, đảm bảo mọi điều kiện để sản xuất các gam máy biến áp đang vận hành trên lưới điện quốc gia, đảm bảo mọi điều kiện để sản xuất các gam máy biến áp 500kV đang vận hành trên lưới điện quốc gia

- Tái cơ cấu lực lượng quản lý thị trường đã đạt được những kết quả tích cực.

Tổng cục đã giảm được 235 đội Quản lý thị trường và sẽ tiếp tục giảm 70 Đội vào năm 2020.

Năm 2019, lực lượng Quản lý thị trường đã tấn công được vào nhiều điểm nóng, đường dây, ổ nhóm về hàng giả, hàng lậu lớn mà trước đây chưa bao giờ làm được với việc phát hiện, xử lý trên 90.000 vụ vi phạm. Thu nộp ngân sách nhà nước gần 500 tỷ đồng (chưa tính trị giá hàng tịch thu chưa bán).

- Việt Nam đạt được bước phát triển đột phá về năng lượng mặt trời với với công suất đưa vào vận hành lên tới gần 5.000 MW.

Tính đến hết năm 2019, đã có khoảng gần 5.000 MW điện đã được sản xuất từ các nhà máy sản xuất điện mặt trời.

Đây là tín hiệu cho thấy sự tích cực và hiệu quả do cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời của Chính phủ trong bối cảnh phụ tải điện tiếp tục tăng cao, yêu cầu về nguồn điện phục vụ phát triển ngày càng lớn, có ý nghĩa quan trọng về mặt đảm bảo cung cấp điện.

Hiện mỗi năm bổ sung khoảng 7-9 tỷ kWh góp phần giảm nguy cơ thiếu điện, giảm công suất điện chạy dầu giá cao, hướng phát triển ngành năng lượng Việt Nam theo hướng bền vững, giảm phát thải khí nhà kính.

Hoàng Hưng
Bình luận
vtcnews.vn