Điều này đã dẫn đến hoạt động xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam gặp khó khăn, suy giảm đơn hàng, tỷ trọng xuất khẩu lao dốc, toàn ngành xuất siêu chỉ đạt 2,5 tỷ USD, giảm 37,7% so với kế hoạch đề ra.
Xuất khẩu khẩu nông, lâm, thủy sản giảm thế nào?
Nhu cầu tiêu thụ tại một số thị trường lớn, đặc biệt tại những thị trường nhập khẩu nông sản lớn của Việt Nam như Mỹ, châu Âu (EU), Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... giảm mạnh, khiến xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam trong 4 tháng qua chỉ đạt 15,6 tỷ USD, giảm 13,3%.
Đáng chú ý, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực bắt đầu lao dốc. Cùng với đó, lượng hàng tồn nhập khẩu 2022 của một số thị trường lớn còn nhiều, khiến doanh nghiệp chưa ký được đơn hàng xuất khẩu mới.
Theo tính toán, trong tháng Tư, xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản chỉ đạt 4,5 tỷ USD, giảm 8,3% so với cùng kỳ năm trước và giảm 1,2 triệu USD so với tháng Ba. Tính chung 4 tháng, xuất khẩu các mặt hàng của ngành nông nghiệp đạt 15,6 tỷ USD, giảm 13,3% so với cùng kỳ năm trước. Toàn ngành xuất siêu 2,5 tỷ USD, giảm 37,7%.
Đáng chú ý, chỉ có một số mặt hàng nông sản có giá trị xuất khẩu cao hơn năm ngoái như cà phê đạt 1,7 tỷ USD, tăng 2,5%; rau quả 1,4 tỷ USD, tăng 19,4%; hạt điều 942 triệu USD, tăng 3,4%; thịt, phụ phẩm 45 triệu USD.
Trong khi đó, nhiều mặt hàng chủ lực giảm mạnh, như cao su giảm 20,1%; chè giảm 5,8%; hồ tiêu giảm 10,2%; sắn và sản phẩm sắn giảm 12,1%; gỗ và sản phẩm gỗ giảm 30,4%; cá tra giảm 39,9%; tôm giảm 39,6%....
Bộ NN&PTNT cho biết, trong 4 tháng đầu năm, Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam với tỷ trọng đạt gần 21%, tiếp đến là Mỹ với 18,9% và Nhật Bản chiếm 8,1%.
Trả lời VTC News, ông Võ Văn Phục - Tổng giám đốc Công ty CP Thủy sản sạch Việt Nam (VINA CLEANFOOD) - cho biết, doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản gặp khó khăn chung do ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế thế giới, người dân hạn chế tiêu dùng.
Bên cạnh đó, cuộc xung đột Nga - Ukraine và những biến động chính trị thế giới đã ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế toàn cầu, ảnh hưởng đến thanh toán của người tiêu dùng.
Đối với ngành, tôm thời gian gần đây đã còn khó khăn trong việc cạnh tranh với một số nước có nguồn nguyên liệu giá rẻ như Ấn Độ, Indonesia, Ecuador… đặc biệt Ecuador nổi lên trong vài năm gần đây với nguồn lực đất đai của họ quá lớn. Ngoài ra, ông Phục cũng nêu những khó khăn do việc tăng lãi suất của FED, doanh nghiệp khó tiếp cận vốn vay và loay hoay với thị trường tiêu thụ…
Từ đầu năm đến nay, số lượng đơn hàng giảm 30%. Để ứng phó và giảm bớt khó khăn, doanh nghiệp buộc phải cho người lao động nghỉ luân phiên, giảm hơn 40% giờ làm, kéo theo giảm 40% thu nhập và cắt giảm hơn 1.000 động trong số hơn 4.000 lao động hiện có.
“Những khó khăn này sẽ kéo dài sẽ làm cho thế giới bị nghèo đi, không dễ gì thoát được. Trước tình hình này không chỉ riêng ngành tôm, mà các ngành khác cần phải đánh giá được khó khăn trước mắt và lâu dài. Và các doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển thì phải chấp nhận mức tăng trưởng thấp và giảm, đồng thời tái cấu trúc lại.
Tuy nhiên, bản thân các doanh nghiệp phải tìm được giải pháp để vượt qua bằng việc áp dụng khoa học công nghệ để chi phí thấp, chất lượng và hiệu quả cao. Cùng với đó, ngành ngân hàng và các cơ quan chức năng cần tìm giải pháp tháo gỡ vốn vay, thị trường xuất khẩu cho các doanh nghiệp cũng như người chăn nuôi”, ông Phục nói.
Bắt “bệnh” tốt để trị “bệnh” hiệu quả
Phân tích với VTC News về nguyên nhân xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam từ đầu năm đến nay giảm kỷ lục, chuyên gia kinh tế - tài chính TS Bùi Kiến Thành cho rằng, trước hết phải khẳng định việc Fed tăng lãi suất ảnh hưởng đầu tiên là hoạt động của các ngân hàng Mỹ.
“FED cho rằng nền kinh tế của Mỹ còn đang quá nóng cho nên cần phải kìm chế bằng cách tăng lãi suất để hạn chế lạm phát. Đương nhiên, khi nền kinh tế Mỹ bị ảnh hưởng từ việc FED tăng lãi suất thì sẽ ảnh hưởng đến cả nền kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam”, ông Thành nói.
Cũng theo ông Thành, hiện nay Việt Nam - Mỹ là đối tác thương mại rất lớn chỉ sau Trung Quốc nên việc gì xảy ra bên Mỹ thì sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam.
“Những đơn hàng xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam trong những tháng vừa qua giảm sâu do các đại siêu thị và các nhà nhập khẩu của Mỹ bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, kinh tế suy thoái, tỷ lệ người dân giảm thu nhập do khó khăn về việc làm khiến họ đã cắt giảm chi tiêu, hạn chế mua hàng. Đương nhiên, khi sản lượng xuất khẩu giảm, thị trường xuất khẩu giảm thì việc thu hút đầu tư, tạo việc làm cho người lao động gia tăng thu nhập cũng sẽ giảm theo”, ông Thành nói.
Còn chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú - nguyên Phó giám đốc Sở Thương mại, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội - nhận định, nguyên nhân xuất khẩu nông lâm thuỷ sản của Việt Nam giảm sâu từ đầu năm đến nay là do suy thoái và khủng hoảng kinh tế của thế giới, khiến các nhà nhập khẩu, nhà bán lẻ ở các khu vực Việt Nam xuất khẩu cũng gặp khó khăn.
Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ của người dân của giảm mạnh đã dẫn đến hàng hoá của Việt Nam đã xuất khẩu còn tồn đọng nên không tiếp tục xuất khẩu trong các đơn hàng tiếp theo.
Việc Trung Quốc, một thị trường tiềm năng mở cửa vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức cho hàng hóa nông thủy sản của Việt Nam vì phải cạnh tranh với các nước trong khu vực cùng xuất khẩu sang Trung Quốc.
“Hàng hóa của nước nào chất lượng, đảm bảo an toàn theo đúng tiêu chí, giá rẻ, chế biến sâu chắc chắn sẽ có lợi thế hơn rất nhiều”, ông Phú nói
Về giải pháp tháo gỡ, ông Phú cho rằng, bản thân các doanh nghiệp cần phải gia tăng giá trị bằng việc đầu tư xây dựng, mở rộng nhà máy để chế biến sâu các mặt hàng nông, thuỷ sản, lâm sản thay bằng xuất khẩu thô như hiện nay.
“Cùng với đó, là phải tích cực khai thác, mở rộng thị trường ra các nước, các khu vực ở châu Á, châu Mỹ, châu Âu chứ không chỉ "gà què ăn quẩn cối xay", loay hoay mãi ở một số thị trường quen thuộc như Trung Quốc hoặc một số nước khác”, ông Phú nói thêm.
Trước tình trạng hoạt động tiêu thụ, xuất khẩu gặp khó, Bộ NN&PTNT đã và đang tìm hướng tháo gỡ một số vướng mắc, biến động từ các thị trường để hỗ trợ các doanh nghiệp.
Đồng thời, Bộ NN&PTNT cũng yêu cần bản thân các doanh nghiệp xuất khẩu phải điều chỉnh hợp lý, đa dạng sản phẩm xuất khẩu, căn cứ vào nhu cầu cụ thể của từng thị trường, tìm hướng đi riêng cho sản phẩm bằng chế biến sâu, thay đổi mẫu mã, có mẫu mã độc đáo, đảm bảo chất lượng. Các doanh nghiệp cũng cần tận dụng các hiệp định thương mại tự do, khai thác một số thị trường mới để bù đắp sự sụt giảm.
Để hỗ trợ các DN, ngành nông nghiệp đang tập trung triển khai các biện pháp mở rộng thị trường, vực dậy xuất khẩu, tăng sức mua ở thị trường nội địa. Trước mắt tập trung phát triển thị trường, tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; hỗ trợ DN ký kết đơn hàng xuất khẩu mới; tổ chức hội nghị các tỉnh biên giới về kết nối giao thương, thúc đẩy thương mại nông sản Việt Nam - Trung Quốc; tham gia chuỗi sự kiện quảng bá nông sản chủ lực của Việt Nam tại Anh trong thời gian sắp tới…
Bình luận