Bàn cách “giải cứu” thanh long trong ngày Tết
Diễn biến phức tạp của virus Corona ở Trung Quốc khiến việc phân phối và tiêu thụ thanh long vào quốc gia này - nơi tiêu thụ 90% thanh long của Việt Nam - đang gặp rất nhiều khó khăn. Chính vì vậy, tất cả các kho hàng tiêu thụ thanh long ở hai địa phương sản xuất lớn nhất của Đồng bằng sông Cửu Long là Tiền Giang và Long An có cuộc họp "giải cứu" loại trái cây này ngay trong những ngày Tết Nguyên đán (vào ngày mùng 3 Tết, 27/1).
Sau cuộc họp, tất cả các kho hàng tiêu thụ thanh long ở hai địa phương nêu trên đi đến thống nhất: Từ ngày mùng 3 đến mùng 10 Tết, tức từ ngày 27/1 đến ngày 3/2, họ không nhận hàng (thanh long) của thương lái và nông dân mà các nhà kho từng đặt cọc thu mua trước đó.
Lý do được các chủ kho hàng thu mua thanh long đưa ra là không thể tiêu thụ được hàng. Tất cả khách hàng ở Trung Quốc đều không nhận hàng do các quy định về hạn chế đi lại, đóng cửa một số cửa khẩu tại quốc gia tỉ dân nhằm ngăn chặn sự lan rộng của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus corona gây ra.
Đổi lại việc không nhận thanh long từ nhà vườn và thương lái, hội các nhà kho thu mua thanh long ở Tiền Giang và Long An thống nhất hỗ trợ cho nhà vườn và thương lái (có ký hợp đồng bán sản phẩm trước đó và có thời gian thu hoạch từ ngày 27/1 đến 3/2) là 5.000 đồng/kg.
Bà Huỳnh Thị Kim Trang, Đại diện nhà kho Tăng Tài Lộc, Ngụ huyện Châu Thành, tỉnh Long An giải thích: “Hiện tại, khách hàng đầu ngoài (doanh nghiệp thu gom từ nhà kho bán sang Trung Quốc- PV) người ta hủy hợp đồng với kho, trong khi kho đã ký hợp đồng mua từ nhà vườn rồi, cho nên chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn”.
Theo bà Trang, hội các nhà kho sau khi họp bàn thống nhất hỗ trợ cho thương lái và nhà vườn 5.000 đồng/kg đối với hợp đồng ký kết trước đó, tuy nhiên việc thực hiện hỗ trợ này cũng không phải dễ dàng. “Bởi, khi ký hợp đồng thu mua của nông dân, chúng tôi đưa tiền cọc 5-10 triệu đồng/tấn rồi (tùy người), cho nên nếu nông dân nào thông cảm thì giải quyết được, còn không coi như mất cọc”, bà giải thích và nói rằng khi đó nông dân có lời hơn so với nhận hỗ trợ, còn nhà kho sẽ khốn đốn.
Bà Trang cho biết, trước Tết, các nhà kho đặt cọc mua thanh long của nông dân với giá 30.000-32.000 đồng/kg, nhưng hiện nay do tình hình tiêu thụ sang Trung Quốc rất khó khăn nên giá bán cũng giảm mạnh và hiện chỉ còn 5.000 đồng/kg.
Doanh nghiệp xuất khẩu nông sản “điêu đứng” theo corona
Virus corona bùng phát ở Trung Quốc khiến các đối tác nhập khẩu nơi đây đã từ chối các đơn hàng ký kết trước đó, dẫn đến việc xuất khẩu hàng nông sản của doanh nghiệp Việt Nam sang thị trường gần 1,4 tỉ dân gặp rất nhiều khó khăn.
Bà Nguyễn Thị Hồng Thu, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu nói: “Virus corona bùng phát, tất nhiên các doanh nghiệp như chung tôi phải điêu đứng rồi".
Cụ thể, theo bà Thu, những kế hoạch thu mua cũng như những hợp đồng mà khách Trung Quốc ký kết đều bị hủy bỏ. “Thậm chí, có những lô hàng, sản phẩm cắt rồi, nằm trên kho dự định xuất đi hoặc cả những lô hàng đang trên đường xuất đi Trung Quốc cũng đều bị ảnh hưởng”, bà cho biết và nói rằng những kế hoạch mua bán khác cũng đều gặp khó khăn như hợp đồng ký kết với nông dân hoặc tiền đã đưa thương lái rồi, nhưng cũng ngưng…
Không chỉ thanh long, ngay cả xoài hay thậm chí sầu riêng- loại trái cây chưa được Trung Quốc chấp nhận cho nhập khẩu chính ngạch cũng bị ảnh hưởng rất lớn. “Trái sầu riêng, dù Trung Quốc chưa cho nhập chính ngạch, nhưng thực tế bằng cách nào đó, thời gian qua chúng ta cũng tiêu thụ được, nhưng nay "bít" là coi như hết”, bà giải thích.
Giám đốc một doanh nghiệp chuyên kinh doanh xuất khẩu trái cây không muốn nêu trên, thừa nhận đơn vị này ước bị thiệt hại khoảng 3 tỉ đồng do hai lô hàng bị đối tác phía Trung Quốc hủy bỏ, dù đang được xử lý để chuẩn bị xuất nhân dịp khai trương trở lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
“Một số đơn hàng khác cũng rơi vào tình trạng tương tự”, vị này cho biết và nói rằng các kế hoạch thu mua sản phẩm từ nông dân cũng đang bị thay đổi rất lớn.
Theo bà Thu, từ vấn đề dịch bệnh viêm phổi cấp do chủng mới virus Corona ở Trung Quốc, nhưng đã có ảnh hưởng rất lớn đến xuất khẩu hàng nông, thủy sản của Việt Nam sang quốc gia này, bởi nhóm hàng nông, thủy sản chiếm tỷ trọng xuất khẩu rất lớn vào đây, nhất là với trái cây chiếm đến khoảng 70%.
Liên quan đến việc kiểm soát và phòng chống dịch bệnh viêm phổi cấp do chủng mới virus Corona ở Trung Quốc, Ủy ban điều phối kinh tế và thương mại Thành phố Bằng Tường (Pingxiang) đã ra quyết định đóng cửa cảng, ngưng thông quan hàng hóa từ ngày 31/1 đến ngày 8/2 và thực hiện mở cửa trở lại từ ngày 9/2.
Ủy ban điều phối kinh tế và thương mại Bằng Tường yêu cầu tất cả các đơn vị liên quan, bao gồm người dân và thương nhân tuân thủ lịch trình nêu trên để thực hiện việc thông quan hàng hóa. Bằng Tường là địa phương có phía Tây và phía Nam giáp tỉnh Lạng Sơn của Việt Nam.
Liên quan thông tin nêu trên, PV đã liên hệ với ông Lê Văn Thiệt, Phó cục trưởng Cục bảo vệ thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để xác nhận, nhưng ông cho biết chưa nắm được thông tin.
Bình luận